
Nhiều ngày qua, người dân cả nước đã hướng về đại lễ 30-4 được tổ chức tại TP.HCM, kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất. Trong ảnh: Đoàn quân đi trong vòng tay nhân dân sau khi hoàn tất phần diễu binh chính tại khán đài đường Lê Duẩn, TP.HCM sáng 30-4 – Ảnh: NAM TRẦN
Súng, bom và bóng khói
Ngày ấy mẹ tôi tầm 6 tuổi, chưa biết chữ và sống dưới những tiếng nổ inh tai. Mẹ kể, bầu trời dạo đó toàn bóng khói. Những làn khói từ thuốc súng, từ đạn bom, từ mấy ngôi nhà cháy trụi sau trận càn đột ngột.
Tôi hỏi mẹ có sợ không, mẹ nói sợ chứ. “Ai cũng sống trong sợ hãi bởi nào biết liệu có ngày mai” – mẹ bảo thế rồi trầm ngâm nhìn ngoài vườn.
Cái vườn có tán ổi già, đang lấp ló che cho ngôi mộ cũ. Ấy là mộ của hai chị em xa lạ đi chạy giặc, đến ở nhờ nhà ngoại vào mấy mươi năm trước. Trong một hôm ngập ngụa bóng khói, họ đã nằm lại mãi dưới chái nhà ngoại. Căn nhà bị bom đánh sập trong đợt tập kích của địch.
Mẹ nhìn đứa cháu còn ngây thơ với những câu hỏi trên trời, chợt nghĩ về mẹ, về cậu, về những đứa trẻ ngày còn bóng khói dạo trước. Mẹ nói, trẻ con thời đó buộc phải lớn nhanh, dù người gầy nhom chẳng có nổi một bữa cơm no đúng nghĩa. Cậu bốn hay thích chạy ra ngoài đường chơi đất bùn. Có hôm địch ném bom rầm rã trên trời, ngó lên đầu là những bóng khói đen nghi ngút.
Mẹ lao ra kéo cậu trốn xuống cống nước gần đó. Mẹ bảo, lúc ấy chẳng nghĩ được gì nhiều, ngoài sự tích tắc giữa hai bờ sống chết. Đứa trẻ 6 tuổi như mẹ nén nỗi sợ từ những tiếng nổ, lao vào làn khói để cứu em mình.
Những khoảng trời mù mịt giội thẳng vào đất mấy hố bom to. Hai chị em ôm nhau nằm ghì dưới cống, trong tay cậu bốn còn lem nhem bùn chưa kịp chơi xong.
Có ai còn sống không?
“Có ai còn sống không?” – đó là câu hỏi mà mẹ nghe được sau trận càn ác liệt. Nhà đổ sụp, giữa những mảng ngói vỡ là tấm ảnh thờ của ông ngoại đã cháy xém non nửa. Ông là liệt sĩ, cũng mất trong một trận càn. Ngoại ôm mẹ và cậu, với tay lên về phía giải phóng quân, cố hét to rằng mình còn sống.
“Còn sống thì chạy theo chúng tôi, về nơi trú tránh mới”. Anh chiến sĩ đội mũ cối, mặt lem nhem khói, ôm súng khẽ thúc giục. Chạy thôi. Chạy mới có đường sống. Mọi người lổm ngổm bò dậy, nén lại những hơi thở xót xa, dìu nhau vượt qua những hố bom, những mảnh vết tích của ngôi nhà cũ, chạy bộ mấy mươi cây số đến khu gia binh dưới Truông Bà Đờn.
Những dãy nhà để tập trung lính, được nhường ra để đồng bào nghỉ ngơi. Mỗi nhà một góc phòng. Chật chội đến nghẹn ngào. Tới giờ cơm thì tự thổi lửa, nấu tạm gì đấy. “Có chỗ đặt chân là mừng lắm rồi. Cách mạng còn mệt hơn mình nhiều, nhưng vẫn dồn sức chở che cho dân có được một mảnh trời nhỏ không bóng khói”.
Mẹ bảo thế, khi nghĩ tới những ngày ở khu gia binh. Những ngày chẳng thể quên, cũng không dám quên với mẹ. Dù tiếng pháo, tiếng súng vẫn rền vang trong giấc ngủ cạn của mọi người, họ vẫn chờ một ngày trời ngừng bóng khói.
Hòa bình rồi, bà con về thôi
Ngày đất nước thống nhất, mẹ còn ở khu gia binh. Đó cũng là một ngày như bình thường, mẹ bảo, nhưng đã chẳng còn nghe tiếng súng. Thay vào đó là tiếng loa phát thanh, tiếng còi trên chiếc xe tăng chiến đấu: “Cách mạng đã giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chiến tranh đã kết thúc, mọi người yên tâm ai về nhà nấy”.
Tiếng hô dõng dạc truyền qua cái loa nhỏ, như sống dậy ánh sáng trong mắt mọi người. Ngoại dắt mẹ và cậu lò dò ra đường cái, thấy mấy chiến sĩ cầm cờ Tổ quốc giương cao, cắm cờ vào xe chạy khắp nẻo đường.
Họ nén cái mệt vào trong, gửi hy vọng đến cho dân qua cái loa phát thanh cầm tay. An toàn rồi. Hòa bình rồi. Bà con yên tâm về nhà thôi. Những câu thúc giục gióng thẳng vào lòng mọi người. Về thôi. Về nhà thôi. Mọi người ôm nhau bật khóc.
Mới hôm nào mọi người còn kéo nhau chạy tới khu gia binh để lánh nạn, nay chậm rãi đi bộ về. Hai bên đường vẫn ngổn ngang phế tích chiến tranh, hay những xác người đã nằm xuống.
Dưới bóng cờ Tổ quốc bay cao, là những phần máu xương như thế. Mấy đứa trẻ con khóc òa vì sợ. Người lớn khẽ quay mặt đi, cũng sụt sùi chùi khóe mắt. Dưới bóng cờ Tổ quốc, là biết bao sự hy sinh chẳng cách nào khỏa lấp.
Nó là minh chứng cho sự tàn khốc của chiến tranh, cũng là cái giá của hòa bình. Một nền hòa bình phải trải qua muôn vàn giông tố.
“Hòa bình rồi, bà con về thôi. Đất nước độc lập rồi, bà con yên tâm ai về nhà nấy”. Lời thông báo qua chiếc loa phát thanh của bộ đội, vang mãi trên chặng đường mẹ về lại quê nhà. Như một lời ủi an, một lời khẳng định, một sự bảo đảm.
Về thôi, hòa bình rồi.