Theo Vụ trưởng Vụ GD-ĐH, những năm trước, giải điểm từ 24 đến 27 – 28 có sự phân loại thiếu rõ ràng, đôi khi còn gây khó khăn cho các mức xét tuyển, thí sinh trúng tuyển hay không đôi khi chỉ hơn nhau 0,01 điểm. Năm nay, nếu nhìn vào phổ điểm các môn toán, tiếng Anh, kể cả các môn khác như hóa hay sinh đều thấy có sự dịch chuyển. Mục tiêu phân loại nhìn thấy rất rõ.

Theo dõi phổ điểm các môn thi tốt nghiệp THPT 2025 mà Bộ GD-ĐT công bố hôm qua
ảnh: Đào Ngọc Thạch
Cũng theo GS Nguyễn Tiến Thảo, điểm đáng mừng khác là có thể nhìn thấy nguồn tuyển tốt qua điểm các môn khoa học tự nhiên như lý, hóa, sinh. Theo thống kê, chúng ta cần khoảng 68.000 sinh viên học khối ngành liên quan đến các lĩnh vực công nghệ được ưu tiên trong Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nhìn sơ bộ có thể thấy chúng ta có thể yên tâm về chất lượng nguồn tuyển năm nay cho khối ngành này”, Vụ trưởng Vụ GD-ĐH nhận định.
Chiều qua (15.7), Bộ GD-ĐT công bố phổ điểm, phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT trước khi công bố điểm thi tới thí sinh vào sáng nay (16.7). Theo phương thức tuyển sinh đã công bố, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT là căn cứ xét tuyển quan trọng vào các trường ĐH-CĐ năm nay. Do đó, điều mà thí sinh và phụ huynh quan tâm là phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 và những tác động của nó tới công tác xét tuyển ĐH.
Chính vì vậy, hôm nay, Báo Thanh Niên tổ chức chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến “Cách đăng ký xét tuyển ĐH sau khi biết điểm thi tốt nghiệp”, theo 3 khung giờ: 10 – 11 giờ; 14 – 15 giờ và 15 giờ 15 – 16 giờ 15. Chương trình diễn ra đồng thời ở các kênh: thanhnien.vn, fanpage, kênh YouTube, TikTok Báo Thanh Niên.
*Phần 1 chương trình diễn ra từ 10 – 11 giờ, gồm các chuyên gia: tiến sĩ Lê Xuân Trường, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM; thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn; thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích, Giám đốc Trung tâm Thông tin-Truyền thông Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM.
*Phần 2 chương trình diễn ra từ 14 – 15 giờ, gồm các chuyên gia: tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó giám đốc thường trực ĐH Duy Tân; thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành; ông Huỳnh Thanh Duy, Đại diện Phòng Tuyển sinh Trường ĐH Ngoại ngữ-Tin học TP.HCM.
*Phần 3 chương trình diễn ra từ 15 giờ 15 – 16 giờ 15, gồm các chuyên gia: thạc sĩ Võ Ngọc Nhơn, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM; thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính-Marketing; thạc sĩ Bùi Mai Hoàng Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Văn Hiến.