Nhiều băn khoăn, lo ngại
Theo Nghị định số 70/2025, từ ngày 1.6 tới, các hộ kinh doanh có doanh thu trên 1 tỉ đồng/năm bắt buộc phải áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, kết nối dữ liệu với cơ quan thuế, thay vì nộp thuế khoán như hiện nay. Các hộ kinh doanh thuộc nhóm cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp tới người tiêu dùng như: trung tâm thương mại, siêu thị, cơ sở bán lẻ (trừ ô tô, mô tô, xe máy và các loại xe có động cơ khác), nhà hàng, quán ăn, khách sạn, dịch vụ vận tải hành khách…
Chiều 21.5, khảo sát tại chợ An Đông (Q.5, TP.HCM), nhiều tiểu thương cho PV biết đã được nhân viên ngành thuế hướng dẫn để kết nối xuất hóa đơn điện tử để bán hàng. Tuy nhiên, số quầy sạp đầu tư dàn máy móc thực hiện việc khởi tạo hóa đơn từ máy tính tiền rất ít. Một tiểu thương kinh doanh đồ khô tại tầng hầm của chợ An Đông nói rằng muốn áp dụng hóa đơn điện tử, kết nối dữ liệu với cơ quan thuế phải đầu tư thêm một laptop, máy in hóa đơn, máy in mã vạch, máy quét mã vạch… tính sơ sơ cũng vài chục triệu đồng. “Để chi một khoản tiền lớn như vậy trong lúc này là rất khó với chúng tôi. Hiện việc kinh doanh tại chợ truyền thống rất ảm đạm”, người này khoát tay chỉ xung quanh.

Một số chủ hộ kinh doanh tuổi đã cao cho biết khó thuê thêm người trẻ để lập hóa đơn, chứng từ cho quầy sạp
ẢNH: NG.NGA
Bà T.K (78 tuổi), bán hàng may mặc trên tầng 2 chợ An Đông, chia sẻ: “Hai chị em tôi kinh doanh tại chợ hơn 40 năm, nay tuổi cũng gần 80, đến điện thoại thông minh cũng không dùng, làm gì biết máy tính mà sử dụng bán hàng. Việc kinh doanh tại chợ ngày càng khó khăn, hàng hóa mua từ trong nước, khéo vén lắm mới đủ trang trải chi phí. Nếu bắt buộc áp đầu tư máy móc lúc này, chắc chắn 2 chị em nghỉ bán, một phần do không biết dùng máy móc, mặt khác không thể đầu tư máy móc, lại phải thuê người đứng ra bấm hóa đơn trong khi thu nhập không đủ”.
Đó cũng là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Tuyền (71 tuổi), chủ tiệm phở bình dân trong hẻm nhỏ trên đường Hòa Bình, Q.11, TP.HCM. Bà Tuyền thừa nhận nếu tính theo quy định doanh thu khoảng 2,8 triệu đồng/ngày phải xuất hóa đơn điện tử mỗi lần bán hàng thì nồi phở của gia đình bà chắc chắn vào diện phải đầu tư máy móc để xuất hóa đơn điện tử.
“Hiện chúng tôi bán giá một tô phở là 35.000 đồng, mỗi ngày bán được 80 – 90 tô là được 2,8 – 3,15 triệu đồng, đúng với mức nhà nước quy định phải khởi tạo hóa đơn tính tiền trên máy. Tôi ít học, hồi trước học chưa hết lớp 3 nghỉ rồi, tính nhẩm thì nhanh, chứ nói bấm số trên máy là chịu”, bà Tuyền thú nhận và nói thêm, cán bộ thuế đến ăn phở cũng có nói vấn đề này, hướng dẫn tận tình nhưng “tôi nghe cứ như vịt nghe sấm. Họ bảo phải có hóa đơn đầu vào đầy đủ, nhưng mua vài trăm đồng rau ngò và rau quế tại chợ Hòa Bình, làm gì có hóa đơn. Nếu đòi hóa đơn thì phải vào siêu thị mua, vậy làm sao có lãi khi bán tô phở giá bình dân 30.000 – 35.000 đồng?”, bà Tuyền nói.
Muốn thực hiện nghiêm túc cũng không dễ
Theo Cục Thuế, từ ngày 1.6, khoảng 270.000 hộ kinh doanh trên toàn quốc sẽ phải sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền và chuyển sang phương thức kê khai thuế. Hình thức áp dụng theo cơ quan thuế là khá đơn giản. Hộ kinh doanh có thể kê khai thuế theo doanh thu và chi phí thực tế, sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Các thiết bị mà hộ kinh doanh cần có gồm máy tính tiền kết nối phần mềm có chuẩn kết nối dữ liệu với cơ quan thuế. Giá thiết bị phổ biến từ 1,2 – 3 triệu đồng/máy và có hỗ trợ trả góp hoặc phần mềm miễn phí. Muốn vậy, hộ kinh doanh chỉ cần đáp ứng điều kiện là có kết nối internet, máy vi tính hoặc điện thoại thông minh, iPad; thực hiện đăng ký với cơ quan thuế và được cơ quan thuế chấp nhận. Cơ quan thuế cũng khuyến cáo nếu không thực hiện chuyển đổi số đúng quy định, có thể bị coi là vi phạm về sử dụng hóa đơn và phạt nặng.
Nhiều chủ cơ sở sản xuất may quần áo tại quận 12, Gò Vấp và Tân Phú khẳng định sẽ chấp hành nghiêm việc xuất hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế, tuy nhiên vẫn băn khoăn: Có một số chi phí đầu vào không thể có hóa đơn, hoặc có hóa đơn nhưng bên bán không xuất đúng giá trị tiền họ phải trả thì xử lý thế nào. Bà Thu, chủ cơ sở may áo quần nam tại Q.Gò Vấp, phân trần khi bỏ hàng cho các quầy sạp ở chợ sỉ lớn như Bình Tây, Tân Bình, cơ sở của bà đều xuất hóa đơn cho các hộ kinh doanh này và mức thuế bà đóng là 4,5%.
Tuy nhiên, nguồn vải của các cơ sở may mua tại chợ Tân Bình, khu vực Phú Thọ Hòa (Q.Tân Phú), chợ Soái Kình Lâm (Q.5) đều không có hóa đơn. Khi bà đòi, một số sạp cung cấp hóa đơn từ một công ty nhập khẩu khác, đơn vị tính theo kg, không ghi mét. Mức giá ghi trong hóa đơn là 25.000 đồng/kg (khoảng 1,8 – 2 m/kg). Tính ra giá bình quân 13.000 đồng/m trong khi thực tế cơ sở may trả cho bên bán với giá 90.000 đồng/m vải. Nếu yêu cầu xuất hóa đơn đúng giá tiền cơ sở trả, họ không chấp thuận. Không mua ở đó thì cơ sở không có vải mà sản xuất.

Nhiều chủ hộ kinh doanh lớn tuổi khá lúng túng khi phải mua máy móc, khởi tạo hóa đơn điện tử bán hàng
ẢNH: NG.NGA
“Nếu từ ngày 1.6 tới, cơ quan thuế bắt buộc khởi tạo hóa đơn bán hàng từ máy, nhưng đầu vào của chúng tôi có hóa đơn giá trị thấp, trong khi chi thực tế lại cao hơn nhiều. Vậy cách làm thế nào? Không thể nói bán không có hóa đơn thì đừng mua. Không mua, chúng tôi không có nguyên liệu để sản xuất”, bà Thu nói.
Một số cơ sở thuê cá nhân kết cườm, đơm nút, thêu áo… thuộc chi phí đầu vào, nhưng không thể có hóa đơn cho các chi phí này, vậy làm sao đủ hóa đơn đầu vào để kê khai thuế?
Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú nhận định chủ trương triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, kết nối dữ liệu từ hộ kinh doanh về cơ quan thuế là bước tiến về tư duy quản lý, chuyển đổi số, quản lý thuế minh bạch. Việc các cơ sở phản ánh khó lấy hóa đơn đầu vào, cơ quan quản lý cần lắng nghe để biết tâm tư cũng như thực tế để báo cáo khách quan lên cấp trên.
“Thời gian đầu, nên khuyến khích và sàng lọc hộ có doanh thu lớn để tuyên truyền, áp dụng. Những hộ có doanh thu thấp, chẳng hạn bán vài chục bát phở 1 ngày, người bán tuổi cao, cán bộ thuế phải giám sát, theo dõi để nắm rõ, hướng dẫn và hỗ trợ họ. Việc yêu cầu áp dụng hóa đơn điện tử với các hộ này cần có độ trễ nhất định. Nếu áp dụng ngay và xử phạt khi không chấp hành thì khó cho hộ kinh doanh vốn thói quen làm ăn nhỏ lẻ và việc có đủ hóa đơn đầu vào là khó khăn”, ông Vũ Vinh Phú nêu ý kiến.
Theo quy định, nếu không đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử, hộ kinh doanh có thể bị phạt từ 2 – 4 triệu đồng; không lập hóa đơn khi bán hàng, có thể bị phạt từ 5 – 10 triệu đồng; hoặc đã đăng ký nhưng không kết nối, hoặc không dùng đầy đủ cũng bị phạt.