Học ngành công nghệ kỹ thuật hạt nhân: Cơ hội việc làm thế nào?

Học ngành công nghệ kỹ thuật hạt nhân: Cơ hội việc làm thế nào?

bởi

trong
Học ngành công nghệ kỹ thuật hạt nhân: Cơ hội việc làm thế nào?

TS Nguyễn Đăng Toản – trưởng khoa Khoa Năng lượng mới (EPU) – giới thiệu với sinh viên về nhu cầu về các nguồn năng lượng trong tương lai – Ảnh: HÀ QUÂN

Năm học 2025 – 2026, Trường đại học Điện lực (EPU) dự kiến tuyển 60 sinh viên cho hai chuyên ngành điện hạt nhân và công nghệ bức xạ ứng dụng.

Cơ hội việc làm rộng mở

Theo TS Nguyễn Đăng Toản – trưởng khoa Khoa Năng lượng mới (EPU), đây là bước đi vững chắc trong đào tạo nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn điện hạt nhân được nêu trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII sửa đổi).

Dự kiến, giai đoạn 2030 – 2035 sẽ vận hành các Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 với quy mô 4.000 – 6.400 MW.

EPU là trường có nhiều năm kinh nghiệm đào tạo các ngành học liên quan như điện, nhiệt, cơ khí, tự động hóa, công nghệ thông tin. Trong đó, Khoa Năng lượng mới có 4 ngành đào tạo trình độ đại học là Công nghệ kỹ thuật năng lượng, Kỹ thuật nhiệt, Công nghệ kỹ thuật hạt nhân và Công nghệ kỹ thuật môi trường,

Chương trình đào tạo ở khoa có thời lượng thực hành cao (khoảng 30%). Môn học được cập nhật phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị khoảng 2 năm/lần thông qua xét duyệt của hội đồng chuyên môn cấp trường và có các môn mới như chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI), khóa tham quan thực tế nhà máy.

Ví dụ, người học ngành Công nghệ kỹ thuật năng lượng có thể được đến các nhà máy điện gió, trang trại pin mặt trời, nhà máy điện sinh khối…

Sinh viên 2 chuyên ngành Điện hạt nhân và Công nghệ bức xạ ứng dụng sẽ có cơ hội thực tập tại Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Trung tâm chiếu xạ Hà Nội, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt…

Theo TS Toản, nhà máy điện hạt nhân là công trình lớn, có nhiều thành phần như tòa nhà chứa lò phản ứng, phòng tua bin, phòng máy phát điện hay các hệ thống điện – điện tử – làm mát – điều khiển – giám sát…

Như vậy, nhà máy điện hạt nhân hiện đại cần hàng trăm kỹ sư ở đủ lĩnh vực như nhiệt, điện, cơ khí, tự động hóa, vật liệu, xây dựng. Có thể nói ngành công nghệ kỹ thuật điện hạt nhân sẽ kéo theo sự phát triển của các ngành công nghiệp phụ trợ.

Về triển vọng việc làm, các bạn trẻ tốt nghiệp trình độ kỹ sư Công nghệ kỹ thuật hạt nhân có thể trở thành kỹ sư kiểm soát phản ứng, vận hành lò phản ứng hạt nhân, thiết kế – chế tạo – sử dụng các thiết bị dùng bức xạ trong y học, công nghiệp; kỹ sư mô phỏng các quá trình vật lý hạt nhân

Học ngành công nghệ kỹ thuật hạt nhân: Cơ hội việc làm thế nào? - Ảnh 2.

PGS TS Đinh Văn Châu – hiệu trưởng Trường đại học Điện lực (EPU) và GS Lim Hak-kyu – quyền hiệu trưởng Trường Năng lượng hạt nhân quốc tế của Kepco (Trường KINGS – Hàn Quốc) ký biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) – Ảnh: EPU

Học bổng lớn, “rộng cửa” du học nước ngoài

Là ngành công nghệ cao đặc thù, sinh viên công nghệ kỹ thuật hạt nhân được Chính phủ, nhà trường và các tổ chức trong và ngoài nước hỗ trợ, đồng hành. Đến nay, Trường đại học Điện lực đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với Nhà nước các suất học bổng, ưu đãi như miễn học phí, hỗ trợ học tập – nghiên cứu cho người học có thành tích cao.

EPU còn tăng cường hợp tác với Trường đại học Fukui, Đại học Công nghệ Nagaoka (Nhật Bản), Trường Năng lượng hạt nhân quốc tế của Kepco (Trường Kings – Hàn Quốc) để cấp học bổng cho sinh viên và trao đổi học thuật giữa các nhà nghiên cứu.

Dù vậy, ngành công nghệ kỹ thuật hạt nhân còn nhiều thách thức như chi phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành – nghiên cứu đắt đỏ, hay các nước Mỹ, Nga, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản có tiêu chuẩn và công nghệ khác biệt. Đặc biệt là tuyển sinh có thể sẽ khó khăn do yêu cầu sinh viên có nền tảng toán, lý rất cao trong khi các thí sinh điểm cao có nhiều lựa chọn.

Song, với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực phát triển điện hạt nhân, thầy cô khoa Năng lượng mới đều tin tưởng rằng các thách thức sẽ được giải quyết.

Trong đó, có cơ chế ưu tiên cho sinh viên đã tốt nghiệp đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chuyên ngành điện hạt nhân; lựa chọn, cử sinh viên đang học năm thứ nhất, thứ hai, năm ba đi trao đổi; đầu tư trọng điểm cho các cơ sở đào tạo…

“Môi trường học tập và làm việc trình độ cao giúp sinh viên nâng cao trình độ song các em phải chuẩn bị tâm thế tốt, có niềm đam mê, đặt tình yêu vào ngành, chủ động tìm kiếm cơ hội, làm việc cùng giảng viên, chuyên gia đầu ngành”, thầy Toản chia sẻ.