Hàng giả tràn lan: Sàn TMĐT không thể ‘lẩn tránh’ trách nhiệm

Hàng giả tràn lan: Sàn TMĐT không thể ‘lẩn tránh’ trách nhiệm

bởi

trong

Tăng khung hình phạt

Nhắc đến tình trạng hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) băn khoăn khi đổi từ tiền kiểm sang hậu kiểm, nhưng “hậu kiểm lơ là, thiếu tinh thần trách nhiệm”. Hệ quả là người tiêu dùng bị nhầm lẫn, dùng phải hàng hóa kém chất lượng nhưng vẫn tin rằng mình đang dùng hàng có chất lượng. “Ngoài công tác quản lý của nhà nước, các bộ KH-CN, Công thương, Y tế phải chịu trách nhiệm về việc kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là hậu kiểm”, ông nói.

Hàng giả tràn lan: Sàn TMĐT không thể ‘lẩn tránh’ trách nhiệm

Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch nước Lương Cường tham dự phiên họp

ẢNH: GIA HÂN

ĐB Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) cho rằng dự thảo đã bổ sung chế tài xử phạt hành vi vi phạm chất lượng đủ mạnh, song chưa cụ thể hóa tăng khung hình phạt hay mở rộng đối tượng chịu trách nhiệm liên đới. Do đó, cần nâng khung xử phạt đối với hành vi sản xuất, phân phối hàng giả, kém chất lượng có hệ thống, đình chỉ hoạt động khi tái phạm và mở rộng trách nhiệm liên đới đến đơn vị vận chuyển, kho chứa, đặc biệt khi đã biết có dấu hiệu tiếp tay cho hàng hóa vi phạm.

ĐB Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) nhấn mạnh, một số DN tận dụng cơ chế tự công bố để hợp pháp hàng giả, hàng nhái, hàng trôi nổi. Bà đề nghị nâng cao trách nhiệm thực thi, siết chặt hậu kiểm, ứng dụng công nghệ minh bạch hóa thông tin sản phẩm. Với những sai phạm của sản phẩm, hàng hóa ảnh hưởng tới sức khỏe cần tăng mạnh chế tài khi phát hiện, xử phạt thật nặng, đình chỉ lưu hành, yêu cầu dừng sản xuất toàn bộ, thậm chí truy cứu hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng, và bồi thường cho người dùng.

Luật hóa trách nhiệm các sàn TMĐT

Bên cạnh đó, nhiều ĐB cũng quan tâm tới quy định trách nhiệm các sàn thương mại điện tử (TMĐT) và người bán hàng online với hàng giả, hàng kém chất lượng. Tán thành dự thảo luật quy định trách nhiệm sàn TMĐT và người bán hàng online phải quản lý chất lượng hàng hóa, song theo ĐB Trịnh Thị Tú Anh, còn nhiều nội dung chưa cụ thể và thiếu chế tài đi kèm.

“TikTok Shop năm 2024 ghi nhận nhiều vụ mỹ phẩm nhái quảng cáo tràn lan nhưng không có cơ chế pháp lý để gỡ bỏ kịp thời”, bà Tú Anh nói và kiến nghị cần có những quy định trong dự thảo luật này để ràng buộc nghĩa vụ của sàn TMĐT trong việc kiểm tra điều kiện pháp lý về chất lượng, trước khi cho sản phẩm hiển thị trên các gian hàng. Đồng thời, xử lý vi phạm nền tảng TMĐT cố tình tiếp tay, không gỡ bỏ sản phẩm kém chất lượng sau cảnh báo. Người bán hàng online cũng bị xử phạt hành chính nếu không tuân thủ quy định về chất lượng.

ĐB Hoàng Minh Hiếu (đoàn Nghệ An) nhấn mạnh đến thiết lập cơ chế để tăng cường kiểm soát hàng hóa trên sàn TMĐT, nhưng cho rằng quy định trách nhiệm của các sàn trong xác minh, truy xuất nguồn gốc hàng hóa “chưa phù hợp”. Lý do, các nền tảng TMĐT không đủ năng lực và thẩm quyền để thực hiện điều này, có thể dẫn đến các sàn phải chịu trách nhiệm đối với các hành vi nằm ngoài tầm kiểm soát.

Bộ trưởng KH-CN Nguyễn Mạnh Hùng cho biết dự thảo luật đã bổ sung quy định làm rõ trách nhiệm người bán và sàn TMĐT trong bảo đảm chất lượng hàng hóa. Người bán phải công khai trung thực thông tin sản phẩm. Luật cũng khuyến khích ứng dụng công nghệ số như trí tuệ nhân tạo, blockchain, dữ liệu lớn để giám sát, cảnh báo và truy xuất nguồn gốc. Trong bối cảnh các nền tảng số nắm dữ liệu và công cụ mạnh nhất, theo ông Hùng, việc ràng buộc trách nhiệm pháp lý rõ ràng là cần thiết và hợp lý.

Về chế tài, trước đây chỉ phạt hành chính thì nay bổ sung thêm xử lý hình sự, thu hồi giấy phép kinh doanh và công bố công khai các vi phạm của doanh nghiệp trên nền tảng số quốc gia. Đối với hoạt động tự công bố hợp quy hoặc tự công bố tiêu chuẩn áp dụng thì khi phát hiện gian dối sẽ áp dụng hình thức xử phạt cao hơn, thậm chí tước quyền tự công bố.

Tổng Bí thư: “Nhiều năm rồi có tiền không tiêu được hết”

Thảo luận tại đoàn Hà Nội chiều 17.5, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, Bộ Chính trị đã nêu những quan điểm chính về xây dựng thể chế, pháp luật trong Nghị quyết 66. Kỳ họp thứ 9 của QH là kỷ lục trong sửa đổi, bổ sung nhiều luật, theo Tổng Bí thư, việc sửa toàn diện luật rất khó và phức tạp vì “luật nọ vướng luật kia”. Trong bối cảnh “vừa chạy, vừa xếp hàng” không thể sửa hết các luật, nếu chờ để sửa luật sẽ bị chậm trễ trong phát triển.

Cho ý kiến cụ thể về sửa đổi các luật liên quan đến lĩnh vực đầu tư, đấu thầu, Tổng Bí thư cũng lưu ý đây là việc rất khó, nhưng là điểm trũng cần tháo gỡ. “Nhiều năm rồi có tiền không tiêu được hết, trong khi nhu cầu phát triển đất nước rất lớn, phải đi vay ở nước ngoài. Vì đấu thầu nguyên quy trình đã hết năm rồi. Mấy tháng chọn thầu, mở thầu, mấy tháng chấm thầu. Làm gì còn thời gian thực thi, trong khi tiền ngân sách phải trong năm”, Tổng Bí thư nêu và cho biết, đầu tư công quý 1 gần như không tiêu được cái gì cả vì vướng luật.

Dẫn chứng từ việc đấu thầu trong lĩnh vực y tế, theo Tổng Bí thư, với cách đấu thầu thuốc như đấu giá thì “người bệnh VN không tiếp cận được với thuốc tiên tiến của thế giới”.

Bên cạnh đó, các quy định trong luật cũng khiến đầu tư công, hợp tác công – công hay hợp tác công – tư đều khó khăn. Như hợp tác công – công, ngân sách nhà nước thiếu tiền, nhưng địa phương có muốn góp cũng không được vì vướng quy định. Cho rằng “đấu thầu nói để chặn tiêu cực nhưng thực chất có chặn được không hay thông thầu, bán thầu hết rồi, che đậy cho nhau hết thôi”, Tổng Bí thư khẳng định phải cấp thiết sửa luật để khắc phục các bất cập này.

Thông qua nghị quyết cơ chế đặc biệt về kinh tế tư nhân

Với 429 đại biểu tán thành (đạt 89,75%), sáng 17.5, QH đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết của QH về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Báo cáo giải trình, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, dự thảo nghị quyết đã điều chỉnh thời điểm áp dụng việc bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh từ ngày 1.1.2026, thay vì ngày 1.7.2026 như dự thảo trước đây.

Sáng cùng ngày, Chính phủ đã có tờ trình bổ sung điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, dự kiến cần 59.000 tỉ đồng để chi trả cho cán bộ nghỉ việc khi sắp xếp bộ máy, sáp nhập đơn vị hành chính.