
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Esmaeil Baqaei – Ảnh: 1LURER
Trước thềm đàm phán mới với các nước châu Âu tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào ngày 25-7, Iran đã chỉ trích Anh, Pháp và Đức vì không tuân thủ cam kết trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015, theo Hãng tin AFP ngày 21-7.
Trong bối cảnh áp lực việc bị tái áp dụng các lệnh trừng phạt, Tehran cũng tuyên bố không có ý định nối lại đối thoại với Washington.
Chỉ trích châu Âu vi phạm cam kết
Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 được ký giữa Iran và các nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc – gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ – cùng với Đức, đặt ra các giới hạn đối với chương trình hạt nhân của Tehran để đổi lấy việc dỡ bỏ trừng phạt cho quốc gia Trung Đông.
Tuy nhiên thỏa thuận đã sụp đổ vào năm 2018, khi Mỹ dưới thời Tổng thống Trump đơn phương rút khỏi và tái áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt.
Mặc dù các nước châu Âu khi đó cam kết tiếp tục ủng hộ thỏa thuận, nhưng cơ chế nhằm giảm nhẹ tác động từ các lệnh trừng phạt của Mỹ không bao giờ được thực hiện hiệu quả, dẫn đến việc nhiều công ty phương Tây rút khỏi Iran. Kể từ đó, nước này rơi vào khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng.
“Các bên châu Âu đã sai lầm và tắc trách trong việc thực thi thỏa thuận hạt nhân”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Esmaeil Baqaei tuyên bố.
Phát biểu được đưa ra ngay trước cuộc họp ngày 25-7 giữa các quan chức Iran và đại diện Anh, Pháp, Đức nhằm bàn thảo tương lai của thỏa thuận hạt nhân.
Tehran cũng dự kiến tổ chức cuộc họp ba bên với Trung Quốc và Nga về vấn đề này vào ngày 22-7.
Thời gian gần đây, ba cường quốc châu Âu đã đe dọa kích hoạt cơ chế “snapback” của Liên hợp quốc – một quy trình có thể khôi phục lệnh trừng phạt quốc tế đối với Tehran, lấy lý do Iran đã vi phạm cam kết hạt nhân.
“Nếu không đạt được giải pháp nào vào cuối tháng 8, thì việc áp đặt tái trừng phạt vẫn là một lựa chọn đối với nhóm E3 (Anh, Pháp Đức – PV)”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức Martin Giese cảnh báo.
Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết Iran hiện là quốc gia duy nhất không sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng lại làm giàu uranium tới mức 60%, cao hơn rất nhiều so với giới hạn 3,67% do thỏa thuận năm 2015 quy định, và tiệm cận ngưỡng 90% cần thiết để chế tạo vũ khí.
Ông Baqaei khẳng định việc ba nước châu Âu kích hoạt cơ chế tái áp đặt các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc là “vô nghĩa, không thể biện minh và vô đạo đức”, lập luận rằng Iran chỉ bắt đầu giảm bớt việc tuân thủ cam kết sau khi các nước phương Tây không tuân thủ thỏa thuận.
“Iran cắt giảm cam kết của mình theo đúng các điều khoản được nêu trong thỏa thuận”, ông nói.

Trái tim hạt nhân của Iran, cơ sở Fordow, trước (hình bên trái) và sau khi bị Mỹ không kích – Ảnh: REUTERS
Cứng rắn với Washington
“Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi không có ý định đối thoại với Mỹ”, ông Baqaei cùng ngày khẳng định, giáng đòn mạnh vào hy vọng về việc nối lại đàm phán hạt nhân giữa Tehran và Washington sau khi vòng đối thoại thứ sáu – dự kiến tổ chức ngày 15-6 – bị hủy do tình hình an ninh.
Trước đó vào ngày 13-6, Israel đã phát động một loạt cuộc không kích nhằm vào các cơ sở quân sự và hạt nhân của Iran, khơi mào cho cuộc xung đột kéo dài 12 ngày trước khi đạt được thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ làm trung gian.
Với tư cách là đồng minh thân cận nhất của Israel, Mỹ đã chính thức tham chiến vào ngày 22-6 bằng đợt không kích vào chương trình hạt nhân của Iran, sử dụng các máy bay ném bom chiến lược B-2 thả nhiều quả siêu bom phá boongke xuống 3 cơ sở hạt nhân chính là Fordow, Natanz và Isfahan.
Bất chấp cáo buộc từ Mỹ và Israel rằng Iran đang âm thầm phát triển vũ khí hạt nhân, Tehran nhiều lần khẳng định chương trình hạt nhân của nước này hoàn toàn phục vụ mục đích dân sự.
Dù các nước châu Âu khẳng định vẫn đang nỗ lực tìm kiếm một giải pháp ngoại giao “bền vững và có thể kiểm chứng”, viễn cảnh khôi phục thỏa thuận hạt nhân 2015 hiện đang đối mặt với thách thức nghiêm trọng hơn bao giờ hết, theo AFP.