Hành trình đất nước qua những công trình thế kỷ

Hành trình đất nước qua những công trình thế kỷ

bởi

trong

BƯỚC CHUYỂN MÌNH

Việt Nam sở hữu hơn 2.360 con sông có chiều dài tối thiểu trên 10 km, với nhiều sông lớn trải khắp ba miền. Trước năm 1993, nếu không phải là cầu thép (cầu Long Biên, cầu Thăng Long…) thì công nghệ xây dựng chỉ dừng lại ở kết cấu bê tông dầm I, nhịp thông thuyền giới hạn khoảng 33 m trong khi nhu cầu xây dựng cầu với khẩu độ lớn hơn 100 m là rất cấp thiết…

Hành trình đất nước qua những công trình thế kỷ

Phú Lương, cây cầu sử dụng công nghệ bê tông dự ứng lực đúc hẫng đầu tiên ở Việt Nam

Kinh tế Việt Nam phát triển qua những công trình hạ tầng thế kỷ - Ảnh 2.

Các công trình sư VSL đang nâng hệ mái trọng lượng 5.300 tấn ở sân bay Long Thành

Kinh tế Việt Nam phát triển qua những công trình hạ tầng thế kỷ - Ảnh 3.

Kỹ thuật lắp hẫng giúp giảm thiểu thời gian thi công, lắp đặt, là một trong những hướng phát triển ngành cầu đường thời gian tới

Năm 1993, ngành giao thông vận tải Việt Nam khởi công xây dựng cầu đường bộ Phú Lương (QL5, Hải Dương), bắc qua sông Thái Bình. Thời điểm bấy giờ, đây là công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, ứng dụng kỹ thuật hoàn toàn mới – công nghệ bê tông dự ứng lực đúc hẫng vượt nhịp lớn, do Công ty VSL (Thụy Sĩ) hợp tác xây dựng và chuyển giao công nghệ.

Từ sau công trình cầu Phú Lương, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1) – đơn vị nhận chuyển giao công nghệ đúc hẫng bê tông dự ứng lực từ các chuyên gia của VSL – đã làm chủ được công nghệ này để áp dụng vào chuỗi các cây cầu khác trên khắp đất nước như Quán Hàu, Hoàng Long, Tân Đệ… Không chỉ các dự án cầu đúc hẫng, công nghệ hiện đại khác như tường chắn đất có cốt được triển khai hàng loạt, giúp giảm giá thành, cải thiện chất lượng và tiến độ tại các dự án giao thông đô thị và đường lên cầu.

LÀM CHỦ CÔNG NGHỆ

Từ sau 2001, những công trình mang quy mô và tầm vóc quốc tế bắt đầu lộ diện: những cầu Cần Thơ, hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn, cầu Bãi Cháy, cầu Thanh Trì, nhà ga quốc tế Tân Sơn Nhất… và đặc biệt phải kể đến dự án cầu dây văng Rạch Miễu.

Kinh tế Việt Nam phát triển qua những công trình hạ tầng thế kỷ - Ảnh 4.

Toàn cảnh cầu Bãi Cháy

Kinh tế Việt Nam phát triển qua những công trình hạ tầng thế kỷ - Ảnh 5.

Nét đẹp cầu Nguyễn Hoàng, mạch giao thông nối Phú Xuân và Thuận Hóa (TP.Huế)

Kinh tế Việt Nam phát triển qua những công trình hạ tầng thế kỷ - Ảnh 6.

Vẻ đẹp hùng vĩ của Bạch Đằng, cầu dây văng lớn nhất Việt Nam

Kinh tế Việt Nam phát triển qua những công trình hạ tầng thế kỷ - Ảnh 7.

Cầu treo Bạch Đằng những ngày hoàn thiện

Nhớ lại câu chuyện xây dựng cầu Rạch Miễu, ngân sách khi ấy đang trong thời kỳ khó khăn, nhưng ngành giao thông quyết tâm thực hiện, lựa chọn đối tác tin cậy là VSL để cùng đồng hành và quan trọng hơn là chuyển giao công nghệ cầu dây văng cho Việt Nam. Ông Ngô Thịnh Đức, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật cầu đường Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, cho biết: “Khi xây cầu Rạch Miễu, hằng tháng họp giao ban tại công trường cùng lãnh đạo hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang, tôi luôn đề cập việc không chỉ coi VSL là đối tác, mà còn là thành viên của ngành giao thông vận tải Việt Nam”.

Sau cầu Rạch Miễu, hàng loạt cầu dây văng khác được hoàn thiện. Theo ông Trần Đức Lân, Tổng giám đốc Công ty VSL Việt Nam: “Trong quá trình xây dựng và chuyển giao công nghệ, VSL luôn đem đến những kỹ thuật hàng đầu trên thế giới và sẵn sàng chuyển giao cho đội ngũ kỹ sư và chuyên gia Việt Nam. Từ sau Rạch Miễu, kỹ sư cầu đường Việt Nam đã từng bước tiếp nhận và làm chủ được công nghệ thiết kế, thi công cầu dây văng, thực hiện hàng loạt những công trình cầu dây văng lớn khác như cầu Bạch Đằng, cầu Mỹ Thuận 2, Rạch Miễu 2…”.

VƯƠN XA

Nhận định về câu chuyện phát triển hạ tầng ở Việt Nam, ông Trần Đức Lân nói: “Ngành xây dựng và giao thông vận tải Việt Nam đang đứng trước vận hội lớn tiếp cận công nghệ tiên tiến cho các dự án đường cao tốc, đường sắt đô thị, đường sắt cao tốc, nhà ga sân bay… Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ được công nghệ tiên tiến thế giới với nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, công nhân kỹ thuật có tay nghề cao cùng các đối tác đồng hành gắn bó và chuyển giao đáng tin cậy”.

Kinh tế Việt Nam phát triển qua những công trình hạ tầng thế kỷ - Ảnh 8.

Lối vào hầm Thủ Thiêm, Q.1, TP.HCM

Kinh tế Việt Nam phát triển qua những công trình hạ tầng thế kỷ - Ảnh 9.

Cầu Rạch Miễu 2

Kinh tế Việt Nam phát triển qua những công trình hạ tầng thế kỷ - Ảnh 10.

Tuyến đường sắt Bến Thành – Suối Tiên sử dụng kỹ thuật lắp hẫng cho đường ray

Kinh tế Việt Nam phát triển qua những công trình hạ tầng thế kỷ - Ảnh 11.

Phú Mỹ – cầu dây văng đầu tiên và lớn nhất của TP.HCM hợp long năm 2009

ẢNH: T.L

Một trong những công trình trọng điểm mới đưa vào sử dụng ở TP.HCM đầu năm 2025 là tuyến tàu điện Bến Thành – Suối Tiên, có sự đồng hành của VSL với kỹ thuật lắp hẫng rất phù hợp cho các tuyến đường sắt trên cao, tàu điện đi trong đô thị qua các khu dân cư đông đúc. Các đốt dầm được sản xuất tại bãi đúc, vận chuyển đến công trường, nâng và lắp ghép thành nhịp dầm theo tiến độ trung bình 3 ngày một nhịp.

Đốt dầm có thể được vận chuyển trên cao, trên các nhịp dầm đã hoàn thành đảm bảo việc vận chuyển không bị gián đoạn và ảnh hưởng đến giao thông đi lại phía dưới của người dân, tiết kiệm thời gian thi công… Xu hướng phát triển công nghệ đúc và lắp hẫng là xu hướng tất yếu, được lựa chọn rộng rãi cho dự án giao thông đô thị và đường vành đai tại các thành phố lớn trong thời gian tới.

Một trong những dự án tiêu biểu không thể không nhắc tới đang được đẩy nhanh tiến độ thi công là dự án sân bay Long Thành (Đồng Nai), áp dụng công nghệ nâng giàn mái thép kỷ lục nặng 5.300 tấn, rộng gần 2 ha, phần cánh vươn dài đến 41 m, bằng hệ thống kích thủy lực kỷ lục. Giàn mái được tổ hợp hoàn thiện bên dưới và được nâng lên theo nguyên tắc cân bằng tới độ cao 30 m so với mặt đất. Việc áp dụng thành công công nghệ thi công nâng mái phức tạp này giúp giảm thời gian thi công, hoàn thành lắp hệ thống mái che trước mùa mưa, cải thiện an toàn và hạn chế rủi ro, sai sót trong quá trình hàn lắp hệ giàn mái chính đồ sộ của dự án.

Sự lớn mạnh và trưởng thành của đội ngũ kỹ sư, công nhân lành nghề ngành giao thông vận tải và xây dựng qua từng dự án chinh phục kỹ thuật phức tạp, song hành cùng những đối tác công nghệ tin cậy hàng đầu thế giới đang đưa Việt Nam bước vào thời kỳ tăng tốc, bứt phá, chào đón thêm nhiều công trình tầm cỡ thế giới, đem đến sự tự hào cho hôm nay và cả mai sau.