
Tại sao có học sinh qua được 12 năm học phổ thông, học bạ đẹp không tì vết, mà lại ‘vỡ trận’ ở kỳ thi tốt nghiệp?
Năm nay, nhiều phụ huynh “bật ngửa” khi con có điểm học bạ cao ngất trời nhưng điểm thi tốt nghiệp lại rất thấp. Điều này không mới. Suốt bao năm qua, điểm học bạ đã trở thành một “ảo tưởng” khiến bao thí sinh mang tiếng học giỏi vẫn trượt nguyện vọng 1.
Không thể đổ lỗi hoàn toàn cho giáo viên. Họ cũng chịu áp lực: “Cả làng điểm cao, học trò mình thấp thì thiệt”. Nhiều người vì không muốn học trò bị lép vế nên miễn cưỡng cho điểm cao. Nhưng cuối cùng, cả xã hội lãnh hậu quả. Những người học thật, thi thật bị đẩy ra rìa bởi cơ chế xét tuyển học bạ tràn lan, không kiểm soát từ ngành Y, Kỹ thuật, đến Sư phạm…
Cái giá là gì? Là một thế hệ trí thức, kỹ sư, cử nhân ra trường nhưng thiếu năng lực nền tảng, thiếu kỹ năng, thậm chí thiếu cả đạo đức nghề nghiệp. Khi sự gian dối len vào hệ thống, nó không chỉ tạo ra những con người yếu kém mà còn tiếp tục sinh ra các sản phẩm lỗi, lối sống thực dụng, ích kỷ, và một xã hội cạnh tranh không còn lành mạnh.
Nhiều năm qua, rất nhiều trường đại học xét tuyển với một mức điểm chuẩn cho tất cả tổ hợp, bất kể khối A00 có đề Toán, Lý, Hóa khó gấp nhiều lần khối D01, D07 – nơi môn Văn dễ chấm cảm tính, tiếng Anh thì “phổ cập điểm 9”. Đã có hàng triệu học sinh khối A00 lặng lẽ chịu thiệt.
>>
Năm nay, khi môn Tiếng Anh khó hơn, khối D có phần thiệt. Nhưng xin hỏi: nhiều năm qua, ai đã cảm thông cho những học sinh khối A00, B00 – những em chọn học KHTN gian nan, ít ưu đãi, lại bị lép vế trong tuyển sinh? Nhiều học sinh yếu Toán, Lý, Hóa… nhưng buộc phải từ bỏ vì cách xét tuyển bất hợp lý. Có em chuyển sang học KHXH, lấy tấm bằng không phù hợp với năng lực và đam mê, đánh đổi cả tuổi trẻ.
Tôi đánh giá, đề thi năm nay có chủ đích rõ ràng: trở lại đúng bản chất môn học. Các câu hỏi từ mức điểm 5 trở lên buộc thí sinh phải tư duy, phân tích chứ không thể khoanh bừa. Đây là điều cần thiết, giúp đánh giá đúng năng lực thực. Tuy nhiên, có lẽ sự thay đổi này bất ngờ nên khiến nhiều thí sinh bị “hẫng”, vì đã quen học theo kiểu “cày đề, luyện mẹo”. Đề thi Lý, Hóa, Sinh dễ hơn về độ phức tạp, nhưng lại khó hơn ở chỗ yêu cầu hiểu bản chất, tư duy khoa học, không còn quá lệ thuộc vào tính toán.
Một thực tế đáng suy ngẫm: Nhiều học sinh có IELTS 6.5–7.0 nhưng thi tốt nghiệp chỉ được 4-5 điểm. Tại sao? Vì học chứng chỉ theo lối luyện thi, học để “qua cửa” chứ không học để hiểu và sử dụng thực sự. Tiếng Anh quan trọng nhưng không đến mức phải “lên đồng”. Xã hội đang bị cuốn theo phong trào, quên mất cốt lõi của việc học ngoại ngữ là giao tiếp, khám phá tri thức. Nhiều học sinh đạt chứng chỉ xong rồi… bỏ hết. Đến khi cần lại quay về vòng xoáy ôn đề đi thi.
Là người dạy học hơn 35 năm, tôi hiểu rất rõ: Dạy học không phải là “nhồi chữ”, mà là uốn nắn, hướng dẫn và truyền cảm hứng. Người học mới là trung tâm, và thành quả thi cử là kết quả của nỗ lực từng cá nhân. Tôi không bao giờ nói lời hoa mỹ. Dạy trò là dạy cách tư duy, dạy cách học. Không tự học được thì tìm thầy, tìm bạn để học. Không chịu học thì có quyền dừng lại, chọn hướng khác, miễn là sống thiện lương, làm nghề tử tế. Cuộc đời rất dài, ai nỗ lực thật sự thì sẽ được đền đáp.
Năm nay, gần 780 em bị điểm liệt môn Toán là một hồi chuông cảnh tỉnh. Tại sao các em qua được 12 năm học phổ thông mà lại “vỡ trận” ở kỳ thi tốt nghiệp? Phải chăng đó là hệ quả của sự dối trá trong cách dạy – học, chấm điểm, và đánh giá?
Sự thật có thể phũ phàng, nhưng nếu ta tiếp tục che giấu, đánh bóng, thì cả xã hội sẽ phải trả giá. Bộ Giáo dục và Đào tạo năm nay đã bắt đầu siết lại dữ liệu tuyển sinh, đồng bộ điểm học bạ, điểm thi, điểm đánh giá năng lực… Đó là điều đáng mừng. Muốn cải cách thực chất, phải dũng cảm nhìn vào sự thật.
Tóm lại, điểm thi không quyết định tương lai cả đời người, nhưng nó là cột mốc, là dấu hiệu phản ánh mức độ nỗ lực của một hành trình. Mùa thi năm nay, ai điểm cao vẫn cao, ai không học vẫn phải trả giá. Và đó là điều công bằng. Tôi – một giáo viên tự do, một nhà báo độc lập – chỉ có một điều để nói: Sự thật cần được nói ra, dù có thể không hợp ý nhiều người. Nhưng sự thay đổi thật sự chỉ đến khi chúng ta dám nhìn lại chính mình.
- ‘Trời sập’ khi tôi biết mình trượt đại học
- ‘Kỳ vọng 9,5 điểm Tiếng Anh tốt nghiệp THPT nhưng giờ chỉ mong được 6’
- Con tôi hứng thú lấy điểm 8 môn Tiếng Anh tốt nghiệp THPT
- Con tôi tự tin 9,5 điểm Tiếng Anh tốt nghiệp THPT dù không học thêm ngày nào
- Đề thi Tiếng Anh tốt nghiệp THPT 2025 không làm khó được con tôi
- Mâu thuẫn độ khó các môn trong đề thi tốt nghiệp THPT