CHỌN NGHỀ, CÂN NHẮC KHẢ NĂNG ẢNH HƯỞNG CỦA AI
Trao đổi tại diễn đàn “Định vị giá trị Việt ở nước ngoài trong kỷ nguyên số và trí tuệ nhân tạo” do Diễn đàn Phụ nữ VN tại châu Âu tổ chức giữa tháng 6 vừa qua tại thủ đô Budapest, Hungary, ông Trần Côi, Giám đốc Công ty FPT Slovakia/FPT Cộng hòa Czech, cho rằng AI có thể gây ra thất nghiệp hàng loạt khi lấy đi công việc của rất nhiều người. Các dự báo cho thấy AI có thể thay thế hoàn toàn từ 5 – 10% công việc của con người. Khoảng 60% công việc thì AI có thể thay thế từng phần, và 30% công việc sẽ không bị AI thay thế.

Phụ nữ VN tại châu Âu tham gia diễn đàn bàn về AI và giải pháp thích ứng
ẢNH: THÚY HẰNG
Các mô hình AI sẽ rất khó thay thế con người trong các lĩnh vực cần sự sáng tạo, kỹ năng mềm như giao tiếp, sự đồng cảm, thấu hiểu, thích ứng. Đồng thời, các vị trí công việc trong các công ty cần tính sáng tạo, tính nghệ thuật, công việc chăm sóc khách hàng, công việc cần kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng ra quyết định, cũng rất khó để AI thay thế hiệu quả.
“Khi chọn nghề nghiệp, các bạn trẻ cần tìm hiểu công nghệ AI mới nhất sẽ ảnh hưởng tới nghề nghiệp của mình như thế nào, khả năng AI có thể làm được những tác vụ gì để mình tìm cách thích ứng. Tôi dẫn ra một câu nói hay của ông Ginni Rometty, Cựu giám đốc Công ty IBM “AI sẽ không thay thế con người, nhưng những ai sử dụng AI sẽ thay thế người chưa hề sử dụng AI””, ông Trần Côi nói.
TỰ HỌC SUỐT ĐỜI LÀ CHÌA KHÓA
PGS-TS Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết kỷ nguyên AI đang định hình lại giáo dục toàn cầu với 3 xu hướng chủ đạo: cá nhân hóa học tập, thu hẹp khoảng cách học tập, và chuyển đổi vai trò của giáo viên. Người dạy trở thành huấn luyện viên tri thức, tập trung thiết kế môi trường học tập sáng tạo và phát triển năng lực phản biện, liên ngành.
Như vậy, để thích ứng, cấp thiết phải chuyển đổi mô hình giáo dục từ “truyền đạt” sang “trao quyền”. AI không chỉ là công cụ hỗ trợ giảng dạy mà còn là chất xúc tác mạnh mẽ thúc đẩy quá trình dân chủ hóa tri thức, làm nổi bật vai trò của người học. Trong bối cảnh này, mô hình giáo dục hiện đại cần định hướng phát triển 4 nhóm năng lực cốt lõi. Thứ nhất là tư duy phản biện. Thứ hai là sáng tạo liên ngành, thể hiện qua việc kết nối kiến thức từ nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giữa khoa học, công nghệ và nghệ thuật (STEM). Thứ ba, tự học suốt đời. Và cuối cùng, là đạo đức số.

Thí sinh dùng ứng dụng Gemini ôn thi tốt nghiệp THPT
ảnh: Ngọc Long
“Đạo đức số là nền tảng không thể thiếu trong kỷ nguyên AI, cần được rèn luyện thông qua việc người học được tiếp cận các tình huống mô phỏng. Từ đó, người học hiểu rõ trách nhiệm công nghệ, từ bảo mật dữ liệu đến đối mặt với thiên kiến thuật toán (thiên kiến là xu hướng đưa ra quyết định hoặc diễn giải sự việc nghiêng về một bên nào đó – PV), tất cả đều được hỗ trợ bởi các công cụ AI giáo dục chuyên biệt”, PGS-TS Nguyễn Thị Hương trao đổi.
Trao đổi với PV Thanh Niên, anh Phan Đình Long Nhật, Giám đốc Công ty TNHH AIVOS chuyên về các sản phẩm ứng dụng AI, cho biết xét ở góc độ học đường, khi AI hiện diện mọi lúc mọi nơi thì việc ngăn cản học sinh, sinh viên sử dụng AI trong quá trình học tập là điều không khả thi. Song quan trọng nhất là gia đình và nhà trường giáo dục cho các em ý thức, đạo đức bắt buộc cần có khi sử dụng AI.
Phụ nữ VN không nằm ngoài tiến trình phổ cập AI
Tiến sĩ Phan Bích Thiện, Chủ tịch Diễn đàn Phụ nữ VN tại châu Âu, cho biết trong bối cảnh AI từng ngày thay đổi thế giới, người VN ở nước ngoài càng cần khẳng định bản sắc riêng của mình, từ ngôn ngữ, văn hóa, để hội nhập nhưng không hòa tan. Trong bối cảnh đó, người phụ nữ VN ở nước ngoài càng là sứ giả hàng đầu.
“Nhiều người cho rằng là phụ nữ thì không có độ nhạy cảm và không thể cảm nhận được AI. Nhưng ngược lại, thực tế chứng minh rằng phụ nữ rất sẵn sàng tham gia vào tiến trình học hỏi cũng như sử dụng AI vào công việc của mình. Không những thế, họ còn tham gia cả vào quá trình thiết kế, triển khai cũng như thực hiện và xây dựng các mô hình AI nữa”, bà Márta Mátrai, Phó chủ tịch thứ nhất Quốc hội Hungary, nói.