Chẳng điều gì thiêng liêng hơn ngày giải phóng
“Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội…”, âm thanh quen thuộc vang lên trong buổi sáng đầu tuần tĩnh lặng, nơi HLV Mai Đức Chung cùng những người bạn già đang ngồi nhâm nhi chén trà.
Trong không khí kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất, tôi bật lại cho ông Chung nghe bản tin chiến thắng của Đài Tiếng nói Việt Nam, được truyền đi đúng vào ngày 30.4.1975. Dòng ký ức ùa về, khiến vị chiến lược gia năm nay đã 76 tuổi, từng sống qua 2 cuộc chiến tranh không giấu được cảm giác bồi hồi.

Tiền đạo Mai Đức Chung (hàng trên, thứ 6 từ trái qua) trong màu áo Tổng cục Đường sắt
ẢNH: TƯ LIỆU
“Tôi không quên được ngày đất nước thống nhất. Ngày 30.4 của 50 năm trước, tôi khi ấy là chàng trai 26 tuổi, đang hóng chờ tin tức từng giây trên sóng phát thanh. Lúc biết tin chiến thắng, tôi sướng lắm. Cảm giác cứ như có điện chạy trong người. Cờ hoa rợp trời ở khắp đường làng ngõ xóm. Chúng ta chờ ngày này từ rất lâu rồi”, ông Mai Đức Chung kể lại.
Tận hưởng xong niềm hạnh phúc vỡ òa của giờ phút độc lập, tự do, chàng trai Mai Đức Chung lập tức trở lại guồng quay thường nhật. Lúc đó, ông đang vừa lao động, vừa tập luyện và thi đấu cho đội Xe ca Hà Nội.
Biệt danh Chung “xe ca” của ông cũng từ đấy mà ra. Sau 3 năm chơi tại đây, bước ngoặt đầu tiên đến với ông Chung vào tháng 9.1975. đội Tổng cục Đường sắt đã liên hệ với Xe ca Hà Nội, xin mang về mũi tấn công Mai Đức Chung. Ông không biết rằng, quyết định này đã dẫn lối đến khoảnh khắc lịch sử, mà ông Chung và đội Tổng cục Đường sắt sẽ được ghi nhớ mãi mãi.
Tại đội Tổng cục Đường sắt, ông Chung ăn lương bao cấp. Ngày đi làm, chiều đi tập, có khi mấy ngày mới được tập 1 buổi (ngày ấy, mỗi tuần tập được 3, 4 buổi đã là nhiều), nhưng các cầu thủ vẫn miệt mài với trái bóng. “Vất vả lắm, nhưng chúng tôi ý thức được trách nhiệm với bản thân. Lao động và chiến đấu để phục vụ Tổ quốc, còn đá bóng để phục vụ bà con. Miền Nam, nơi có ‘hòn ngọc Viễn Đông’ TP.HCM, là nơi cả đội chưa từng đặt chân tới. Chúng tôi chỉ biết miền Nam qua sách vở, chứ chưa đến bao giờ. Những thanh niên trẻ năm đó chỉ mong có một cơ hội vào Nam thi đấu, được chơi bóng, cống hiến cho bà con xem”, HLV Mai Đức Chung trải lòng.

Cầu thủ Mai Đức Chung

Trận đấu lịch sử giữa Tổng cục Đường sắt và Cảng Sài Gòn vào tháng 11.1976
ẢNH: TƯ LIỆU
Ông Chung đã toại nguyện. Sau ngày giải phóng, trung ương chỉ đạo cần sớm tổ chức một trận giao hữu bóng đá giữa 2 miền để đánh dấu sự kiện đất nước thống nhất. Tuy nhiên phải đến cuối năm 1976, Tổng công đoàn lao động Việt Nam mới liên hệ với Tổng công đoàn bóng đá TP.HCM, thống nhất cử đội Tổng cục Đường sắt vào miền Nam đá giao hữu. Tháng 11.1976, ông Mai Đức Chung và toàn đội lên đường.
Trận cầu lịch sử
“Lúc biết tin, chúng tôi phấn khích tột độ. Lần đầu được đi TP.HCM cho biết muôn hình vạn trạng quê hương, cũng là lần đầu được đá với các đội miền Nam mà lâu nay chỉ được nghe kể. Chúng tôi biết đội Cảng Sài Gòn chơi bóng hào hoa, nhã nhặn. Họ đá bóng ngắn, thích phối hợp nhỏ, nhuyễn. Chúng tôi cũng hiểu các anh rất mạnh, khi từng vô địch Merdeka Cup 1966. Cảng Sài Gòn có trung vệ Phạm Huỳnh Tam Lang chắc chắn như ‘đá tảng’, rồi còn nhiều danh thủ.
Tuy nhiên, đội Tổng cục Đường sắt cũng có ưu thế riêng. Thầy Long (HLV Trần Duy Long) định hướng chúng tôi chơi khoa học, bài bản. Nếu đội họ đá ngắn, chúng tôi lại chơi đa dạng và tùy cơ ứng biến. Lúc đá dài, lúc đá cự ly gần, chồng biên hay đánh trung lộ cũng có bài vở”, ông Chung chia sẻ.

HLV Mai Đức Chung (giữa) cùng đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam vô địch SEA Games tới 6 lần
ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Trên chiếc máy bay cánh quạt, lòng ông Chung, ông Lê Thụy Hải và đồng đội ngổn ngang nỗi lo. Nhưng, tất cả tan biến khi xuống đến sân bay, cả đội được đông đảo người hâm mộ chào đón. Các thành viên đội Cảng Sài Gòn cũng đến đón và thủ quân Tam Lang là người tặng hoa. Hạnh phúc lắm, ân tình ấy, cả đội không bao giờ quên.
Tiền vệ Mai Đức Chung vừa háo hức nhìn những tòa nhà cao tầng ở TP.HCM, vừa ngóng từng giây đến trận đấu.
Ông Chung nhớ mãi khoảnh khắc khi đội Tổng cục Đường sắt đến sân tập luyện, khán giả ùa vào, tranh nhau sờ đùi, sờ chân. Họ ngưỡng mộ những chàng trai cao ráo, rắn rỏi, mang nét gió sương của khó khăn thời cuộc, nhưng vẫn phong độ, khí chất. Họ nói “thế mà người ta đồn người ngoài kia gầy lắm, mấy người đu cọng đu đủ không gãy”. Còn chúng tôi đáp lại là dù khó khăn, cả đội vẫn ăn tập đầy đủ, nay vào TP.HCM phục vụ bà con.
Chiều tối mới đá, mà ngay từ buổi trưa, cả sân đã đông nghịt người. Khán đài quá tải, trong nhiều người phải trèo tường xem bóng đá miền Bắc có… ra ngô ra khoai không.
Tổng cục Đường sắt đã không khiến khán giả phải thất vọng. Đội bóng của ông Chung áp đặt thế trận, đánh biên nhuần nhuyễn khiến đối thủ vất vả chống đỡ.
Tiền vệ Mai Đức Chung mở tỷ số với pha đánh đầu sau quả tạt của Minh Điểm, trước khi Lê Thụy Hải ấn định chiến thắng 2-0 nhờ cú sút xa từ gần vòng chung giữa sân.

Ông Chung nhớ như in cảm xúc khi ghi bàn ở trận đấu đặc biệt nhất. “Dù đã lường trước, nhưng chẳng nghĩ cảm giác lại hạnh phúc như thế. Sướng lắm. Tôi đã ăn mừng bằng cách vung mạnh cánh tay, mở rộng thân người và tâm trí để đón nhận mọi thứ ùa đến. Tôi ý thức được sứ mệnh lớn lao và không thể tin rằng mình đã làm được”.
Sau khi thắng Cảng Sài Gòn, đội Tổng cục Đường sắt tiếp tục giao hữu ở miền Nam. Ông Chung cùng đồng đội chỉ thua 1 trận trước Hải quân TP.HCM, còn lại… thắng hết. Chuyến đi để đời, mà vị “tướng” 74 tuổi cùng đồng đội luôn khắc sâu trong tim. Ở tuổi 76, ông Chung vẫn thi thoảng gặp gỡ, hàn huyên với những đồng đội, đối thủ năm nào.
“Chúng tôi lúc thì kể chuyện xưa, lúc thì hỏi han chuyện gia đình, con cháu. Tuổi này chỉ cần sức khỏe là đủ rồi. Có người còn, có người đã rời cõi tạm. Tôi may mắn hơn khi vẫn được làm nghề, vẫn soạn giáo án, ra sân chiến đấu cùng đội nữ. Tôi vẫn tập tạ, thi thoảng đi bộ hít thở, ngủ đủ giấc và sinh hoạt đều đặn. Chỉ mong bản thân đủ khỏe mạnh để hoàn thành nhiệm vụ”, vị “tướng” già trải lòng.
Sáng 30.4, ông Chung thảnh thơi nhìn ra ngoài đường. Sắc cờ đỏ sao vàng bay phất phới hòa trong nắng mai. Ông nói, thế hệ trẻ không được quên giá trị của độc lập, tự do. Của những bình yên hôm nay mà nhiều thế hệ đã phải vĩnh viễn để lại tuổi xuân nơi chiến trường để đánh đổi.
Ánh mắt của “Anh hùng lao động” Mai Đức Chung ánh lên niềm tự hào. Ông đã đi qua sóng gió và giờ đây, trong trái tim chỉ còn những kỷ niệm đẹp cùng lòng biết ơn những gì cuộc đời này đã mang lại.