
Chị chưa từng chủ động chi gì khi đi với gia đình chồng; đi ăn, đi chơi, đám giỗ bên nội, người rút ví luôn là anh hoặc má tôi.
Tôi vẫn nhớ như in ngày đầu tiên anh tôi dẫn chị ấy về ra mắt. Chị không nói nhiều, mặt lúc nào cũng giữ nét bình thản, khó đoán là ngại ngùng hay lạnh lùng. Hôm đó tôi được phân công đi chợ cùng chị. Vậy mà từ đầu chợ đến cuối chợ, không thấy chị ấy mở ví lần nào.
Mọi thứ tôi đều trả, trong đầu tự nhủ chắc chị chưa quen, để lần sau xem sao. Nhưng mười mấy năm rồi, chẳng có lần sau nào khác. Chị chưa từng chủ động chi một đồng khi đi với gia đình chồng. Đi ăn, đi chơi, đi đám giỗ bên nội, người rút ví luôn là anh tôi, hoặc má tôi. Có người nói, chị không giàu tiền nhưng giàu tình cảm là được. Thế nhưng ngay cả sự quan tâm nhỏ nhất, tôi cũng ít thấy. Những lúc nhà tôi có chuyện, người chạy tới chạy lui vẫn là anh tôi, chưa bao giờ là chị.
Còn anh tôi vẫn cam chịu như ngày đầu. Anh ít than vãn, ít tâm sự, chỉ âm thầm gồng gánh. Mỗi lần nhắc đến chuyện chi tiêu trong nhà, anh chỉ cười trừ, bảo anh quen rồi. Tôi nhìn anh thấy thương, cũng giận nữa. Thương vì anh quá nhẫn nhịn, giận vì anh để cho bản thân bị đối xử như thế từng ấy năm. Tôi không biết chuyện giữa hai vợ chồng họ đằng sau như thế nào. Nhưng tôi biết, khi một người luôn cho đi mà không nhận lại, họ sẽ dần mỏi mệt. Người bên cạnh quen dần với sự hy sinh đó, đến mức tưởng nó là đương nhiên.
Người trong gia đình không phải lúc nào cũng sòng phẳng, nhưng nếu mãi chỉ một người cố gắng, dù có giấy kết hôn cũng khó giữ được tình nghĩa. Tôi không ghét chị, chỉ là đến giờ, tôi vẫn chưa thấy chị thật sự muốn thuộc về gia đình này. Buồn nhất là anh tôi vẫn im lặng chịu đựng như thói quen suốt thời gian qua.
Quỳnh Hoa