Hậu trường cuộc gặp Trump – Zelensky tại Vatican

Hậu trường cuộc gặp Trump – Zelensky tại Vatican

bởi

trong

57 ngày sau cuộc đấu khẩu nảy lửa tại Nhà Trắng, ông Trump và ông Zelensky bất ngờ có cơ hội gặp mặt khi cùng tới Vatican dự lễ tang Giáo hoàng Francis.

Bên trong Vương cung Thánh đường Thánh Peter tại Vatican ngày 26/4, ngay trước thời điểm tang lễ Giáo hoàng Francis diễn ra, một cuộc gặp cấp cao đã diễn ra gần cửa ra vào. Tổng thống Mỹ Donald Trump ngồi đối diện với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai lãnh đạo kể từ sau cuộc đấu khẩu nảy lửa tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng cách đó 57 ngày.

“Tôi thấy ông ấy đã bình tĩnh hơn. Tôi nghĩ ông ấy hiểu tình hình và muốn có thỏa thuận”, Tổng thống Trump nói về ấn tượng với ông Zelensky tại cuộc gặp, khi trả lời phỏng vấn tại sân bay New Jersey, Mỹ ngày 27/4.

Cuộc gặp trong vòng 15 phút tại Vatican diễn ra một phần bởi sự trùng hợp, theo nguồn tin am hiểu vấn đề.

Sau lễ nhậm chức, ông Trump từng tuyên bố muốn chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong nhiệm kỳ hai là đến Trung Đông, bắt đầu với Arab Saudi, nơi ông từng chọn là điểm công du đầu tiên của nhiệm kỳ một. Tuy nhiên, chuyến đi nước ngoài đầu tiên của ông lại là Vatican, nơi tổ chức tang lễ của Giáo hoàng Francis.

Nguồn tin cho hay các quan chức châu Âu ở hậu trường đã tìm cách thu xếp cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo Mỹ và Ukraine trước lễ tang, với hy vọng cuộc hội ngộ này có thể thắp lên hy vọng giữa lúc nỗ lực đàm phán chấm dứt xung đột bế tắc.





Hậu trường cuộc gặp Trump – Zelensky tại Vatican

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngồi đối điện người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky (phải) tại Vương cung Thánh đường Thánh Peter ở Vatican ngày 26/4. Ảnh: AP

Tuy nhiên, dường như tất cả các bên đều không chắc chắn cuộc gặp có thể diễn ra. Ngay cả các quan chức Mỹ và Ukraine cũng đều tỏ ra cẩn trọng khi không đưa ra bất kỳ thông báo hay kỳ vọng nào trước khi hai lãnh đạo đặt chân tới Rome.

Khi đến Rome ngày 25/4, ông Trump cho hay không thể có thời gian cho những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc và tự hỏi liệu có phù hợp khi tổ chức các hoạt động đối ngoại trong chuyến đi bày tỏ lòng thành kính với Giáo hoàng Francis hay không. Tới hôm sau, khi ông Trump và ông Zelensky cùng tới Vương cung Thánh đường Thánh Peter, những người mong chờ cuộc gặp giữa hai lãnh đạo vẫn không chắc liệu họ có ngồi đối thoại trực tiếp với nhau hay không.

Nhưng sau đó, các quan chức Vatican đã nhanh chóng sắp xếp, mang ba chiếc ghế tới một góc Vương cung Thánh đường, nơi ông Trump và ông Zelensky có thể tạm xa đám đông để nói chuyện riêng.

Chiếc ghế thứ ba ban đầu dự định dành cho một phiên dịch viên. Nhiều người trước đó suy đoán nó dành cho Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi thấy lãnh đạo Điện Elysee chào đón cả ông Trump và ông Zelensky vài phút trước khi bắt đầu cuộc gặp, theo nguồn tin am hiểu vấn đề.

Ông Macron là một trong những lãnh đạo châu Âu rất hy vọng ông Trump và ông Zelensky sẽ đối thoại trực tiếp ở Rome. Nhưng ngay trước khi họ bắt đầu ngồi xuống, ông Macron đã rời đi và để lại không gian riêng cho hai lãnh đạo Ukraine, Mỹ.

Các trợ lý của cả hai bên và cả phiên dịch viên đều không tham gia cuộc gặp đó. Ông Zelensky dường như đã trao đổi bằng tiếng Anh và ông Trump lắng nghe với vẻ chăm chú, người hơi cúi về phía trước.

Một ngày sau cuộc gặp, ông Trump nói với phóng viên rằng lãnh đạo Ukraine đề nghị ông cấp thêm vũ khí và cho biết họ đã thảo luận ngắn gọn về Crimea, bán đảo mà Nga sáp nhập năm 2014 và được Mỹ đề xuất công nhận là thuộc về Moskva.

Ngay cả khi ông Zelensky phản đối nhượng bộ, ông Trump dường như không thay đổi lập trường. “Tôi không biết làm thế nào mà các vị còn có thể nhắc đến Crimea. Chuyện đó quá lâu rồi”, ông nói.

Mô tả của ông Zelensky về cuộc gặp cho thấy lãnh đạo Ukraine dường như đã rút kinh nghiệm từ cuộc gặp tại Phòng Bầu dục hồi tháng 2, đó là luôn thể hiện lòng biết ơn ngay cả khi còn tồn tại bất đồng.

“Cuộc gặp gỡ mang tính biểu tượng có thể sẽ trở thành lịch sử nếu chúng ta đạt được kết quả chung”, ông Zelensky viết trên mạng xã hội và không quên thêm rằng “cảm ơn Tổng thống Mỹ”.

Giới quan sát cho hay hình ảnh ông Trump ngồi trò chuyện với ông Zelensky là cảnh tượng đáng chú ý cho cuộc gặp gỡ ngẫu hứng giữa hai lãnh đạo luôn thẳng thắn nói về những bất đồng và sự thiếu tin tưởng dành cho nhau.

“Điều ông ấy quyết tâm làm là nói chuyện trực tiếp với ông Zelensky và nói về cách chúng ta sẽ chấm dứt cuộc chiến trên bộ lớn nhất ở châu Âu. Cả hai bên đều muốn điều đó”, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Mike Waltz, người cùng đoàn tới Rome cuối tuần qua, nói với Fox News.





Từ trái qua phải: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh Keir Starmer, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Vương cung Thánh đường Thánh Peter ở Vatican ngày 26/4. Ảnh: Văn phòng Báo chí Ukraine

Từ trái qua phải: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh Keir Starmer, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Vương cung Thánh đường Thánh Peter ở Vatican ngày 26/4. Ảnh: Văn phòng Báo chí Ukraine

Những nỗ lực của ông Trump nhằm chấm dứt nhanh chóng xung đột Ukraine đã dần biến thành nỗi thất vọng khi ông sắp chạm mốc 100 ngày đầu tại nhiệm. Ông đã nói với cố vấn rằng việc hòa giải chấm dứt xung đột khó hơn ông nghĩ.

Trong bài đăng trên mạng xã hội Truth sau cuộc gặp ngày 26/4, ông Trump cho biết cảm thấy “bất ngờ và thất vọng” khi Nga phóng tên lửa vào Kiev giữa lúc thúc đẩy đàm phán, tự hỏi liệu ông Putin có “lợi dụng” mình hay không.

Khi trả lời phóng viên tại Mỹ ngày 27/4, ông Trump cũng đề cập tới Tổng thống Nga, nói rằng “tôi muốn ông ấy ngừng bắn, ngồi xuống và ký thỏa thuận. Tôi tin rằng chúng ta có giới hạn cho thỏa thuận, tôi muốn ông ấy ký và hoàn thành nó, đưa cuộc sống bình thường trở lại”.

Một số cố vấn của ông Trump lo ngại họ đang lãng phí thời gian để giải quyết cuộc xung đột có rất ít dấu hiệu hạ nhiệt. Trong khi đó, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cho biết nước này sắp tiến đến giới hạn của sự kiên nhẫn, dường như nhằm tăng sức ép với cả Nga và Ukraine để đạt thỏa thuận.

“Tuần tới sẽ là thời gian thực sự quan trọng, trong đó chúng tôi phải quyết định liệu có muốn tiếp tục tham gia hay không, hay đã đến lúc phải tập trung cho một số vấn đề quan trọng không kém, nếu không muốn nói là quan trọng hơn”, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio nói ngày 27/4.

Thùy Lâm (Theo CNN, Reuters, AFP)