Nhìn xuyên thấu điểm mạnh của Malaysia
Cựu Phó chủ tịch (PCT) chuyên môn VFF Dương Vũ Lâm bình luận: “Từ vài năm nay, điểm mạnh truyền thống của bóng đá Malaysia vẫn là sức mạnh thể chất. Đặc biệt, giai đoạn hiện tại đội tuyển Malaysia nhập tịch nhiều cầu thủ gốc nước ngoài, càng khiến cho điểm mạnh thể chất của đội bóng này trở nên rõ rệt hơn. Các cầu thủ Malaysia chơi thiên về bóng bổng và bóng dài, họ thường dùng những đường bóng này để “tra tấn” thể lực đối phương”.

Thủ môn Nguyễn Filip và trung vệ Thành Chung đều rất giỏi chơi bóng bổng
Ảnh: Độc Lập
Dù vậy, nhìn vào danh sách của đội tuyển Việt Nam vào lúc này, có thể thấy HLV Kim Sang-sik đã có sẵn phương án khống chế điểm mạnh của Malaysia. Hàng thủ của đội bóng trong tay vị HLV người Hàn Quốc không thiếu những cầu thủ cao lớn, giỏi chơi bóng bổng. Đáng kể nhất trong số này là 2 thủ môn “khổng lồ” Nguyễn Filip (1,92 m) và Trần Trung Kiên (1,91 m). Cả 2 đều rất giỏi trong việc khống chế các pha bóng tầm cao.
Đặc biệt, thủ thành Nguyễn Filip đang có phong độ cực tốt. Với những gì vừa thể hiện tại Cúp C1 Đông Nam Á, Nguyễn Filip chứng minh mình là thủ thành có phong độ tốt nhất trên sân cỏ trong nước ở thời điểm hiện tại. Trước CLB Buriram United (Thái Lan) ở cả 2 lượt trận chung kết giải đấu khu vực vào các ngày 14 và 21.5 vừa rồi, Nguyễn Filip hầu như luôn chiến thắng đối thủ ở các tình huống bóng bổng. Anh làm chủ khu vực cấm địa của đội nhà rất hay, khống chế hầu hết các tình huống tạt bóng từ 2 biên của Buriram United.
Ngay phía trên các thủ môn, hàng hậu vệ của đội tuyển Việt Nam hiện cũng không thiếu các trung vệ có thể hình tốt, gồm Việt Anh (1,84 m), Thanh Bình (1,83 m), Thành Chung (1,82 m), Duy Mạnh (1,80 m). Những trung vệ này không lạ với các tình huống chống bóng bổng. Họ cũng không ngại khi buộc phải đua sức với đối thủ.
Khai thác điểm yếu của đội tuyển Malaysia
Ngay đến hàng tiền vệ của HLV Kim Sang-sik hiện nay cũng có những thay đổi quan trọng, phù hợp với trận đấu gặp Malaysia sắp diễn ra. Ông Kim gọi lên đội tuyển Việt Nam 3 tiền vệ trung tâm có thể lực tốt gồm Hoàng Đức (1,84 m), Đức Chiến (1,81 m) và Minh Khoa (1,76 m). Những cầu thủ này đều nổi bật ở năng lực kiểm soát bóng và tranh chấp tay đôi. Điều đó cho thấy HLV Kim Sang-sik đã tính đến chuyện sẵn sàng tranh chấp mạnh với đội tuyển Malaysia ngay từ khu vực giữa sân, không để cho đối thủ thoải mái gây sức ép lên vùng cấm địa của đội tuyển Việt Nam.

2 tiền đạo Công Phượng (10) và Tiến Linh chuẩn bị tái ngộ để đối đầu với hàng thủ Malaysia
Ảnh: Như Đạt
Đó là trong phòng ngự, còn trong tấn công, đội tuyển Việt Nam có thể lưu ý đến những chi tiết sau đây. Cựu PCT VFF Dương Vũ Lâm hiến kế: “Cầu thủ Malaysia hiện tại tuy cao lớn nhưng họ không nhanh, không linh hoạt bằng cầu thủ Việt Nam, nhất là ở những tình huống buộc phải xoay xở trong phạm vi hẹp. Điều này cũng không khó lý giải. Đội tuyển Malaysia càng nhập tịch nhiều cầu thủ gốc ngoại, họ càng ít có thời gian tập luyện chung với nhau, nên họ thường bỏ qua những đường chuyền ngắn, hướng đến lối chơi đơn giản là chuyền dài thật nhiều để nhanh chóng tiếp cận cầu môn đối phương. Vả lại, cầu thủ nhập tịch của Malaysia có trình độ không quá cao, nên họ không nhanh và không khéo”.
Nhìn lại danh sách của HLV Kim Sang-sik, ông Kim có lẽ cũng đã nhìn thấy nhược điểm của đội Malaysia. Vị HLV người Hàn Quốc gọi lên đội tuyển quốc gia tiền đạo kỳ cựu Nguyễn Công Phượng. Đây là dạng cầu thủ có thể gây đột biến, có thể quấy rối hàng thủ của đối phương bằng những tình huống đi bóng lắt léo và khó đoán của mình.
Để đối chọi với hàng thủ cao lớn nhưng xoay xở chậm của Malaysia, dạng cầu thủ có kỹ thuật cao như Công Phượng, Quang Hải hay Hoàng Đức rất quan trọng. Những tình huống đi bóng, hoặc những pha xử lý xuất thần của những cầu thủ nói trên có thể khiến hàng thủ Malaysia rối loạn, từ đó mở ra cơ hội cho đội tuyển Việt Nam. Thành ra, hãy tin tưởng vào sự lựa chọn nhân sự của HLV Kim Sang-sik!