Quyết định này làm nổi bật những vấn đề đang được quan tâm liên quan đến công tác tổ chức và quy trình chấm thi của cuộc thi, đặc biệt là việc thay đổi cơ cấu nhóm lĩnh vực chấm thi không tuân thủ quy định đã ban hành, dấy lên quan ngại về tính công bằng và minh bạch trong đánh giá khoa học.

Cuộc thi KHKT cấp quốc gia năm học 2024-2025 thu hút sự tham gia của 212 dự án xuất sắc từ các trường THCS và THPT trên toàn quốc, với cơ cấu giải thưởng ban đầu được công bố gồm 12 giải Nhất, 36 giải Nhì, 36 giải Ba và 36 giải Tư, tổng cộng 120 giải được trao.
Căn cứ theo Thông tư 06.2024/TT-BGDĐT ngày 10.4.2024 của Bộ GD-ĐT ban hành Quy chế Cuộc thi, các dự án đã được đăng ký tham gia theo 22 lĩnh vực nghiên cứu chuyên biệt, được quy định chi tiết tại Phụ lục 1 của Thông tư. Việc phân loại này nhằm đảm bảo các dự án được đánh giá bởi Hội đồng giám khảo có chuyên môn phù hợp với lĩnh vực nghiên cứu cụ thể.
Tuy nhiên, đến ngày 14.3.2025, Ban Tổ chức (BTC) và Hội đồng thi đã tiến hành tái cơ cấu lại nhóm chấm thi, gom 22 lĩnh vực đã được đăng ký thành chỉ còn 06 nhóm lĩnh vực chung. Việc này được thực hiện mặc dù các lĩnh vực gốc có sự khác biệt lớn về bản chất, phương pháp nghiên cứu và nội dung chuyên môn, điều chưa từng xảy ra trong tiền lệ các kỳ thi tương tự do Bộ GD-ĐT tổ chức.
Sự tái cơ cấu này được thực hiện một cách không đồng nhất giữa các nhóm: Nhóm 01 gộp tới 7 lĩnh vực, Nhóm 04 gộp 2 lĩnh vực, trong khi một số nhóm (05, 06) giữ nguyên cấu trúc lĩnh vực đơn lẻ. Cơ cấu gộp nhóm thiếu logic chuyên môn này được cho là đã tạo ra sự thiếu công bằng trong môi trường cạnh tranh học thuật. Các dự án thuộc các lĩnh vực bị gộp vào nhóm lớn gặp bất lợi do tính đa dạng quá cao của các đề tài cần đánh giá trong cùng một nhóm, trong khi các dự án ở nhóm không bị gộp có lợi thế được chấm bởi Hội đồng có thể tập trung chuyên môn hơn.
Ví dụ điển hình là Nhóm 01 gộp các lĩnh vực khác biệt sâu sắc như Khoa học Động vật (nghiên cứu hành vi, sinh thái động vật) với Kỹ thuật Y Sinh (chế tạo thiết bị y tế, vật liệu sinh học) và Y Sinh & Khoa học Sức khỏe (chuẩn đoán, điều trị bệnh, nghiên cứu dược liệu). Tương tự, Nhóm 02 gộp Hóa học (bao gồm Hóa vô cơ, hóa hữu cơ) với Kỹ thuật Môi trường – những lĩnh vực đòi hỏi kiến thức nền tảng và phương pháp nghiên cứu khác nhau đáng kể.
Điều này dấy lên câu hỏi nghiêm túc về năng lực chuyên môn của Hội đồng giám khảo được phân công chấm các nhóm gộp nhiều lĩnh vực. Liệu thành viên Hội đồng có đủ kiến thức và kinh nghiệm cần thiết để đánh giá công tâm và chính xác các dự án thuộc các lĩnh vực rất khác nhau trong cùng một nhóm chấm? Nguy cơ đánh giá hời hợt hoặc thiếu căn cứ chuyên sâu do sự phân tán về chuyên môn trong Hội đồng là một quan ngại chính, ảnh hưởng trực tiếp đến độ tin cậy của kết quả chấm thi, bao gồm cả các giải thưởng đã công bố và giải Nhất vừa bị hủy.
Trước thực trạng này, các bên liên quan đã có kiến nghị gửi tới Hội đồng thi và Bộ GD&ĐT. Kiến nghị yêu cầu Hội đồng thi nghiêm túc tuân thủ Quy chế thi tại Thông tư 06/2024/TT-BGDĐT, trong đó quy định rõ việc phân loại dự án theo 22 lĩnh vực chuyên biệt và không thực hiện việc gộp các lĩnh vực khác nhau vào cùng nhóm chấm thi nhằm đảm bảo sự nhất quán và tuân thủ quy định.
Đồng thời, kính đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét, tiến hành rà soát một cách khách quan và kỹ lưỡng kết quả chấm thi của các nhóm lĩnh vực 01 và 02 – hai nhóm bị gộp nhiều lĩnh vực khác biệt – nhằm đảm bảo tính chính xác, công bằng và minh bạch, từ đó củng cố uy tín và mục tiêu giáo dục của cuộc thi, lấy lại niềm tin cho cộng đồng khoa học học đường.
Vụ việc hủy giải Nhất cùng với những vấn đề về quy trình tổ chức và chấm thi tại Cuộc thi KHKT cấp quốc gia năm 2025 đã đặt ra yêu cầu cấp bách về việc xem xét và hoàn thiện các quy định, quy trình nhằm đảm bảo một môi trường cạnh tranh học thuật công bằng, khuyến khích đúng mức năng lực nghiên cứu khoa học của học sinh trên cơ sở tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc khoa học và quy chế thi đã được ban hành.