Hết cao điểm, hàng nhái lại bày bán công khai

Hết cao điểm, hàng nhái lại bày bán công khai

bởi

trong

“Nay yên rồi, chở hàng ra bán lại thôi”

Sáng 16.7, trong vai khách du lịch đi mua sắm, chúng tôi vào chợ Bến Thành (P.Bến Thành, TP.HCM). Khác cảnh dè dặt bày bán các mặt hàng thời trang nhái các nhãn hiệu quốc tế tại An Đông Plaza, Saigon Square…; việc mua bán tại đây công khai, tấp nập. Tại một sạp hàng, những túi đeo chéo nhái các nhãn hiệu cao cấp từ Gucci, LV đến Coach, Michael Kors… đều đồng giá 1,5 triệu đồng. Có sạp giới thiệu chiếc ví nhái hiệu Gucci khóa đầu rắn mới ra, giá 1,3 triệu đồng. Trong khi đó, tham khảo trên trang vuahanghieu, những chiếc túi đeo chéo của Gucci có giá từ 48,5 – 63,8 triệu đồng, tùy màu sắc; những chiếc túi nhỏ LV từ 58 – 75 triệu đồng; Coach khoảng 11 triệu đồng…

Hết cao điểm, hàng nhái lại bày bán công khai

Hàng nhái các thương hiệu lớn được bày bán công khai sau đợt truy quét của lực lượng chức năng

ẢNH: LAM NGHI

Cố thuyết phục khách mua chiếc túi màu xanh lá nhái hiệu Gucci giá 1,8 triệu, người bán hàng ngay cửa tây chợ Bến Thành giải thích: “Chất liệu là hàng thật, chỉ khác đây là hàng xuất khẩu thừa, hàng lỗi tuồn bán ra thị trường thôi. Cái này hàng chính hãng có giá trên 100 triệu lận, chỉ có ra đây mới mua được giá đó, hàng tốt”. Cùng kiểu dáng, trên trang web hàng hiệu chiếc túi này có giá 130 triệu đồng.

Quan sát cho thấy, đa số khách mua hàng tại chợ Bến Thành là người nước ngoài. Chiếc túi unisex nhái thương hiệu Lacoste, người bán báo giá 500.000 đồng, nữ du khách đến từ Bồ Đào Nha trả 400.000 đồng, cho biết thấy giá rẻ nên mua. Tại quầy bán giày dép, một nhóm khách du lịch là những bé trai đi theo đoàn có hướng dẫn viên đang tìm mua giày thể thao. Giày nhái hiệu Adidas, Nike, MLB… đều có giá trung bình từ 500.000 – 1 triệu đồng/đôi. Vẫn bài cũ soạn lại, người bán giải thích là hàng xuất dư nên bán ra thị trường. Thực tế, những kiểu giày này đang được rao bán rầm rộ trên các nhóm bán hàng nhập từ Quảng Châu (Trung Quốc), giá khoảng 400.000 – 550.000 đồng/đôi.

Khi chúng tôi hỏi liệu việc bán toàn hàng nhái, hàng giả thế này có sợ bị quản lý thị trường (QLTT) kiểm tra bắt giữ hàng và xử phạt, một tiểu thương bán túi xách và vali trả lời: “Cả chợ bán, cả thị trường đều bán, có riêng gì quầy hàng của mình đâu. Thực tế vào đợt kiểm tra căng thẳng, nhất là khi tiểu thương ở Saigon Square bị bắt hàng nhiều, tôi cũng “rén” lắm, tạm nghỉ bán 2 ngày, đưa một ít hàng có giá cao về nhà. Nay yên rồi, chở ra bán lại. Không bán thì hàng tồn lỡ nhập rồi thì làm gì? Cả gia tài ở đó, nên cứ liều bán thôi, khi nào ban quản lý nhắc nhở thì tém tém lại”.

Bà V., chủ sạp bán đồ phụ kiện làm đẹp, kẹp tóc và mắt kính tại chợ Bến Thành, giới thiệu giá kẹp tóc đính đá hiệu Gucci, Chanel trước bán 60.000 đồng/cái, nay bán đổ đồng giá 15.000 đồng/cái. “Tuy QLTT đang tạm ngưng kiểm tra, nhưng không biết họ quay lại lúc nào. Những mặt hàng nhỏ này phải bán thanh lý gấp để giảm hàng tồn”, bà V. thừa nhận.

Truy quét tại kho, xưởng, đường mòn lối mở

Theo Công điện 65 của Thủ tướng Chính phủ, đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên toàn quốc từ ngày 15.5, kết thúc ngày 15.6. Tổng kết đợt này, Cục Quản lý và phát triển thị trường trong nước cho biết, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra gần 4.000 vụ việc, phát hiện và xử lý hơn 3.100 vụ vi phạm với tổng số tiền xử lý hơn 63 tỉ đồng. Trong đó, số tiền xử phạt hành chính hơn 32 tỉ đồng, giá trị hàng hóa bị tịch thu gần 31 tỉ đồng, thu nộp ngân sách gần 36 tỉ đồng. Đáng chú ý, có tới 26 vụ việc có dấu hiệu hình sự đã được chuyển cho cơ quan điều tra, tăng 50% so với cùng thời điểm năm trước.

Tại TP.HCM, riêng ở Trung tâm mua sắm Saigon Square, hàng ngàn sản phẩm nhái, giả mạo các nhãn hiệu trên thế giới bị thu giữ, hàng trăm triệu đồng tiền xử phạt hành chính đã được ra quyết định. Có tuần, tổ công tác của Cục Quản lý và phát triển thị trường trong nước thường xuyên túc trực, giám sát hoạt động kinh doanh tại các ki ốt trong trung tâm này, buộc nhiều chủ gian hàng phải chọn cách đóng cửa. Một số đưa hàng hóa ra khỏi địa điểm kinh doanh để né kiểm tra, hoặc mở “he hé”, nghe báo động sẽ đóng sập cửa, “miễn tiếp khách”. Thế nhưng tâm lý của các tiểu thương cũng như việc bày bán công khai hàng nhái, giả tại chợ ngay trung tâm TP.HCM cho thấy cuộc đấu tranh chống các loại hàng này còn rất gian nan. Và thực tế, Chính phủ đã khẳng định đây là cuộc chiến trường kỳ chứ không phải chỉ cao điểm xong là thôi.

Điển hình, mới đây UBND TP.Đà Nẵng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh Mega Premium Shopping Mall về hành vi trưng bày để bán hàng giả mạo nhãn hiệu. Hộ kinh doanh này đã bày bán hàng hóa gồm túi xách, ví các loại, kính mắt, khăn choàng, dây thắt lưng… có dấu hiệu là hàng hóa giả mạo các nhãn hiệu Gucci, Chanel, Christian Dior, Dior, Bottega Veneta, Celine đang được bảo hộ tại VN. Tổng giá trị hàng hóa được xác định tại thời điểm kiểm tra là hơn 183,5 triệu đồng với 232 đơn vị sản phẩm. Hộ này bị xử phạt hơn 100 triệu đồng, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa giả mạo nói trên.

PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), nhấn mạnh cuộc đấu tranh chống hàng gian, hàng nhái là “cuộc chiến trường kỳ”, không thể ngày một ngày hai, nhưng không nên lơ là, bỏ cuộc. Nhưng truy quét ở chợ, các điểm bán lẻ chỉ là phần ngọn, cần kiểm tra tận gốc từ kho hàng, nhà xưởng.

“Đó là những container hàng được vận chuyển công khai từ bắc vào nam, đó là những kho hàng khổng lồ được xây dựng dọc biên giới, là những chợ chỉ chuyên tập trung hàng nhái, hàng giả, bán với giá nào cũng có. Chợ bán lẻ, nói gì thì vẫn là khâu cuối cùng trong chuỗi cung ứng”, ông Ngô Trí Long nhận định và cho rằng một cơ quan QLTT không thể quản hết thị trường từ hàng nhập lậu qua cửa khẩu công khai đến qua đường mòn, lối mở. “Lực lượng chức năng của ta còn mỏng, khó có thể kiểm soát toàn diện 24/24. Do vậy, chiến dịch phòng chống hàng gian, hàng nhái đang làm lũng đoạn thị trường trong nước cần sự chung tay giúp sức, giám sát tại chỗ của người dân. Thậm chí, phải có cả chính sách khuyến khích, tuyên truyền và khen thưởng xứng đáng đối với những trường hợp cung cấp thông tin giá trị”, PGS-TS Ngô Trí Long nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Long cho rằng cần tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của chính người tiêu dùng. Người tiêu dùng là “tuyến phòng thủ cuối cùng” quan trọng, giúp việc đẩy lùi vấn nạn hàng nhái, hàng giả hiệu quả hơn.

Việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý hàng hóa để phát hiện những yếu tố bất thường trong nhập khẩu, lưu thông, phân phối… là rất cần thiết. Bước tiếp theo những đợt cao điểm kiểm tra của QLTT là phải đẩy mạnh phương pháp quản lý số hóa.

PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả