Lần đầu tiên tại Việt Nam, một phiên đồng thuận chuyên môn về kỹ thuật thay van động mạch chủ qua đường ống thông (TAVI) đã được tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước. Hội nghị Vietnam Valves 2025 là sự kiện khoa học đầu tiên tại Việt Nam chuyên sâu về kỹ thuật TAVI – một trong những phương pháp điều trị hiện đại nhất trong lĩnh vực tim mạch can thiệp. Hội nghị đã quy tụ hơn 600 chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước, mang đến những cập nhật khoa học quan trọng và các thống nhất chuyên môn có ý nghĩa chiến lược đối với hệ thống điều trị bệnh van tim tại Việt Nam.

“Chúng tôi tin rằng, những đồng thuận được hình thành tại hội nghị lần này sẽ là nền móng cho một lộ trình điều trị bệnh van tim hiện đại, an toàn và hiệu quả hơn cho người bệnh Việt Nam” – PGS. TS. BS. Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, Chủ tịch Hội nghị Vietnam Valves 2025
ẢNH: BẢO HẠO
Các phiên trình bày ca bệnh thực tế (live case) được truyền hình trực tiếp từ các trung tâm can thiệp lớn tại Việt Nam là điểm nhấn nổi bật của chương trình, giúp người tham dự tiếp cận trực tiếp với các tình huống lâm sàng phức tạp như giải phẫu bất thường, thất bại sau phẫu thuật hoặc van sinh học cũ suy chức năng. Thông qua đó, đội ngũ y tế trong nước có cơ hội học hỏi trực tiếp về kỹ thuật xử trí, cập nhật xu hướng điều trị mới và nhấn mạnh vai trò thiết yếu của phối hợp đa chuyên khoa (Heart Team) trong thành công của TAVI.
Hội nghị Vietnam Valves 2025: Mở rộng triển vọng điều trị bệnh van tim tại Việt Nam
Hội nghị Vietnam Valves 2025 đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết khoảng trống chuyên môn. Nhiều nội dung nổi bật đã được trình bày và thảo luận sâu sắc, bao gồm các tiến bộ mới trong thiết kế van sinh học, chiến lược tối ưu hóa quy trình đặt van, phương pháp dự phòng và xử trí biến chứng như hở cạnh van, van kẹt, hoặc đặt lại van trên nền van sinh học cũ. Đặc biệt, các nghiên cứu quốc tế gần đây chứng minh rằng TAVI không chỉ phù hợp với người bệnh nguy cơ cao mà đang dần trở thành lựa chọn ưu tiên cho nhóm người bệnh trẻ, nguy cơ thấp, mở ra khả năng ứng dụng rộng rãi hơn trong thực hành lâm sàng tại Việt Nam.