Hậu ‘kiểm toán’ toàn bộ thiết bị điện

Hậu ‘kiểm toán’ toàn bộ thiết bị điện

bởi

trong

Tới giờ tôi vẫn nhớ như in buổi chiều hè oi ả năm ngoái, khi mẹ tôi cầm tờ hóa đơn tiền điện mà gương mặt từ từ chuyển sang trạng thái… “không ổn”. Hóa đơn tháng ấy chạm mốc 1,2 triệu đồng – một con số vượt xa mức trung bình thường thấy trong gia đình tôi.

Mẹ quay sang tôi: “Con làm gì mà tiêu điện dữ vậy? Cái máy lạnh chạy từ sáng tới tối hả?”.Tôi lúng túng gãi đầu. Thì… đúng là hè nóng thật, không mở máy lạnh thì khác nào “hấp chín” mình. Nhưng khi thấy mẹ lặng lẽ thở dài, tôi biết rằng mình không thể tiếp tục sống kiểu “muốn gì bật nấy”, tiêu điện như không có ngày mai. Từ đó, gia đình tôi bước vào hành trình “cải cách điện năng” mà tôi đùa là “cuộc cách mạng công nghệ 220 V”.

Hậu ‘kiểm toán’ toàn bộ thiết bị điện

Máy lạnh trong phòng quên tắt thường là nguyên nhânphải trả tiền điện khủng

ẢNH: QUỲNH TRÂN

Chúng tôi bắt đầu bằng việc “kiểm toán” lại toàn bộ thiết bị điện trong nhà. Cái bóng đèn vàng ố nơi phòng khách được thay bằng đèn LED sáng trắng, vừa tiết kiệm điện vừa khiến không gian sáng sủa, dễ chịu. Cái tủ lạnh cũ – thứ vẫn thường “rì rì” như tiếng thở khò khè của ông nội – được thay thế bằng mẫu mới có dán nhãn năng lượng 5 sao. Mẹ nói, đầu tư ban đầu có thể cao hơn, nhưng về lâu dài sẽ “lãi kép”. Tôi cũng học được một “bí kíp” quan trọng: Đừng bao giờ cắm sạc điện thoại cả đêm! Không chỉ tốn điện, mà còn dễ làm chai pin. Từ đó, cứ sạc xong là tôi rút, như một phản xạ có điều kiện.

Ngoài ra, chúng tôi áp dụng nguyên tắc “3 tắt”: tắt khi không dùng – tắt khi ra khỏi phòng – tắt cả ổ cắm nếu cần. Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết các thiết bị ở chế độ chờ (standby) như ti vi, máy tính, loa bluetooth… vẫn âm thầm ngốn điện mỗi ngày.

Chúng tôi mua thêm vài ổ cắm thông minh có công tắc để dễ dàng tắt cả cụm thiết bị chỉ bằng một nút bấm. Là dân công nghệ “nửa mùa”, tôi quyết định nâng cấp hệ thống chiếu sáng bằng đèn cảm biến chuyển động ở khu vực cầu thang và nhà vệ sinh. Nhờ vậy, đèn chỉ sáng khi có người, và tự động tắt khi không còn ai trong khu vực, vừa tiết kiệm mà lại tiện lợi, đặc biệt vào ban đêm. Tôi còn cài ứng dụng quản lý tiêu thụ điện trên máy tính để theo dõi lượng điện của từng thiết bị. Có hôm, tôi phát hiện máy bơm nước đang tiêu điện bất thường – hóa ra cái phao điện bị hư, nước chảy tràn mà không ai biết. May mà phát hiện sớm, không thì vừa tốn điện, vừa nguy cơ hỏng hóc.

Tôi cũng làm một bảng nhắc nhở nho nhỏ, treo ngay trước cửa ra vào: “Ra khỏi phòng – nhớ tắt đèn nhé!”, vậy mà hiệu quả bất ngờ. Các bạn học sinh còn hào hứng rủ nhau thi “ai tiết kiệm điện nhất tháng”. Giờ đây, mỗi tháng nhìn hóa đơn điện giảm đều đều, mẹ tôi cười tươi như hoa. Bà còn khoe với hàng xóm về “cách tiết kiệm điện nhà tôi” như một chiến tích.

Tôi nhận ra: Tiết kiệm điện không khó. Nó không đòi hỏi bạn phải sống kham khổ, chỉ cần biết sử dụng điện thông minh hơn. Đó không phải là một “cuộc chiến” mà là một thói quen sống hiện đại, văn minh và đầy trách nhiệm với cộng đồng. Mỗi bóng đèn được tắt khi không cần thiết, mỗi thiết bị được chọn lựa kỹ càng, mỗi hành vi nhỏ đều là những viên gạch góp phần xây nên một tương lai xanh, nơi năng lượng được dùng đúng chỗ, đúng lúc và đầy ý nghĩa. Tiết kiệm điện không phải là chuyện của riêng ai. Đó là hành trình chung, và mỗi người trong chúng ta đều có thể góp phần bằng những hành động nhỏ mỗi ngày. Hãy bắt đầu từ chính ngôi nhà bạn, từ thói quen của bạn. Bởi vì… thói quen tiết kiệm điện hôm nay chính là hành động bảo vệ ngày mai. 

130 triệu đồng tiền thưởng và quà hấp dẫn đang chờ chủ nhân

Tiếp nối thành công của 2 mùa trước, cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen lần 3 An toàn – Tiết kiệm kinh nghiệm sẻ chia năm nay mở rộng thông điệp: Sử dụng điện tiết kiệm, an toàn để ngăn ngừa tai nạn, phòng chống cháy nổ.

Chúng tôi tìm kiếm những câu chuyện chân thật, kinh nghiệm hữu ích, sáng kiến hay từ chính cuộc sống, hộ gia đình, cơ quan – để cùng lan tỏa hành vi sử dụng điện thông minh, bền vững và an toàn.

Thời gian nhận bài: Từ ngày 22.4 đến 22.7.2025.

Gửi bài qua email: [email protected].

Hoặc gửi bưu điện về: Tòa soạn Báo Thanh Niên, 268-270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM.

(Ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen). Thể lệ chi tiết: Xem tại thanhnien.vn.

Hướng dẫn tiết kiệm điện hiệu quả trong gia đình và nơi học tập - Ảnh 2.