Hàng nghìn du khách xem tận mắt cách chế tác ‘cây đàn chapi nghe nao lòng’

Hàng nghìn du khách xem tận mắt cách chế tác ‘cây đàn chapi nghe nao lòng’

bởi

trong
Hàng nghìn du khách xem tận mắt cách chế tác ‘cây đàn chapi nghe nao lòng’

Du khách mặc trang phục Raglai và tham gia trình diễn đàn chapi trong nhà sàn – Ảnh: AN ANH

Ngày 15-5, UBND huyện Bác Ái (Ninh Thuận) khai mạc Ngày hội văn hóa Raglai lần thứ 3, nhằm tôn vinh và giới thiệu những giá trị độc đáo trong đời sống văn hóa của người Raglai Ninh Thuận tới bạn bè trong và ngoài nước.

Tham dự ngày hội có hàng nghìn người dân, du khách và gần 400 diễn viên đến từ các cộng đồng Raglai ở Ninh Thuận và Khánh Hòa.

Trong khuôn khổ ngày hội đã diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc như lễ hội ẩm thực truyền thống Raglai và rượu cần, thi chế tác, trưng bày và giao lưu đàn chapi… thu hút hàng nghìn người dân và du khách đến cổ vũ.

Nhiều du khách thích thú trước trải nghiệm chế tác đàn chapi, một nhạc cụ truyền thống gắn liền với đời sống và tâm hồn của đồng bào Raglai.

Hàng nghìn du khách xem tận mắt cách chế tác 'cây đàn chapi nghe nao lòng' - Ảnh 2.

Nghệ nhân Mai Thắm hướng dẫn du khách chơi đàn chapi – Ảnh: AN ANH

Chị Nguyễn Thị Hương, du khách đến từ TP.HCM, cho biết đã từng nghe về đàn chapi trong những câu thơ, bài hát, nhưng đây là lần đầu tiên chị được chạm vào cây đàn chapi.

“Được trải nghiệm tận mắt đàn chapi không chỉ mang lại niềm vui, mà còn giúp chúng tôi cảm nhận sâu sắc hơn về văn hóa Raglai” – chị Hương chia sẻ.

Dưới sự hướng dẫn tận tình của các nghệ nhân bản địa, du khách không chỉ được tìm hiểu về lịch sử, ý nghĩa của cây đàn mà còn tự tay lắp ghép, trang trí và thử chơi những giai điệu đầu tiên.

Hoạt động này đã mang lại những trải nghiệm văn hóa độc đáo, góp phần quảng bá và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Raglai.

Hàng nghìn du khách xem tận mắt cách chế tác 'cây đàn chapi nghe nao lòng' - Ảnh 3.

Du khách trải nghiệm chơi đàn chapi trong nhà sàn tại Ngày hội văn hóa Raglai ở huyện Bác Ái, Ninh Thuận – Ảnh: ĐỨC AN

Ông Mai Thắm, một trong những nghệ nhân chế tác đàn chapi ở huyện miền núi Bác Ái, cho biết đàn chapi không chỉ là nhạc cụ, nó là tiếng nói của núi rừng và là tiếng lòng của người Raglai.

Theo nghệ nhân Mai Thắm, đàn chapi được làm từ tre rừng tượng trưng cho sự gắn bó với thiên nhiên. Mỗi cây đàn được chế tác thủ công, mang dấu ấn cá nhân và tâm hồn của người làm ra nó.

“Với người Raglai, đàn chapi không chỉ dùng để biểu diễn mà còn là một phần của đời sống tâm linh. Nó được cất lên trong những nghi lễ, những buổi kể chuyện truyền thống như một cách lưu giữ ký ức cộng đồng qua âm thanh” – ông Thắm nói.

Chapi - Ảnh 4.

Người dân và du khách trải nghiệm đánh mã la trong ngày hội – Ảnh: AN ANH

Ông Nguyễn Như Thừa, du khách ở TP Phan Rang – Tháp Chàm (Ninh Thuận) chia sẻ dù là người địa phương nhưng đây là lần đầu tiên được trải nghiệm không gian văn hóa Raglai và “mục sở thị” quá trình chế tác đàn chapi.

“Văn hóa dân tộc Raglai rất đặc sắc và rất ấn tượng, Ninh Thuận nên đầu tư nhiều hơn nữa để hình thành các tour, tuyến du lịch nhằm quảng bá nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc ở địa phương” – ông Thừa đề xuất.

Chapi - Ảnh 5.

Đây là lần thứ ba huyện miền núi Bác Ái tổ chức Ngày hội văn hóa Raglai – Ảnh: AN ANH

Bà Cấn Thị Hà – phó chủ tịch UBND huyện Bác Ái (Ninh Thuận) – cho biết huyện miền núi Bác Ái hiện có gần 30.000 người Raglai sinh sống. Đây cũng là địa phương có đông người Raglai sinh sống nhất tỉnh Ninh Thuận và của cả nước.

Song song với phát triển kinh tế – xã hội, cộng đồng người Raglai ở Bác Ái vẫn lưu giữ nhiều nghi lễ văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc như: lễ ăn mừng lúa mới, lễ bỏ mả, lễ báo hiếu…

Bên cạnh đó, người Raglai ở Bác Ái còn lưu truyền và chế tác các bộ nhạc cụ độc đáo như: bộ mã la, kèn bầu, đàn đá, đàn chapi. Cùng với đó là kho tàng sử thi và dân ca, dân vũ rất đặc sắc.

“Trong khuôn khổ ngày hội đã diễn ra các hoạt động lễ hội ẩm thực truyền thống Raglai và rượu cần cùng nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống khác” – bà Hà cho hay.