Hoài nghi về mô hình viện trợ “các bên cùng có lợi” của Mỹ dành cho Ukraine

Hoài nghi về mô hình viện trợ “các bên cùng có lợi” của Mỹ dành cho Ukraine

bởi

trong
Hoài nghi về mô hình viện trợ “các bên cùng có lợi” của Mỹ dành cho Ukraine

Chuyên gia và cựu sĩ quan quân đội Mỹ hoài nghi về tính hiệu quả của mô hình cung cấp vũ khí mới của Washington cho Ukraine (Ảnh: Reuters).

Tổng thống Mỹ Donald Trump thời gian qua đã công bố mô hình viện trợ mới cho Ukraine, được chính quyền của ông ca ngợi là đảm bảo “các bên cùng có lợi”.

Tuy nhiên, điều này đang làm dấy lên những ý kiến trong giới chuyên gia và tướng lĩnh Mỹ về việc liệu mô hình này có thực sự mang lại lợi ích lâu dài cho Ukraine hay không.

Mô hình mới này, yêu cầu các đồng minh châu Âu chi trả cho các vũ khí do Mỹ sản xuất gửi tới Kiev, đánh dấu sự chuyển hướng lớn so với các chiến lược viện trợ trước đây.

Theo quan điểm của Mỹ, mô hình này sẽ đảm bảo Ukraine vẫn có vũ khí, Mỹ thu được lợi ích từ xuất khẩu quốc phòng trong khi châu Âu tăng cường chi trả cho an ninh của các nước này.

Cách tiếp cận này, mà chính quyền ông Trump cho rằng sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ trong khi vẫn phù hợp với nguyên tắc “Nước Mỹ trên hết”, còn nhằm gây thêm sức ép lên Moscow.

Hôm 23/7, chính quyền ông Trump đã bật đèn xanh 2 thương vụ bán vũ khí tiềm năng cho Ukraine với tổng giá trị ước tính 322 triệu USD.

Tuy nhiên, nhiều cựu sĩ quan quân đội vẫn nghi ngờ về tác động thực tế của các thương vụ này.

Đại tá đã nghỉ hưu Richard Williams, một cựu binh có nhiều kinh nghiệm trong quân đội Mỹ và từng giữ vai trò lãnh đạo NATO, nói với Kyiv Post rằng dù thương vụ này “có lợi”, nhưng vẫn chưa đủ.

“Quan điểm của tôi là thương vụ này có lợi, nhưng tôi sẽ đánh giá cao hơn nếu trong gói đó có thêm Patriot”, ông nói.

Ông cũng nhấn mạnh rằng một khoản viện trợ chuyển giao trực tiếp, thay vì bán, sẽ gửi đi thông điệp mạnh mẽ hơn về cam kết của Mỹ đối với đồng minh.

Amos Fox, Đại tá lục quân Mỹ đã nghỉ hưu và hiện là nghiên cứu viên tại Sáng kiến An ninh Tương lai thuộc Đại học bang Arizona, cho rằng với mô hình cung cấp vũ khí hiện tại từ phương Tây, Ukraine “không có khả năng làm gì nhiều ngoài việc phòng thủ”.

Ông nhận định loạt cuộc tấn công bằng UAV gần đây của Nga vào Ukraine “đã khiến chính quyền Mỹ giật mình”, phơi bày điểm hạn chế của hệ thống phòng thủ hiện tại mà Kiev đang sở hữu.

Quyết định cung cấp thêm các khí tài như tên lửa phòng không HAWK là sự thừa nhận rõ ràng rằng “những gì Ukraine có hiện tại là không đủ để đối phó với mối đe dọa”.

Theo ông Fox, chính sách của Mỹ hiện đang ở trạng thái phản ứng đơn lẻ, xử lý từng cuộc khủng hoảng thay vì triển khai một chiến lược quy mô lớn, chủ động nhằm giúp Ukraine giành được chiến thắng cuối cùng.

Đầu tuần trước, ông Trump đã đưa ra tối hậu thư kéo dài 50 ngày, cảnh báo áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm khắc lên Nga, nếu một thỏa thuận hòa bình không được đạt được vào đầu tháng 9.

Tuy nhiên, tối hậu thư 50 ngày này cũng vấp phải sự hoài nghi. Ông Fox thừa nhận không kỳ vọng sẽ có bước ngoặt lớn trong thời gian tới.

“Tôi không kỳ vọng nhiều”, ông dự đoán rằng Mỹ sẽ chỉ tăng cường dần các khả năng phòng thủ cho Ukraine.

Ông không cho rằng sẽ có “bất kỳ sự gia tăng đáng kể nào về năng lực hay viện trợ có thể giúp Ukraine đẩy lùi các đợt tấn công của Nga”.

Ông dự đoán, sự hỗ trợ của Mỹ ở giai đoạn kế tiếp có thể sẽ chỉ nhằm cố gắng ngăn kịch bản tiền tuyến của Ukraine bị sụp đổ, chứ Kiev khó có thể kỳ vọng sẽ phản công thành công với nguồn lực hiện tại.

“Tôi cho rằng mọi thứ sẽ cứ kéo dài như hiện tại bởi vì chúng ta không cung cấp đủ năng lực cho Ukraine để buộc Nga phải đưa ra quyết định chính trị”, ông Fox nói.

Theo ông Fox, câu hỏi then chốt là cách định nghĩa “chiến thắng”.

Nếu mục tiêu là giành lại toàn bộ các vùng lãnh thổ Nga đang kiểm soát, Ukraine cần “bộ binh, thiết giáp và hỏa lực”.

Ông nhấn mạnh rằng UAV không thể giữ lãnh thổ. “Bạn không thể giữ lãnh thổ chỉ bằng UAV. Cuối cùng, vẫn cần người có mặt trên chiến trường”, ông nói.

Ông Fox cho rằng đây là thách thức chiến lược cốt lõi của Ukraine: Đẩy lùi lực lượng Nga và duy trì quyền kiểm soát sau đó. Ukraine không thể so sánh với Nga cả về nguồn lực binh sĩ lẫn vũ khí và các gói viện trợ hiện tại rất khó để xử lý được vấn đề này.

Nếu cuối cùng Ukraine định nghĩa chiến thắng là ngăn chặn được các cuộc tiến công tiếp theo thay vì tái kiểm soát lãnh thổ, ông Fox đề xuất phương Tây nên tập trung viện trợ nhằm vào các năng lực phòng thủ mang tính ngăn chặn.

Sự lựa chọn khó khăn này phản ánh thực tế mà Ukraine đang đối mặt: Mức độ hỗ trợ quốc tế hiện tại, ngay cả theo mô hình “các bên cùng có lợi”, có thể chỉ đủ để Ukraine duy trì thế phòng ngự, chứ không đủ để giành chiến thắng quyết định.