Hàng triệu tỉ đồng chảy vào nền kinh tế

Hàng triệu tỉ đồng chảy vào nền kinh tế

bởi

trong

Trên 17 triệu tỉ đồng đang lưu thông trong nền kinh tế

Công bố từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy đến hết tháng 6, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt trên 17,2 triệu tỉ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024 và tăng 19,32% so với cùng kỳ năm 2024. Đây cũng là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tín dụng tiếp tục hướng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, các dự án, công trình trọng điểm, khả thi.

Hàng triệu tỉ đồng chảy vào nền kinh tế

Tín dụng của ngành ngân hàng tăng cao trong 6 tháng đầu năm 2025

ẢNH: NGỌC THẮNG

Cơ cấu tín dụng phù hợp với cơ cấu của nền kinh tế và đáp ứng nhu cầu tín dụng của người dân và doanh nghiệp. Cụ thể, tín dụng đối với ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 6,37% dư nợ tín dụng nền kinh tế; ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 24,61%; tín dụng đối với ngành thương mại và dịch vụ chiếm 69,02%. Trong đó, ngành NH tích cực triển khai các chương trình tín dụng như chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33 (quy mô hiện là 145.000 tỉ đồng); chương trình tín dụng 500.000 tỉ đồng cho vay đầu tư hạ tầng, công nghệ số nhằm thực hiện các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia thuộc các lĩnh vực giao thông, điện lực và công nghệ số theo danh mục do các bộ, ngành công bố.

Một số chương trình khác như: cho vay nhà ở xã hội; cho vay người trẻ dưới 35 tuổi mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; chương trình tín dụng 500.000 tỉ đồng cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, công nghệ số, các chương trình tín dụng chính sách; chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL ước tính đến cuối tháng 6, doanh số lũy kế cho vay của chương trình đạt khoảng 5.200 tỉ đồng…

TS Nguyễn Trí Hiếu (chuyên gia tài chính) nhận xét tốc độ tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm tăng cao có thể do các doanh nghiệp tận dụng thuế quan với Mỹ còn thấp nên đẩy mạnh sản xuất, giao hàng, từ đó dẫn đến tín dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh tăng cao. Một trong những yếu tố ghi nhận khá mới trong năm nay là giải ngân đầu tư công tăng cao hơn so với năm trước (ước 6 tháng đầu năm giải ngân 268.100 tỉ đồng, tăng khoảng 80.000 tỉ đồng so với năm 2024 – PV). Vốn đầu tư công giải ngân được xem như vốn mồi giúp tăng trưởng tín dụng tăng lên. Cùng với dòng tín dụng chảy vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng cần lưu ý tín dụng vào bất động sản và chứng khoán. Hiện nay tốc độ tăng trưởng huy động vốn của NH thấp hơn tốc độ cho vay nên khi tín dụng chảy vào các lĩnh vực này nhiều thì lĩnh vực sản xuất kinh doanh cũng không còn nhiều vốn cho vay.

Hướng dòng vốn vào sản xuất, kinh doanh

NHNN đưa ra thông điệp trong 6 tháng cuối năm vẫn tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và các giải pháp khác để giảm lãi suất cho vay. Đồng thời điều hành tỷ giá linh hoạt, phối hợp đồng bộ với các công cụ, chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát; tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Hàng triệu tỉ đồng chảy vào nền kinh tế- Ảnh 2.

Hàng triệu tỉ đồng từ ngân hàng được đưa vào nền kinh tế

ẢNH: NGỌC THẮNG

NHNN cũng chỉ đạo các NH tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro… Để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% hoặc cao hơn trong năm 2025, NHNN đánh giá vẫn còn dư địa để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm. Dù tín dụng tăng mạnh, đúng trọng tâm, nhưng NHNN vẫn lưu ý việc không thể chủ quan với nguy cơ lạm phát và sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả, từ đó có các điều chỉnh kịp thời.

TS Huỳnh Thanh Điền (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) nhận định tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm nay đạt gần 10% cho thấy ngành NH đang đi theo đúng định hướng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao mà Chính phủ đã đặt ra. Như vậy theo mục tiêu tín dụng tăng trưởng ở mức 16% trong cả năm nay thì thời gian còn lại, NHNN sẽ phải bắt đầu kiểm soát chặt hơn dòng vốn đưa vào nền kinh tế. Bởi mức tăng trưởng cả năm 16% là phù hợp với sự hấp thụ vốn của nền kinh tế VN. Nếu để tăng trưởng tín dụng lên cao hơn nữa thì sẽ gây khả năng khiến lạm phát lên cao.

Đáng chú ý, theo thông tin công bố trên trang web của NHNN, dư nợ tín dụng chi tiết tính đến tháng 4 vừa qua có mức tăng trưởng cao ở 3 nhóm ngành gồm công nghiệp và xây dựng; hoạt động thương mại, vận tải và viễn thông; các hoạt động dịch vụ khác. Trong đó, xét về số tiền tuyệt đối thì các hoạt động dịch vụ khác chiếm nhiều nhất và cũng có tốc độ tăng trưởng cao nhất. Có thể không loại trừ ở nhóm hoạt động dịch vụ khác bao gồm cho vay tiêu dùng, cho vay chứng khoán và bất động sản. Vì vậy, TS Huỳnh Thanh Điền cho rằng từ nay đến cuối năm, NHNN nên tiếp tục đẩy mạnh dòng vốn từ NH vào các lĩnh vực sản xuất, thương mại và hạn chế dần dòng vốn chảy vào những lĩnh vực mang tính đầu cơ. Có thể sử dụng một số công cụ như room tín dụng hoặc hệ số rủi ro đối với cho vay các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản. Điều này cũng giúp dòng vốn tập trung chảy vào các lĩnh vực được khuyến khích.

Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nếu dòng vốn từ NH chảy vào bất động sản, chứng khoán nhiều thì có thể tạo “bong bóng” tài sản. Vì vậy NHNN phải luôn có sự quản lý, giám sát và điều tiết linh hoạt. Bên cạnh đó, hoạt động tăng trưởng tín dụng hiện nay khá tích cực nhưng một vấn đề lo ngại là huy động không tăng nhanh bằng cho vay, điều này có thể dẫn đến tình trạng mất thanh khoản cho nền kinh tế.

Tiến tới bỏ hoàn toàn room tín dụng

Liên quan về chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ xem xét bỏ room tín dụng, NHNN đang trong lộ trình loại bỏ dần. Đầu năm 2025, NHNN đã gỡ bỏ room tín dụng cho nhóm NH nước ngoài và các tổ chức tín dụng phi NH. Hiện tại, việc áp dụng room tín dụng chỉ còn với các NH thương mại. Việc bỏ hoàn toàn room tín dụng cần có lộ trình và sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đảm bảo xử lý tổng thể các hệ lụy từ quá khứ, đồng thời phải phù hợp với điều kiện đặc thù của VN. Thời gian tới, NHNN sẽ nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng tác động chính sách để có thể bỏ hoàn toàn room tín dụng.