Hơn 50 năm kết hôn, cụ ông U70 chờ ngày “lịch sử” để nhận giấy chứng nhận

Hơn 50 năm kết hôn, cụ ông U70 chờ ngày “lịch sử” để nhận giấy chứng nhận

bởi

trong

Chỉ mất 15 phút là có kết quả

7h30 ngày 1/7, nhiều người dân đã có mặt từ sớm tại UBND phường Hiệp Bình (TPHCM) để chờ hoàn tất các thủ tục hành chính. 

Ngay tại cửa ra vào, đơn vị bố trí cán bộ túc trực, hướng dẫn người dân lấy số thứ tự từ máy phát số tự động, với các hạng mục tùy theo nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính của người dân.

Hơn 50 năm kết hôn, cụ ông U70 chờ ngày “lịch sử” để nhận giấy chứng nhận

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại phường Hiệp Bình, TPHCM (Ảnh: Nguyễn Vy).

Người dân sau khi nhận số sẽ ngồi chờ trong phòng được trang bị đầy đủ điều hòa, chờ phát loa đọc số thứ tự và đến đúng quầy làm thủ tục.

Cán bộ tại các quầy giải quyết thủ tục hành chính vừa phụ trách giải quyết hồ sơ, vừa hướng dẫn người dân. Trong phòng chờ, UBND phường Hiệp Bình còn bố trí riêng quầy hỗ trợ làm hồ sơ trực tuyến.

Hơn 50 năm kết hôn, cụ ông U70 chờ ngày lịch sử để nhận giấy chứng nhận - 2

Quầy hỗ trợ làm hồ sơ trực tuyến tại UBND phường Hiệp Bình (Ảnh: Nguyễn Vy).

Ngồi tại phòng chờ, ông Nguyễn Trí Thân (69 tuổi), ngụ tại phường Hiệp Bình Chánh (cũ), chia sẻ ông cảm thấy vô cùng háo hức khi đến làm thủ tục tại UBND phường mới.

Ông Thân chia sẻ rằng ông đã kết hôn hơn 50 năm nhưng vợ chồng ông chưa từng đăng ký giấy chứng nhận, do gặp khó khăn trong quá trình chuẩn bị các giấy tờ, hồ sơ liên quan.

Những năm gần đây, do được các con hối thúc, vợ chồng ông đã cố gắng tổng hợp đủ hồ sơ rồi cùng đến đăng ký chứng nhận kết hôn ở phường Hiệp Bình Chánh (cũ). 

Tuy nhiên, khi biết tin ngày 1/7, phường Hiệp Bình Chánh sẽ hợp nhất với các phường khác, trở thành phường Hiệp Bình mới, cùng cả nước đi vào vận hành chính quyền 2 cấp, ông Thân quyết định không vội mà chờ đến ngày này mới đến UBND phường nhận giấy chứng nhận.

“Lần đầu nhận giấy chứng nhận kết hôn sau hơn 50 năm lấy vợ, cảm xúc khó tả lắm. Vợ chồng tôi rất háo hức nhưng quyết định chờ đến ngày hôm nay mới nhận giấy. Bởi ngày này là khoảnh khắc lịch sử của cả nước, cũng sẽ khiến khoảnh khắc riêng của chúng tôi cũng trở nên đặc biệt hơn”, ông Thân trải lòng. 

Hơn 50 năm kết hôn, cụ ông U70 chờ ngày lịch sử để nhận giấy chứng nhận - 3

Ông Nguyễn Trí Thân háo hức trong ngày đầu đến làm thủ tục tại trụ sở UBND phường mới (Ảnh: Nguyễn Vy).

Ông Thân chia sẻ đây là lần đầu tiên ông đến trụ sở này để làm hồ sơ. Khi nghe phường Hiệp Bình Chánh sẽ hợp nhất với các phường khác, ông không khỏi lo lắng mất nhiều thời gian để di chuyển đến UBND phường mới, e ngại các thủ tục trong ngày đầu thay đổi sẽ rườm rà, chưa thuận tiện.

“Tuy nhiên, hôm nay khi tự mình đi đến, tôi mới thấy không có gì khó khăn mà ngược lại thời gian giải quyết cũng nhanh hơn mọi khi. Quãng đường từ trụ sở UBND cách nhà chỉ 15 phút đi xe máy, khiến tôi yên tâm hơn”, ông Thân bộc bạch.

Ông Trí Thân cho biết dù sau sáp nhập, phường Hiệp Bình mới có số lượng dân đông hơn, nhưng ông không mất nhiều thời gian làm thủ tục hành chính. Ông chỉ chờ khoảng 15 phút là hoàn tất các thủ tục nhận giấy chứng nhận kết hôn.

“Tôi hy vọng sắp tới, địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai, hướng dẫn cho người dân về các thủ tục hành chính trên nền tảng số. Từ đó, chúng tôi vừa tiết kiệm thời gian, công sức đi lại, các thủ tục hành chính cũng được giải quyết nhanh gọn hơn, dữ liệu cũng được lưu trữ dễ dàng hơn”, ông Thân nói.

Tăng cường đào tạo cán bộ, sẵn sàng “thực chiến” chính quyền số

Ông Trần Quốc Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Hiệp Bình, cho hay trong ngày đầu vận hành chính quyền 2 cấp, mọi thủ tục, hồ sơ của người dân đều được giải quyết nhanh chóng, thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính trên nền tảng số của dịch vụ công quốc gia.

Được biết, phường Hiệp Bình được thành lập từ việc sáp nhập nguyên trạng phường Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước và một phần phường Linh Đông. Phường Hiệp Bình có diện tích 16,01km2, dân số 191.878 người, là một trong những đơn vị hành chính cấp xã đông dân của TPHCM.

Ông Hưng chia sẻ sau khi hợp nhất, phường Hiệp Bình có địa bàn quản lý rộng hơn, số lượng người dân đông hơn. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã tiếp nhận gần 200 thủ tục hành chính từ cấp huyện, đưa vào vận hành với tổng số là 368 thủ tục.

Vì thế, điều này khiến khối lượng công việc của cán bộ tăng lên.

Hơn 50 năm kết hôn, cụ ông U70 chờ ngày lịch sử để nhận giấy chứng nhận - 4

Cán bộ tại UBND phường Hiệp Bình (Ảnh: Nguyễn Vy).

“Cán bộ tại đơn vị phải tiếp cận, nhận diện các thủ tục mới vừa tiếp nhận từ cấp huyện. Người dân cũng chưa thành thạo hình thức nộp hồ sơ trực tuyến, do đó cần phải phát huy tổ tuyên truyền hoặc công nghệ cộng đồng, để hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến có hiệu quả hơn”, ông Hưng nói.

Tuy nhiên, ông nhận định trong ngày đầu vận hành chính quyền 2 cấp, mọi thủ tục đều được giải quyết dễ dàng, trơn tru. UBND phường Hiệp Bình có 23 cán bộ, với thời gian giải quyết cho mỗi thủ tục trung bình là 5-6 phút.

“Trước đó, UBND phường Hiệp Bình đã cùng các đơn vị liên quan đồng loạt đào tạo cho cán bộ, chuẩn bị sẵn sàng trong ngày vận hành chính thức. Chúng tôi cũng đang tiếp tục đào tạo lại, tạo cơ hội cho cán bộ “thực chiến” làm quen với bộ máy vận hành mới”, ông Hưng cho hay.

Trước đó, tại cuộc họp chuyên đề về chuyển đổi số của Bộ Nội vụ sáng 4/4, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà yêu cầu tập trung xây dựng thể chế liên quan nhiệm vụ tổ chức chính quyền địa phương mới gắn với tinh thần Nghị quyết 57 về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Tại buổi làm việc với Tổng Bí thư Tô Lâm hôm 18/6, TPHCM cũng đã đưa ra nhiều đề xuất về cơ chế, chính sách, thu hút nguồn lực để thúc đẩy kinh tế – xã hội của TPHCM mới.

Trong đó, TPHCM đề xuất Chính phủ rà soát, xem xét ban hành cơ chế đặc thù, “luồng xanh” thu hút nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước về quy hoạch, cấp phép xây dựng, lựa chọn nhà đầu tư, cấp phép lao động để tạo thu hút nhà đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng khoa học công nghệ, chuyển đổi số….

ThS Nguyễn Tuấn Anh, công tác tại Tổng Công ty công nghiệp Sài Gòn, nhận định trong những năm qua, TPHCM đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong quá trình chuyển đổi số, đặc biệt là ở cấp thành phố và một số sở, ngành trọng điểm.

ThS Nguyễn Tuấn Anh khẳng định TPHCM đang đứng trước một cơ hội lớn để tái thiết lại bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả và hiện đại hơn, đặc biệt trong bối cảnh chính quyền đô thị 2 cấp chính thức vận hành.

Để tối ưu hóa hiệu quả công tác chuyển đổi số, ông đề xuất thành phố có thể đào tạo lại đội ngũ cán bộ, công chức theo chuẩn “công chức số”. Từ kỹ năng sử dụng các hệ thống quản lý thông minh, khai thác dữ liệu lớn, đến tư duy thiết kế dịch vụ công lấy người dân làm trung tâm. Cần xác định rõ các năng lực số tối thiểu bắt buộc cho từng vị trí việc làm, đồng thời thiết kế chương trình huấn luyện gắn với tình huống thực tế thay vì chỉ dừng lại ở tập huấn chung chung.