Hệ thống y tế TP.HCM ra sao sau sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu?

Hệ thống y tế TP.HCM ra sao sau sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu?

bởi

trong
Hệ thống y tế TP.HCM ra sao sau sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu?

Người dân đến thăm khám và điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM – Ảnh: THU HIẾN

Ngày 8-5, Sở Y tế TP.HCM cho hay đã có văn bản gửi UBND TP.HCM và Sở Nội vụ về đề xuất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực y tế khi thực hiện chính quyền 2 cấp.

Các đơn vị y tế sau sáp nhập với hai tỉnh ra sao?

Trong văn bản này, Sở Y tế đã đề xuất phương án sáp nhập các phòng chuyên môn, chi cục sau khi sáp nhập hai tỉnh Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu.

Cụ thể sau sắp xếp hai tỉnh, Sở Y tế TP.HCM bao gồm 12 phòng chuyên môn: Văn phòng sở, phòng tổ chức cán bộ, phòng công nghệ thông tin, Thanh tra Sở Y tế, kế hoạch tài chính, nghiệp vụ y… Riêng chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm hai tỉnh sẽ sáp nhập vào Sở An toàn thực phẩm TP.HCM.

Ngoài ra, TP.HCM sẽ có 6 trung tâm chuyên ngành như: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Giám định y khoa, Trung tâm Cấp cứu 115…

Sở Y tế TP.HCM đề xuất tạm thời giữ nguyên tổ chức và hoạt động của các trung tâm y tế, trạm y tế các tỉnh như hiện tại gồm: Bình Dương (9 trung tâm y tế, 91 trạm y tế), Bà Rịa – Vũng Tàu (7 trung tâm y tế, 79 trạm y tế).

Sau khi hoàn tất sáp nhập sẽ khảo sát thực trạng tổ chức, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và nhu cầu khám chữa bệnh tại các địa bàn liên quan.

Đối với các bệnh viện, sau sáp nhập, Sở Y tế TP.HCM đề xuất cơ bản duy trì, giữ nguyên các cơ sở khám, chữa bệnh (đa khoa, chuyên khoa, khu vực) và các cơ sở bảo trợ xã hội, trợ giúp xã hội hiện có.

Các đơn vị sự nghiệp công lập này sẽ trực thuộc Sở Y tế TP.HCM sau sắp xếp để duy trì việc cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh cấp cơ sở, chuyên sâu và các dịch vụ trợ cấp xã hội, dịch vụ công tác xã hội đáp ứng nhu cầu của người dân.

Đề xuất lập 10 trung tâm y tế khu vực tại TP.HCM

Sở Y tế TP.HCM cũng đề xuất sẽ tổ chức lại, TP sẽ có 10 trung tâm y tế khu vực không có giường bệnh nội trú, trực thuộc Sở Y tế, theo nguyên tắc bố trí phù hợp với đặc điểm địa lý và quy mô dân số.

Mỗi trung tâm y tế khu vực sẽ phụ trách khoảng 1 triệu dân. Riêng địa bàn Củ Chi, Cần Giờ do đặc thù về địa lý, tuy quy mô dân số chưa đến 1 triệu dân vẫn sắp xếp 2 trung tâm y tế khu vực cho 2 địa bàn này. 8 trung tâm y tế khu vực còn lại bao gồm: 1 ở địa bàn Thủ Đức và 7 ở các địa bàn còn lại.

Trong tổng số 2.361 nhân viên y tế (trong đó có 468 bác sĩ) của trung tâm y tế hiện hữu sẽ chọn lọc, bố trí về công tác ở trung tâm y tế khu vực, còn lại tăng cường nhân lực cho trạm y tế phường, xã.

Sở Y tế đánh giá phương án này tinh gọn bộ máy, giảm được 12 trung tâm y tế hiện hữu, phù hợp xu hướng hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả đầu tư và chất lượng dịch vụ y tế.

Riêng với trạm y tế, Sở Y tế TP.HCM đề xuất mỗi đơn vị hành chính cấp xã, phường mới thành lập 1 trạm y tế chính và các điểm trạm trực thuộc trạm y tế (các trạm y tế hiện hữu trên địa bàn phường không được chọn làm cơ sở chính, sẽ trở thành các điểm trạm trực thuộc trạm y tế phường, xã).

Phương án này giúp tập trung nguồn lực vào trạm y tế chính với đầy đủ cơ sở vật chất, nhân lực, đồng thời tiết kiệm chi phí, tinh gọn bộ máy và thuận lợi trong quản lý. Tên trạm y tế chính lấy tên của phường, xã mới sau sắp xếp.

Theo danh sách này, TP.HCM sẽ có 102 trạm y tế với số nhân lực tạm tính là hơn 3.600 nhân lực và cần bổ sung hơn 1.500 người.