
Panama vừa công bố loạt dự án nhằm tăng năng lực logistics, phát triển cảng mới và thúc đẩy tính bền vững của kênh đào – tuyến hàng hải liên lục địa quan trọng bậc nhất thế giới.
Thông tin được ông José Ramón Icaza – Bộ trưởng phụ trách kênh đào Panama, kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Cơ quan Kênh đào Panama (ACP) trình bày trong bài phát biểu tại Hội nghị Tài chính Quốc tế lần thứ 10 tổ chức tại Panama.
Theo ông Icaza, trong 25 năm qua, kênh đào không chỉ đóng vai trò then chốt trong thương mại hàng hải toàn cầu mà còn trở thành mô hình quản lý bền vững, đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội của Panama. Hoạt động của kênh đào và các ngành liên quan chiếm khoảng 2,9% GDP quốc gia, tạo việc làm và tăng thu cho ngân sách công.
Trong chiến lược phát triển sắp tới, Panama định hướng mở rộng dịch vụ logistics, xây dựng hệ sinh thái vận tải đa dạng hơn, đồng thời tập trung các giải pháp đảm bảo bền vững nguồn nước – yếu tố cốt lõi để kênh đào vận hành ổn định.
Một số dự án trọng điểm được đề cập gồm xây dựng hồ chứa Río Indio và kế hoạch phát triển 5 cảng mới, trong đó có cảng Corozal phía Thái Bình Dương và cảng tại đảo Telfers phía Đại Tây Dương. Bộ trưởng cho biết công suất khai thác hiện tại tiệm cận giới hạn và có thể nâng khối lượng container từ mức 9,7 triệu TEU (năm 2024) lên 15 triệu TEU trong tương lai.
Ngoài ra, Panama đang thúc đẩy dự án đường ống dẫn khí, nhằm tận dụng xu hướng tăng trưởng toàn cầu của thị trường khí hóa lỏng và các loại nhiên liệu hydrocarbon khác. Dự án này được kỳ vọng sẽ giúp đa dạng hóa hoạt động logistics của tuyến kênh xuyên đại dương. Tổng vốn đầu tư ước tính từ 4 đến 8 tỷ USD, tùy theo mô hình kinh doanh được lựa chọn.
Diệp Lâm (theo Seatrade Maritime News)