Học dạy con như người mẹ nông dân của thần đồng Trần Đăng Khoa

Học dạy con như người mẹ nông dân của thần đồng Trần Đăng Khoa

bởi

trong
Học dạy con như người mẹ nông dân của thần đồng Trần Đăng Khoa

Bà Phạm Hồng Tuyến (áo đỏ) chia sẻ về mẹ trong buổi ra mắt bộ sách của mẹ do bà biên soạn lại – Ảnh: BTC

TS giáo dục học Nguyễn Thụy Anh (đồng thời là một nhà thơ) chia sẻ về người mẹ nông dân đặc biệt tinh tế của thần đồng thơ Trần Đăng Khoa mà bà thấy được từ bộ sách Chìa khóa vào thế giới trẻ thơ của PGS.TS Nguyễn Ánh Tuyết (người vợ quá cố của nhạc sĩ Phạm Tuyên) và con gái Phạm Hồng Tuyến.

Đây là bộ sách 2 tập mỏng được bà Phạm Hồng Tuyến “làm mới” từ cuốn sách Giáo dục mầm non – Những vấn đề lý luận và thực tiễn của mẹ bà, xuất bản năm 2004 và tái bản nhiều lần.

Người mẹ nghệ sĩ của Trần Đăng Khoa

Trong bộ sách Chìa khóa vào thế giới trẻ thơ, PGS Nguyễn Ánh Tuyết nhấn mạnh vai trò của nghệ thuật trong việc hình thành nhân cách của trẻ.

Những đứa trẻ sớm được nghe đọc thơ, kể chuyện, nghe hát, nghe nhạc… sẽ sớm cảm nhận được thế giới xung quanh bằng sự đồng cảm. Và bà dẫn trường hợp thần đồng Trần Đăng Khoa và người mẹ nông dân tinh tế, hiểu biết của thần đồng.

Bà Thụy Anh cho biết, những trang mô tả cách dạy con của bà mẹ nhà thơ Trần Đăng Khoa là những dòng chỉ dẫn hiệu quả khiến người đọc thấu hiểu sâu sắc vai trò của giáo dục gia đình.

Đọc sách, bạn đọc sẽ bắt gặp một người phụ nữ nông dân ở làng quê huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương với kho thơ ca, tích truyện cổ và tâm hồn nhạy cảm của người mẹ đã có cách ứng xử đầy tôn trọng, nâng niu, rất sư phạm với những đứa con của mình.

Gặp mẹ Trần Đăng Khoa nhiều lần, bà Ánh Tuyết nhận ra đó là một người mẹ có văn hóa. Không phải ngẫu nhiên mà tất cả bốn người con của bà đều yêu thích nghệ thuật, biết làm thơ, hát chèo.

Cả bốn anh chị em đều được cái may mắn là ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời đã được tiếp xúc ngay với một người nghệ sĩ. Đó chính là người mẹ của mình.

Câu chuyện bà mẹ ấy nán lại bên ngoài, không làm ầm lên, không can thiệp thô bạo khi thấy cô con gái nhỏ Thúy Giang trèo lên bếp “ăn vụng” cá, theo bà Thụy Anh, thực sự là một thông điệp thấm thía gửi đến các bậc làm cha mẹ.

Đó là nghệ thuật sư phạm, là giáo dục gia đình thấm đẫm tình yêu mà bà Ánh Tuyết nhận ra ở người mẹ nông dân này sau bao ngày bà lóc cóc đạp xe từ Hà Nội về Nam Sách, Hải Dương, đèo theo con gái Hồng Tuyến để làm nghiên cứu.

Trần Đăng Khoa - Ảnh 2.

Bộ sách Chìa khóa vào thế giới trẻ thơ – Ảnh: T.ĐIỂU

Bộ sách “nghèn nghẹn hạnh phúc”

Nói về bộ sách này, bà Thụy Anh cho biết đọc phần nào, đoạn nào của hai cuốn sách bà cũng thấy “nghèn nghẹn nơi tim vì cảm giác hạnh phúc”. Đây là cuốn sách khoa học nhưng không khiến người ta lạc đường trong thế giới học thuật, mà thấy rất nhiều tình cảm trong đó.

Bà Ánh Tuyết đã không viết bộ sách chỉ với vai một nhà khoa học, mà còn với vai một người mẹ hạnh phúc. Bộ sách mang đến nhiều thông điệp quý giá trong việc nuôi dưỡng, dạy dỗ những đứa trẻ mầm non cho các bố mẹ và những người làm giáo dục trẻ em.

Bà Thụy Anh nói bộ sách vang lên một thông điệp quan trọng: Hãy nương vào từng đứa trẻ, mỗi đứa trẻ cần cách tiếp cận, cách dạy dỗ khác nhau để nó nở ra bông hoa chính nó.

Một gửi gắm khác từ tác giả bộ sách khiến bà Thụy Anh rất chia sẻ. Theo tác giả Ánh Tuyết, những em bé tuổi mầm non rất cần sự gắn bó chặt chẽ với mẹ.

Bà Thụy Anh hiểu mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng bà tin rằng nếu các bậc cha mẹ đọc bộ sách này thì sẽ biết điều cần làm hơn cho con mình là sắp xếp cuộc sống để con không bị tách khỏi mẹ những năm tháng đầu đời.

Chia sẻ về bộ sách, bà Phạm Hồng Tuyến nói thế giới của trẻ thơ là một ngôi nhà với nhiều phòng mà nếu không có chìa khóa thì rất khó bước vào.

Bà mong cuốn sách của hai mẹ con bà sẽ cung cấp cho các bậc cha mẹ, những thầy cô chiếc chìa khóa để bước vào thế giới kỳ diệu ấy, trong niềm hạnh phúc. Làm bạn, nói chuyện cùng với con, ngay từ bé.