Theo Reuters, điện đã bắt đầu được khôi phục sau sự cố mất điện nghiêm trọng khiến phần lớn Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha tê liệt. Sự cố làm ngưng trệ giao thông công cộng, đình trệ hoạt động tại các sân bay và buộc nhiều bệnh viện phải tạm dừng các ca phẫu thuật thông thường.
Sân bay quốc tế Barajas của Madrid và Humberto Delgado buộc phải đóng cửa vì mất điện. Các chuyến bay tại nhiều sân bay lớn trong khu vực đều bị hoãn hoặc hủy đột ngột, khiến hành khách chật vật tìm cách thích nghi.
Theo các trang theo dõi chuyến bay, hoạt động cất cánh tại nhiều sân bay gần như ngưng trệ sau giữa trưa. Hãng hàng không quốc gia TAP Air Portugal thậm chí khuyến cáo người dân không nên đến sân bay cho đến khi có thông báo mới.
Nhiều hành khách cũng bị mắc kẹt trong hệ thống tàu điện ngầm, nhiều chuyến tàu bị kẹt trong đường hầm giữa các nhà ga. Ngành viễn thông cũng dừng hoạt động khiến người dân ở 2 quốc gia này không thể truy cập vào mạng di động.

Các chuyến bay tại nhiều sân bay lớn trong khu vực đều bị hoãn hoặc hủy đột ngột (Ảnh: Reuters).
Bộ Nội vụ Tây Ban Nha đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, triển khai 30.000 cảnh sát trên toàn quốc để giữ gìn trật tự, trong khi chính phủ 2 nước đồng loạt triệu tập họp khẩn. Những sự cố mất điện trên diện rộng như vậy vốn rất hiếm gặp tại châu Âu.
Nguyên nhân sự cố hiện chưa được xác định rõ ràng. Chính phủ Bồ Đào Nha cho rằng vấn đề phát sinh từ Tây Ban Nha, trong khi Tây Ban Nha lại chỉ ra sự cố đứt kết nối điện với Pháp.
Theo Thủ tướng Bồ Đào Nha Luis Montenegro, không có dấu hiệu cho thấy một cuộc tấn công mạng gây ra sự cố, mặc dù tin đồn về khả năng phá hoại vẫn lan truyền.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết ông đã liên hệ với Tổng thư ký NATO Mark Rutte để thảo luận về tình hình.
Ông Sanchez tiết lộ Tây Ban Nha đã mất tới 15GW công suất điện chỉ trong vòng 5 giây – tương đương 60% tổng nhu cầu tiêu thụ điện quốc gia – dẫn đến sự sụp đổ dây chuyền trong hệ thống điện.
“Đây là điều chưa từng xảy ra trước đây”, ông Sanchez nhấn mạnh với báo chí.
Ông Joao Conceicao, thành viên hội đồng quản trị công ty vận hành lưới điện Bồ Đào Nha REN, cho biết có thể đã xảy ra một “dao động điện áp cực lớn” trong hệ thống điện Tây Ban Nha, sau đó lan sang Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, ông lưu ý: “Hiện còn quá sớm để kết luận nguyên nhân cụ thể”.
Trong khi đó, công ty vận hành lưới điện Tây Ban Nha REE xác định sự cố bắt nguồn từ việc mất kết nối với Pháp.

Nhiều hành khách cũng bị mắc kẹt trong hệ thống tàu điện ngầm (Ảnh: Reuters).
Ông Eduardo Prieto, đại diện REE, cho biết: “Mức độ mất điện vượt xa khả năng xử lý thiết kế của các hệ thống điện châu Âu, dẫn đến việc lưới điện Tây Ban Nha và Pháp tách rời và gây ra sự sụp đổ hệ thống điện quốc gia”.
Trước đó, một phần nước Pháp cũng ghi nhận sự cố mất điện ngắn. Công ty vận hành lưới điện Pháp RTE cho biết đã hỗ trợ cấp điện khẩn cấp cho một số khu vực phía bắc Tây Ban Nha.
Tại Tây Ban Nha, điện bắt đầu được khôi phục. Theo REE, khoảng 61% lượng điện đã được khôi phục tính đến tối 28/4 (giờ địa phương). Công ty Enagas cũng đã kích hoạt hệ thống khẩn cấp để đảm bảo cung cấp khí đốt phục vụ nhu cầu trong thời gian mất điện.
Tại Madrid, Thị trưởng Jose Luis Martinez-Almeida đăng video trên nền tảng X khuyến cáo người dân nên hạn chế ra đường do hệ thống đèn giao thông chưa hoạt động hoàn toàn, nhằm tạo điều kiện cho các lực lượng khẩn cấp làm nhiệm vụ.
Tại Bồ Đào Nha, điện cũng dần được khôi phục tại nhiều khu vực, trong đó có trung tâm thủ đô Lisbon. Công ty vận hành lưới điện Bồ Đào Nha cũng thông báo đã khôi phục hoạt động cho 85 trong tổng số 89 trạm biến áp.
Ngày 28/4, một sự cố mất điện quy mô lớn đã lan rộng khắp châu Âu, trong đó Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha chịu thiệt hại nặng nề nhất. Một số quốc gia khác như Pháp, Đức, Bỉ, Italy và Hà Lan cũng ghi nhận gián đoạn nguồn điện, khiến hàng triệu người dân chìm trong bóng tối.