Cuộc đàm phán được mong đợi ở Istanbul đã không mang lại lệnh ngừng bắn như kỳ vọng, khi lập trường của Nga và Ukraine vẫn quá khác biệt.
Vòng đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa Nga và Ukraine trong ba năm qua diễn ra ngày 16/5 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, thắp lên kỳ vọng hai bên sẽ tìm ra tiếng nói chung để đạt một lệnh ngừng bắn chấm dứt giao tranh đẫm máu.
Cuộc đàm phán bắt đầu lúc 13h37 ngày 16/5 tại cung điện Dolmabahce ở Istanbul, nhưng sau 90 phút làm việc, phái đoàn Nga rời khỏi hội trường. Người dẫn đầu phái đoàn Nga Vladimir Medinsky cho biết Moskva “hài lòng” với kết quả, sẵn sàng tiếp tục đàm phán với Kiev, nhấn mạnh hai nước đã đồng ý trao đổi 1.000 tù binh chiến tranh mỗi bên trong những ngày tới.

Binh sĩ Ukraine được triển khai tại khu vực biên giới với Nga hôm 9/1. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, các quan chức Ukraine tỏ rõ sự thất vọng, cho rằng Nga nêu ra một số điều kiện “không thể chấp nhận được”. Hai bên không đạt được bất cứ thỏa thuận nào cho giải pháp ngừng giao tranh, mà chỉ nhất trí rằng mỗi bên sẽ nêu chi tiết tầm nhìn của mình về lệnh ngừng bắn có thể diễn ra trong tương lai.
Reuters dẫn nguồn tin Ukraine cho hay hố sâu ngăn cách giữa hai bên nhanh chóng xuất hiện khi các yêu cầu từ phía Nga “xa rời thực tế, vượt xa mọi thứ được thảo luận trước đó”, cho rằng những điều kiện Nga đưa ra “không mang tính xây dựng”. Những gì diễn ra trên thực tế cho thấy giải pháp cho cuộc chiến này khó khăn như thế nào, do khác biệt sâu sắc trong lập trường của hai bên.
Về lệnh ngừng bắn
Trước khi bước vào bàn đàm phán, Ukraine đã liên tục yêu cầu Nga chấp nhận một lệnh ngừng bắn toàn diện, vô điều kiện trong 30 ngày như điều kiện tiên quyết để tiến hành các cuộc thảo luận chi tiết hơn.
Theo Tổng thống Volodymyr Zelensky, lệnh ngừng bắn như vậy sẽ tạo không gian cần thiết để hai bên đàm phán về giải pháp hòa bình, công bằng và lâu dài. Đề xuất này nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các lãnh đạo 4 nước châu Âu, gồm Anh, Pháp, Đức và Ba Lan.
Ukraine lập luận rằng Nga phải chứng minh thiện chí bằng cách dừng các cuộc tấn công, bao gồm các đợt tập kích bằng máy bay không người lái (UAV) và tên lửa, vốn vẫn tiếp diễn ngay cả trong thời gian chuẩn bị cho các cuộc đàm phán. Vào đêm trước cuộc đàm phán ở Istanbul, Nga đã tiến hành cuộc tấn công bằng hơn 100 UAV vào Ukraine, làm dấy lên nghi ngờ về cam kết hòa bình của Moskva.
Trái ngược với yêu cầu của Ukraine, Nga nhiều lần bác bỏ đề xuất về lệnh ngừng bắn 30 ngày, cho rằng chúng sẽ mang lại lợi thế chiến lược cho Ukraine bằng cách cho phép Kiev tái tổ chức lực lượng, nhận thêm viện trợ từ phương Tây.
Thay vào đó, Nga đề xuất các cuộc đàm phán “không có điều kiện tiên quyết”, nhưng với điều kiện chúng phải giải quyết “nguyên nhân gốc rễ” của xung đột, ám chỉ các yêu cầu lãnh thổ, chính trị của Nga. Sự bất đồng về trình tự và điều kiện tiên quyết này đã làm đình trệ tiến trình đàm phán ngay từ đầu.
Về lãnh thổ
Theo Moscow Times, khác biệt lớn nhất giữa Nga và Ukraine là vấn đề lãnh thổ. Trong khi Ukraine kiên quyết yêu cầu khôi phục toàn vẹn lãnh thổ, Nga không có ý định từ bỏ các khu vực đã kiểm soát, thậm chí đòi hỏi Ukraine nhượng bộ thêm. Quan điểm này khiến việc đạt được thỏa thuận chung trở nên gần như “bất khả thi” vì cả hai đều coi lãnh thổ là “vấn đề không thể thương lượng”.
Một trong những lập trường cốt lõi của Ukraine là giành lại toàn bộ lãnh thổ bị Nga kiểm soát, gồm bốn tỉnh Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson mà Nga sáp nhập năm 2022 cũng như bán đảo Crimea. Tổng thống Zelensky đã tuyên bố rằng việc từ bỏ bất kỳ phần lãnh thổ nào là “không thể chấp nhận được” theo hiến pháp Ukraine và sẽ bị người dân coi là sự phản bội.

Các vùng lãnh thổ Nga đang kiểm soát ở Ukraine. Đồ họa: ISW
Trong một số phát biểu gần đây, Tổng thống Zelensky đã để ngỏ khả năng sử dụng các biện pháp ngoại giao để “thu hồi” các vùng lãnh thổ này, ngụ ý rằng Kiev có thể chấp nhận một giải pháp tạm thời, trong đó Nga duy trì quyền kiểm soát một số khu vực, nhưng với điều kiện chúng cuối cùng sẽ được trả lại cho Ukraine thông qua đàm phán hoặc các cơ chế quốc tế.
Điều này cho thấy sự linh hoạt nhất định trong lập trường đàm phán của Ukraine, dù vẫn giữ vững mục tiêu dài hạn là khôi phục toàn vẹn lãnh thổ.
Trong khi đó, Nga yêu cầu Ukraine công nhận quyền kiểm soát đối với toàn bộ năm khu vực mà Nga đã sáp nhập. Ngoại trưởng Sergey Lavrov tuyên bố việc công nhận quyền sở hữu của Nga đối với các lãnh thổ này là “bắt buộc” để tiến hành bất kỳ cuộc đàm phán nào.
Năm 2024, Tổng thống Putin từng yêu cầu Ukraine rút quân khỏi các phần mà họ đang kiểm soát của bốn tỉnh Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson như một điều kiện tiên quyết cho hòa bình.
Lập trường này phản ánh mục tiêu chiến lược của Nga là hợp pháp hóa các lợi ích lãnh thổ đạt được thông qua xung đột quân sự. Việc Nga đưa các khu vực này vào hiến pháp của mình càng làm phức tạp hóa các cuộc đàm phán, vì bất kỳ nhượng bộ nào từ phía Moscow sẽ đòi hỏi phải sửa đổi hiến pháp.
Về NATO
Về vấn đề gia nhập NATO, Ukraine kiên quyết bác bỏ yêu cầu của Nga rằng Kiev phải cam kết không trở thành thành viên của quốc gia này và duy trì vị thế “trung lập vĩnh viễn”. Đối với Ukraine, việc từ bỏ tham vọng gia nhập NATO đồng nghĩa với việc từ bỏ quyền tự quyết và khả năng đảm bảo an ninh quốc gia trước các mối đe dọa từ Nga trong tương lai.
Ông Zelensky nhấn mạnh rằng an ninh của Ukraine phải được đảm bảo thông qua các hiệp ước quốc tế hoặc tư cách thành viên NATO, chứ không phải thông qua “sự trung lập bị áp đặt” bởi Moskva.
Trong khi đó, Nga cũng yêu cầu “phi quân sự hóa” và “phi phát xít hóa” Ukraine như những điều kiện chính trong các cuộc đàm phán. Những yêu cầu này, vốn bị Kiev và phương Tây bác bỏ là không có cơ sở, dường như nhằm làm suy yếu khả năng quân sự của Ukraine và hạn chế quyền tự chủ chính trị của nước này.
Cụ thể, Nga muốn Ukraine giảm đáng kể quy mô quân đội và từ bỏ các mối quan hệ quân sự với phương Tây, bao gồm cả việc nhận viện trợ quân sự từ Mỹ và châu Âu.

Phái đoàn Nga và Ukraine trong cuộc đàm phán tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 16/5. Ảnh: Văn phòng Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ
Một trong những yêu cầu lâu dài của Nga là Ukraine phải cam kết trung lập vĩnh viễn, từ bỏ mọi kế hoạch gia nhập NATO và không cho phép các lực lượng quân sự nước ngoài đóng quân trên lãnh thổ của mình.
Nga lập luận rằng sự mở rộng NATO về phía đông là một trong những “nguyên nhân gốc rễ” của xung đột, nên việc Ukraine từ bỏ tham vọng NATO là điều kiện tiên quyết để đảm bảo an ninh cho Nga.
Về các vấn đề chính trị
Liên quan lệnh trừng phạt Nga và yêu cầu bồi thường, chính phủ Ukraine yêu cầu Nga chịu trách nhiệm cho các thiệt hại gây ra trong cuộc chiến tranh hiện nay, bao gồm việc bồi thường cho các cơ sở hạ tầng bị phá hủy và các tổn thất về kinh tế và con người.
Ngoài ra, Kiev còn kêu gọi cộng đồng quốc tế duy trì và thậm chí tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga cho đến khi Moskva rút quân hoàn toàn khỏi các vùng lãnh thổ đang kiểm soát và tuân thủ các điều khoản hòa bình.
Trong khi đó, Nga cho rằng Ukraine không có tư cách đòi bồi thường, không có khả năng đàm phán độc lập và có thể đang bị phương Tây “giật dây”. Những lời chỉ trích cá nhân giữa ông Zelensky và Tổng thống Putin, cùng với việc lãnh đạo Nga gọi ông Zelensky là “Tổng thống bất hợp pháp”, càng làm gia tăng căng thẳng và làm suy yếu cơ hội đạt được thỏa thuận.

Binh sĩ Nga tại Mariupol, thành phố Nga đang kiểm soát. Ảnh: AFP.
Một số chuyên gia cho rằng sự can thiệp của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể làm phức tạp thêm tình hình.
Ông Trump đã công khai bày tỏ hoài nghi về triển vọng của cuộc đàm phán tại Istanbul, cho rằng chúng sẽ không mang lại kết quả đáng kể và hòa bình chỉ có thể đạt được khi ông và Tổng thống Putin “gặp nhau trực tiếp”.
Trong khi đó, Ukraine lo ngại áp lực từ ông Trump có thể buộc Kiev phải nhượng bộ trước các yêu cầu của Nga, đặc biệt khi có thông tin cho rằng Mỹ đang xem xét công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với Crimea như một phần của một thỏa thuận hòa bình.
Với những mâu thuẫn gay gắt giữa lập trường của hai bên, giới chuyên gia cho rằng triển vọng đạt được thỏa thuận hòa bình trong ngắn hạn là rất thấp. Áp lực từ cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ và châu Âu, có thể thúc đẩy hai bên tiếp tục đối thoại, nhưng việc vượt qua những khác biệt cơ bản sẽ đòi hỏi những nhượng bộ đáng kể từ một hoặc cả hai bên, điều khó có thể xảy ra trong bối cảnh hiện nay.
Phong Lâm (Theo Reuters, MoscowTimes, RIA Novosti)