Kết nối quy hoạch giao thông, hạ tầng và không gian đô thị TP.HCM hợp nhất

Kết nối quy hoạch giao thông, hạ tầng và không gian đô thị TP.HCM hợp nhất

bởi

trong
Kết nối quy hoạch giao thông, hạ tầng và không gian đô thị TP.HCM hợp nhất

TP.HCM hợp nhất có 3 quy hoạch chung với 613 đồ án quy hoạch phân khu – Ảnh: TTO

Sở Xây dựng TP.HCM vừa có báo cáo về tình hình triển khai các đồ án quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trên địa bàn TP.HCM.

Theo Sở Xây dựng, TP.HCM hợp nhất đang tồn tại 3 quy hoạch chung có hiệu lực và đang được triển khai. 

Trong đó, 2 đồ án quy hoạch chung ở Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu được phê duyệt trước đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060 (quyết định 1125 của Thủ tướng).

Qua rà soát, toàn TP.HCM có 613 đồ án quy hoạch phân khu được phê duyệt (gồm 513 đồ án tại TP.HCM, 50 đồ án tại Bình Dương và 47 đồ án tại Bà Rịa – Vũng Tàu). 

Việc tổ chức lập (điều chỉnh) các quy hoạch phân khu là một công tác quan trọng của kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Ở cấp độ TP.HCM hợp nhất, thành phố sẽ tổ chức lập quy hoạch thành phố và quy hoạch chung thành phố với phạm vi ranh giới hành chính mới.

Sở Xây dựng nhận thấy về bản chất các quy hoạch chung đô thị nêu trên được lập trong thời gian vừa qua đã cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương, đặc biệt là nhu cầu sinh sống, làm việc và đầu tư của người dân các địa phương. 

Đối với quy hoạch chung TP.HCM (theo quyết định 1125) trong quá trình lập đã có tính toán đến yếu tố liên kết vùng với các tỉnh thành lân cận.

“Do đó, quy hoạch chung TP.HCM hợp nhất sẽ có nền tảng cơ bản là nội dung các quy hoạch đô thị đã được phê duyệt, đồng thời đề xuất các nội dung mới mang tính chất đột phá trên cơ sở dư địa và thế mạnh đặc trưng của từng khu vực tạo động lực phát triển kinh tế xã hội cho TP.HCM”, Sở Xây dựng nhận định.

Đối với việc ráp nối, điều chỉnh các nội dung quy hoạch trong một tổng thể ranh giới TP.HCM hợp nhất, Sở Xây dựng nhận thấy về địa lý TP.HCM cũ và 2 tỉnh trước đây phân tách theo ranh các con sông (sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Thị Vải), việc kết nối thông qua các cây cầu và tuyến giao thông liên tỉnh.

Từ đó Sở Xây dựng đề xuất việc ráp nối, điều chỉnh quy hoạch sẽ tập trung rà soát điều chỉnh hai khía cạnh chiến lược sau:

Thứ nhất là kết nối giao thông và hạ tầng kỹ thuật: Ngoài việc gia tăng các kết nối giao thông truyền thống còn cần có kết nối đồng bộ thông suốt mạng lưới giao thông công cộng và giao thông trung chuyển liên khu vực. 

Việc hợp nhất làm xuất hiện yêu cầu kết nối và tăng cường năng lực các khâu đầu mối hạ tầng kỹ thuật (mạng lưới cấp điện, nước, xử lý rác thải, nghĩa trang, mạng lưới giao thông tỉnh…).

Thứ hai là kết nối không gian đô thị: Cần cấu trúc lại các khu chức năng theo không gian hợp nhất các khu vực phát triển đô thị khu vực giáp ranh (mạng lưới công nghiệp, nghiên cứu đào tạo, y tế, thể dục thể thao, cảng sông, cảng biển…).

Đề xuất lập quy hoạch không gian ngầm cho TP.HCM theo quy hoạch được duyệt

Ngày 11-6-2025, Thủ tướng đã phê duyệt (quyết định 1125) Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM (cũ) đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060. Trong đó có việc quy hoạch không gian ngầm.

Sở Xây dựng TP.HCM đề xuất UBND TP.HCM báo cáo xin ý kiến Bộ Xây dựng về đề xuất phương án (chọn) đó là vẫn tổ chức lập quy hoạch không gian ngầm theo định hướng quy hoạch được duyệt mà không đợi đến khi có pháp lý quy hoạch chung TP.HCM hợp nhất; có thể nghiên cứu bổ sung một số khu vực định hướng phát triển không gian ngầm tại các quy hoạch chung đô thị khác (nếu có) trong phạm vi TP.HCM hợp nhất.