Hủy giải nhất khoa học kỹ thuật quốc gia của nhóm học sinh bị ‘tố’ sao chép

Hủy giải nhất khoa học kỹ thuật quốc gia của nhóm học sinh bị ‘tố’ sao chép

bởi

trong

Giải nhất khoa học kỹ thuật quốc gia của học sinh THPT Nguyễn Siêu, Hưng Yên, bị hủy, sau phản ánh sao chép của một kỹ sư ở Indonesia.

Ngày 29/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ thu hồi giải thưởng, giấy chứng nhận đạt giải của dự án “Hệ thống phân loại rác thông minh tích hợp trí tuệ nhân tạo và cảm biến âm thanh” do học sinh trường này thực hiện.

“Sở Giáo dục và Đào tạo Hưng Yên có trách nhiệm xử lý nghiêm tập thể, cá nhân vi phạm theo quy định hiện hành, báo cáo Bộ trước 30/4”, Bộ yêu cầu.

Quyết định của Bộ không nêu lý do.

Cuối tháng 3, dự án của học sinh trường THPT Nguyễn Siêu được Bộ trao giải nhất Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia. Tuy nhiên, nhiều người nhận thấy dự án này giống với một sản phẩm phân loại rác thải của kỹ sư Samuel Alexander ở Indonesia. Sản phẩm của Alexander được công bố hồi năm 2023 trên Hackaday.io – nền tảng chia sẻ trực tuyến của các nhà sản xuất, phát minh, đam mê công nghệ.

Giới thiệu trên poster dự thi, hai học sinh cho biết sản phẩm phân loại rác bằng cảm biến âm thanh, ứng dụng mô hình CNN (học máy) trong trí tuệ nhân tạo (AI).

Thạc sĩ Phan Văn Hiệp, giảng viên khoa Kỹ thuật – Công nghệ, trường Đại học Văn Hiến, nhận định đề tài có dấu hiệu đạo nhái rất rõ, vi phạm liêm chính khoa học và quy chế cuộc thi.

“Ý tưởng có thể trùng nhau nhưng đến phương pháp triển khai cũng giống nhau thì không thể nào là vô tình trùng hợp”, ông Hiệp nói.

Cụ thể, cả hai dự án đều dựa trên ý tưởng thu thập âm thanh tạo ra do tác động của rác thải va vào vách thùng, rồi phân tích chúng theo kiểu học máy để ra quyết định đưa chúng vào thùng chứa nào.

Cả hai cũng sử dụng AI để điều khiển kết cấu cơ khí nhằm xoay thùng rác đến vị trí tương ứng và mở nắp thùng rác.

Loại rác thải được phân loại chủ yếu chỉ bao gồm: giấy, kim loại, nhựa…

“Xem video vận hành của nhóm học sinh Hưng Yên và của kỹ sư Samuel Alexander, tôi nhận thấy quá trình sử dụng của hai thiết bị giống nhau hoàn toàn. Thiết bị của Samuel có hình thức gọn, đẹp và chắc chắn hơn”, ông Hiệp đánh giá.

Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia (VISEF) năm 2025 diễn ra ngày 19-21/3 tại trường Đại học Tôn Đức Thắng, TP HCM. Cuộc thi thu hút 212 dự án của 71 đội tham gia, tăng 63 so với năm ngoái.

Tổng số giải cũng tăng 5-20%. Ngoài 12 giải nhất, mỗi nhóm nhì, ba, tư đều có 36 giải.

Thí sinh đoạt giải ba trở lên được xét tuyển thẳng vào đại học theo ngành phù hợp với nội dung đề tài dự thi.

Thanh Hằng – Nguyễn Lệ