Sáng sớm ngày 26/4, tôi cùng đoàn công tác của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco (Mỹ) đã vượt hơn 200km tới Coulterville, hạt Mariposa, tham dự cuộc gặp gỡ với các cựu binh Mỹ từng tham gia chiến tranh Việt Nam. Hành trình một ngày ngắn ngủi, nhưng đã để lại trong tôi những cảm xúc sâu sắc về sức mạnh của lòng vị tha, tinh thần hòa giải, và khát vọng chung tay xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.
Những cuộc đời từng đứng hai chiến tuyến
Coulterville, thị trấn nhỏ nép mình dưới những triền đồi xanh thẳm, hôm ấy trở nên rộn ràng khác thường. Ngay từ sáng sớm, các cựu binh và gia đình đã tất bật chuẩn bị tại Nhà cộng đồng: Trang hoàng cờ hoa, bày biện những món ăn giản dị, thân thiện để chào đón những vị khách từ một đất nước từng in hằn dấu chân họ thời chinh chiến.
Cuộc hội ngộ không có không khí hào nhoáng, xã giao bề ngoài, chỉ có những cái bắt tay, ánh mắt chan chứa tình cảm và tấm lòng rộng mở. Trong không khí trang trọng nhưng ấm áp ấy, tôi đã chia sẻ câu chuyện của chính mình – câu chuyện của một đứa trẻ lớn lên trong gia đình có người cha từng chiến đấu trong cuộc chiến mà các cựu binh Mỹ gọi là “Chiến tranh Việt Nam” còn chúng tôi gọi là “Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”, mang trong mình những thương tích cả thể xác lẫn tâm hồn.
Tôi chia sẻ: Cha tôi đã từng chuẩn bị cho tôi tinh thần một cuộc chiến lâu dài với Mỹ. Nhưng cũng chính ông, bằng lòng vị tha và tầm nhìn xa, đã động viên tôi sang Mỹ học tập, để học hỏi, để hiểu và để xây những cây cầu hòa bình nối hai dân tộc. Ông dạy tôi rằng: Lòng dũng cảm thể hiện không chỉ ở chiến trường, mà còn ở khả năng tha thứ, giang rộng vòng tay và bắt đầu lại từ đầu.
Những lời tâm sự ấy đã chạm vào những tâm hồn vốn chịu nhiều tổn thương. Có những ánh mắt đỏ hoe, có những giọt nước mắt lặng lẽ rơi xuống trên khuôn mặt phong trần. Một số cựu binh bước đến ôm tôi thật chặt, thì thầm: “Cảm ơn ông đã đến. Sự hiện diện của ông chính là liều thuốc chữa lành cho chúng tôi”.

Tác giả tại sự kiện gặp gỡ với các cựu binh Mỹ hôm 26/4 (Ảnh: TGCC).
Những vết thương chiến tranh và hành trình hàn gắn
Cuộc chiến đã kết thúc tròn nửa thế kỷ, nhưng nỗi đau trong tâm hồn nhiều cựu binh vẫn còn đó. PTSD – Hội chứng stress hậu chấn thương – đã bào mòn cuộc sống của không ít cựu binh. Nhiều người chia sẻ rằng sau khi trở về từ Việt Nam, họ đã lạc lõng trong chính quê hương mình, mang theo những ký ức không thể xóa nhòa.
Ngày hôm ấy tại Coulterville, tôi lắng nghe những câu chuyện từ tận sâu đáy lòng – những dằn vặt của quá khứ, những khát khao chân thành về hòa bình, hòa giải.
Tôi nghĩ đến vần thơ của nhà thơ Tố Hữu được Tổng Bí thư Tô Lâm trích lại: “Không nỗi đau nào của riêng ai/Của chung nhân loại chiến công này”. Chiến tranh không chỉ để lại những mất mát cho một phía. Nó để lại những vết thương cho tất cả – cho cả những người cầm súng và cho những người chờ đợi ở quê nhà. Sự kết thúc của cuộc chiến không chỉ đem lại hòa bình cho Việt Nam mà còn giúp đưa những người lính Mỹ trở về quê hương.
Khi ký ức trở thành động lực cho tương lai
Chia sẻ tại cuộc gặp, tôi nhấn mạnh: Ngày hôm nay, khi kỷ niệm 50 năm kết thúc chiến tranh, chúng ta không chỉ nhìn lại những mất mát, mà còn trân trọng hơn sức mạnh của lòng vị tha, tinh thần hòa giải và quyết tâm xây dựng tương lai.
Việt Nam và Mỹ đã cùng nhau đi một chặng đường dài – từ đối đầu nơi chiến trường đến Đối tác chiến lược toàn diện trong hòa bình. Việt Nam ngày nay không chỉ là một quốc gia hòa bình, mà còn là một nền kinh tế năng động, một đối tác tích cực trong các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, y tế cộng đồng, đổi mới sáng tạo. Kim ngạch thương mại Việt – Mỹ đã chạm mốc gần 150 tỷ USD vào năm 2024, đồng thời quan hệ đối tác mới góp phần mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học, an ninh phi truyền thống và nhân đạo.
Tôi chia sẻ thêm: Đối với thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay, nước Mỹ không còn là ký ức chiến tranh, mà là biểu tượng của tri thức, sáng tạo và phát triển. Và trong hành trình quan hệ hai nước, nhiều cựu binh Mỹ đã góp phần mở cánh cửa ấy.
“Nước Việt Nam là một, Dân tộc Việt Nam là một”
Tôi hết sức thấm thía lời Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc lại: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.
Tinh thần ấy – ý chí bất khuất vì hòa bình, thống nhất, độc lập – luôn soi sáng không chỉ trong hành trình của dân tộc Việt Nam suốt thế kỷ 20, mà cả quá trình hòa giải, hợp tác ngày nay. Không có vết thương nào là không thể chữa lành. Không có quá khứ nào là quá nặng nề cản trở chúng ta cùng bước tới tương lai.
Tôi liên tưởng đến lời của Tổng Bí thư Tô Lâm, chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam năm 1975 không chỉ là kết thúc một cuộc chiến tranh, mà còn là chiến thắng của “niềm tin, của ước nguyện độc lập, tự do, thống nhất đất nước; của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Từ Coulterville, nối liền những nhịp cầu
Kết thúc buổi gặp gỡ, nhiều cựu binh Mỹ bày tỏ mong muốn có thêm các chương trình giao lưu giữa cựu chiến binh hai nước. Tôi cũng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với các sáng kiến đó, bởi chính những cuộc gặp gỡ như hôm nay mới thực sự góp phần chữa lành những vết thương chiến tranh, củng cố nền móng hợp tác vì hòa bình và phát triển.
Trước lúc chia tay, chúng tôi nắm chặt tay nhau trong yên lặng, nhưng ánh mắt tràn đầy lòng nhân ái, với niềm tin rằng: Quá khứ, dù đau thương đến đâu, vẫn có thể vượt qua để cùng nhau xây đắp tương lai hòa bình và phát triển bền vững.

Tác giả phát biểu tại cuộc gặp gỡ với các cựu binh Mỹ. Sự kiện diễn ra tại Coultelville, hạt Mariposa, ngày 26/4 (Ảnh: TGCC)
Hành trình đến Coulterville không chỉ là chuyến công tác, mà là hành trình của hòa giải và nhân ái – nơi những con người từng ở hai chiến tuyến nay cùng chung tay vì tương lai. Sự hòa hợp ấy cũng chính là phần nối dài tinh thần bất diệt của dân tộc Việt Nam: “Nước Việt Nam là một, Dân tộc Việt Nam là một” – một chân lý không chỉ dành cho đất mẹ chúng ta, mà còn lan tỏa trong ý chí hòa bình và khát vọng gắn kết với bạn bè quốc tế.
Tác giả: Đại sứ Hoàng Anh Tuấn đang đảm nhiệm vị trí Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Tổng Lãnh sự quán Việt Nam ở San Francisco, California, Hoa Kỳ. Ông góp phần quan trọng trong việc đưa công ty NVIDIA về đầu tư và lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về AI tại Việt Nam.
Ông có hơn 33 năm kinh nghiệm, đảm nhiệm nhiều vị trí tại Bộ Ngoại giao Việt Nam: Tham tán Công sứ tại Đại sứ quán Việt Nam tại Washington DC, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam, Phó Tổng Thư ký ASEAN về Cộng đồng Chính trị-An ninh, và Đại sứ Việt Nam tại Indonesia, đồng thời là Đại sứ không thường trú của Việt Nam tại Papua New Guinea và Timor-Leste.
Ông nhận bằng Tiến sĩ Quan hệ Quốc tế và Thạc sĩ Luật và Ngoại giao từ Trường Fletcher về Luật và Ngoại giao, Đại học Tổng hợp Tufts, Hoa Kỳ. Sau đó, ông đảm nhiệm chức Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao và làm việc tại nhiều viện nghiên cứu trên thế giới, bao gồm Na Uy, Đan Mạch, Singapore và Thụy Điển.
Ông đã xuất bản nhiều công trình nghiên cứu về chính sách đối ngoại của Việt Nam; chính trị và an ninh ở Đông Nam Á; chính sách của Hoa Kỳ và Trung Quốc đối với Đông Á và Đông Nam Á cũng như mối quan hệ giữa các cường quốc, đặc biệt là quan hệ Trung-Mỹ.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!