Hòa Hiệp biến tấu câu chuyện Thạch Sùng

Hòa Hiệp biến tấu câu chuyện Thạch Sùng

bởi

trong
Hòa Hiệp biến tấu câu chuyện Thạch Sùng

Cảnh trong Thạch Sùng – một ngày lạ lùng do Hòa Hiệp viết kịch bản và dàn dựng – Ảnh: LINH ĐOAN

Sự tích Thạch Sùng quá quen thuộc với công chúng, nay được Hòa Hiệp biến tấu thành hài kịch dân gian với những lý giải mới.

Hòa Hiệp muốn mượn chuyện xưa nói chuyện nay

Là một tiết mục dài khoảng 1 tiếng trong bài thi môn đạo diễn của mình nhưng Thạch Sùng – một ngày lạ lùng (giảng viên bộ môn: Lê Nguyên Đạt) của Hòa Hiệp đã đem đến cho khán giả những tiếng cười duyên dáng vào tối 20-5.

Thạch Sùng – một ngày lạ lùng dựa trên câu chuyện dân gian về Thạch Sùng nhưng có những “khúc cua” cũng lạ lùng để câu chuyện xưa vừa lạ vừa quen.

Kịch nói về cặp vợ chồng Thạch Sùng lười biếng lao động, đi ăn xin mà giàu tới mức tích cóp được cả hũ vàng chôn trong núi.

Một ngày, vì thiên cơ được… khả lộ nên họ bất ngờ càng giàu hơn, trở thành hào phú trong làng.

Nhưng giàu vì sự trục lợi, giàu vì bất nhơn, sống trên xương máu của người khác liệu có bền lâu là câu hỏi mà Thạch Sùng – một ngày lạ lùng muốn gởi đến mọi người.

Hòa Hiệp chia sẻ tuổi của anh đã lớn nên quyết định đi học đạo diễn để tìm kiếm thêm những kiến thức tốt cho nghề nghiệp của mình. Từ ngày học đạo diễn anh thấy vui vì khả năng phân tích nhân vật của mình sâu sắc hơn.

Hòa Hiệp - Ảnh 2.

Hòa Hiệp (phải) chia sẻ trước khi tiết mục Thạch Sùng – một ngày lạ lùng diễn ra – Ảnh: LINH ĐOAN

Trên sân khấu kịch Hòa Hiệp đã tham gia khá nhiều hài kịch dân gian. Gần nhất, anh đóng vai cu Sắn trong vở 12 bà mụ và hoàng tử trong Tấm Cám đại chiến ở Nhà hát kịch Idecaf.

Hòa Hiệp cũng đã từng đóng vở kịch Thạch Sùng. Tuy nhiên, khi lựa chọn kịch bản để thi, anh quyết định tự viết lại kịch bản theo lý giải của mình.

Anh bày tỏ đã nhìn thấy trong Thạch Sùng những yếu tố mà anh có thể sáng tạo, phá cách. Và cách mà Hiệp chọn là thể hiện câu chuyện theo góc nhìn hài hước, châm biếm đả kích.

Hòa Hiệp - Ảnh 3.

Nghệ sĩ Lệ Trinh (phải, vai nhà báo Pháp) trong tiết mục cải lương Tổ quốc nơi cuối con đường do cô dàn dựng. Nghệ sĩ Hoài Minh vào vai Bác Hồ (lúc này Bác lấy tên Tống Văn Sơ) – Ảnh: LINH ĐOAN

“Trong cuộc sống hôm nay, chúng ta thấy có nhiều trường hợp tha hóa vì đồng tiền. Vì tiền mà người ta có thể bất chấp dẫn đến những hậu họa khó lường cho cộng đồng.

Tôi muốn dùng chuyện xưa nói chuyện nay, gieo nhân gì sẽ gặt quả đó.

Tuy nhiên tôi không chọn cái kết cay đắng mà cho con người sự thức tỉnh. Đó là góc nhìn nhân văn để người sai biết lối quay về” – Hòa Hiệp chia sẻ về đứa con tinh thần của mình.

Thạch Sùng – một ngày lạ lùng đem lại cho khán giả những tiếng cười ý nhị cũng là động lực cho Hòa Hiệp mong muốn phát triển thành một vở hài kịch trọn vẹn trong tương lai.

Hòa Hiệp - Ảnh 4.

Tiết mục hát bội Trần Hưng Đạo – Bạch Đằng lưu huyết của sinh viên Hà Trí Nhơn – Ảnh: LINH ĐOAN

Cải lương, hát bội… làm nóng sân khấu

Ngoài Hòa Hiệp, trong đêm thi tối 20-5, khán giả còn bắt gặp những gương mặt nghệ sĩ trẻ quen thuộc ở lĩnh vực cải lương, hát bội.

Cô đào trẻ Lệ Trinh xuất hiện nhiều ở các vở cải lương của sân khấu Sen Việt, Vũ Luân, Lê Nguyễn Trường Giang…, nay thử sức đạo diễn với tiết mục Tổ quốc nơi cuối con đường (tác giả: Lê Thu Hạnh). 

Đây là vở từng được thầy cô, đạo diễn Lê Nguyên Đạt dàn dựng đi thi và đoạt huy chương vàng trong Liên hoan Cải lương toàn quốc.

Tổ quốc nơi cuối con đường khắc họa hình ảnh sáng ngời của Bác Hồ trong những ngày ngục tù vì theo đuổi con đường cách mạng, tìm tự do cho dân tộc.

Lệ Trinh cũng đảm nhiệm luôn vai diễn nhà báo người Pháp trong tiết mục.

Diễn viên Hà Trí Nhơn của Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM “đốt nóng” sân khấu với kịch bản Trần Hưng Đạo – Bạch Đằng lưu huyết (tác giả: NSND Đinh Bằng Phi – Sĩ Chức).

Hòa Hiệp - Ảnh 5.

Tiết mục Dẫn trạng đi thi của sinh viên Nhân Thành Nguyễn – Ảnh: LINH ĐOAN

Vở tập trung rất đông diễn viên đến từ nhà hát nơi anh công tác. Qua trích đoạn, Hà Trí Nhơn muốn phô diễn những tinh hoa của nghệ thuật hát bội từ các trình thức vũ đạo khó đến cách vẽ mặt các nhân vật, cách ca ngâm…

Còn sinh viên Nhân Thành Nguyễn thì đem đến vở kịch dân gian Dẫn trạng đi thi (cảm tác từ Trạng Lợn của tác giả Hoài Giao).