Ấn ĐộKhi xuất hiện trên chương trình Shark Tank với vai trò nhà đầu tư, Srikanth Bolla khiến rất nhiều người bất ngờ và anh được gọi là “chàng trai mù nhưng không thiếu tầm nhìn’.
Với khối tài sản hơn 5 triệu USD, anh trở thành người mù đầu tiên ngồi ghế nóng Shark Tank India, đầu tư vào một startup phát triển kính thông minh hỗ trợ người câm điếc, giống hoàn cảnh của chính mình.

Srikanth Bolla. Ảnh: Global Indian)
Srikanth Bolla sinh ngày 7/7/1991 ở làng Seetharamapuram, thuộc Machilipatnam, bang Andhra Pradesh. Anh lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, cha mẹ không biết chữ.
Ngay sau khi Srikanth chào đời với đôi mắt nhắm nghiền, cả làng coi anh là “điềm xấu” mang lại sự xui xẻo cho cộng đồng. Những người họ hàng và dân làng khuyên mẹ anh nên bỏ đứa con này đi và sinh đứa khác.
Một số người ít mê tín hơn thì khẳng định nếu có nuôi lớn, Srikanth Bolla cũng sẽ trở thành gánh nặng, không thể phụ giúp khi cha mẹ về già. Tuy nhiên, bố mẹ anh vẫn quyết định giữ con và nuôi dưỡng bằng tất cả tình thương.
Khi Srikanth đến tuổi đi học, dù nhà nghèo, cha mẹ vẫn cho anh đến trường. Nhưng đứa bé thường xuyên bị bạn bè chế giễu, giáo viên thờ ơ và phải ngồi cuối lớp, không được tham gia ngoại khóa. “Tôi không có bạn, không ai muốn đến gần bởi tôi bị mù”, Srikanth nhớ lại. “Nhưng sự cô đơn đó giúp tôi tập trung học”.
Năm 7 tuổi, anh được nhận vào trường dành cho người khiếm thị ở Hyderabad. Tại đây, anh được học chữ nổi Braille, tiếng Anh và kỹ năng máy tính. Anh giành giải ở các cuộc thi tranh luận, viết sáng tạo, cờ vua và cricket cho người mù, được công nhận là học sinh xuất sắc nhất trường. Trong kỳ thi tốt nghiệp trung học tại trường Devnar, anh đạt 90/100 điểm và được xếp loại xuất sắc.
Srikanth sớm bộc lộ tài năng ở các môn khoa học, nhưng khi muốn học khối Khoa học ở bậc phổ thông, anh bị từ chối vì các giáo viên cho rằng anh không nhìn được biểu đồ.
Anh nộp đơn kiện chính quyền bang và sau 6 tháng giành được quyền học khối Khoa học. Trong kỳ thi tốt nghiệp lớp 12, anh đạt 98/100 điểm. “Tôi luôn có tầm nhìn rõ ràng. Khi người ta nói tôi không thể, tôi nói mình có thể”, Srikanth kể.
Dù vậy, cuộc đời vẫn tiếp tục thử thách Srikanth khi anh bị các trường kỹ thuật hàng đầu Ấn Độ, bao gồm Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) từ chối vì khiếm thị.
Anh chuyển hướng nộp đơn vào các đại học quốc tế và nhận được thư mời từ bốn trường hàng đầu của Mỹ như MIT, Stanford, Berkeley và Carnegie Mellon. Năm 2009, Srikanth chọn MIT, trở thành sinh viên quốc tế khiếm thị đầu tiên của trường và hoàn thành đại học năm 2012.
Sau khi tốt nghiệp, Srikanth từ chối các lời mời làm việc tại Mỹ với mức lương cao. Anh trở về Ấn Độ và thành lập Bollant Industries – công ty sản xuất bao bì từ giấy tái chế, lá tự nhiên và nhựa phế thải, ưu tiên tuyển dụng người khuyết tật.
Mô hình kinh doanh vừa giải quyết rác thải, vừa tạo việc làm cho nhóm yếu thế giúp Bollant nhanh chóng thu hút nhà đầu tư, trong đó có Ratan Tata. Công ty hiện đạt doanh thu hơn 18 triệu USD và đặt mục tiêu cán mốc 120 triệu USD, trong ba năm tới.
Anh muốn xây dựng một công ty nơi sản phẩm được tạo ra bởi cả người lành lặn và những người từng bị xem là “vô dụng” như mình. Công ty của Srikanth xây dựng theo triết lý, doanh nghiệp không chỉ để kiếm lợi nhuận mà còn phải tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người.
“Điều giới hạn con người không phải là thị lực, mà là việc thiếu đi một tầm nhìn rõ ràng”, anh nói.
Ngọc Ngân (Theo Global Indian)