Khách ăn phở thót tim phát hiện rắn độc ẩn mình sau chiếc ghế

Khách ăn phở thót tim phát hiện rắn độc ẩn mình sau chiếc ghế

bởi

trong

Sự việc xảy ra tại một quán phở thuộc phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Bắc Giang. Theo đó, khi một thực khách vào quán và chuẩn bị ngồi xuống bàn, người này đã giật mình khi phát hiện phía sau ghế ngồi là một con rắn đang ẩn mình.

Vị khách này đã lập tức thông báo sự việc với chủ quán, người sau đó sử dụng một cây chổi dài để xua đuổi con rắn ra ngoài.

Thực khách giật mình phát hiện rắn độc ẩn mình trong quán ăn tại Bắc Giang (Video: SIFASV).

Theo chủ nhân của đoạn clip, thời điểm con rắn xuất hiện trong quán ăn, tại thành phố Bắc Giang đã xuất hiện mưa lớn kéo dài và nhiều khả năng con rắn đã bò vào quán ăn nhằm tìm nơi khô ráo để trú ẩn.

Đoạn clip sau khi được đăng tải lên mạng xã hội đã nhanh chóng “gây sốt”, đồng thời gây ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng mạng.

Nhiều ý kiến đánh giá cao hành động của chủ quán vì không sát sinh mà tha mạng cho con rắn, bởi lẽ con vật cũng chỉ vô tình đi vào quán ăn.

Tuy nhiên, không ít ý kiến lại cho rằng việc xua đuổi và để mặc con rắn bò đi trong khu vực đông dân cư là điều không nên, có thể dẫn đến nguy cơ tấn công người dân trong khu vực.

Con rắn trong đoạn clip là một cá thể rắn cạp nia bắc, có tên khoa học Bungarus multicinctus. Đây là một loài rắn thuộc chi cạp nia, họ rắn hổ, sở hữu nọc độc nguy hiểm chết người.

Loài rắn này phân bố tại miền nam Trung Quốc, Đài Loan, Myanmar, Lào, Thái Lan và miền bắc Việt Nam. Tại Việt Nam, loài rắn này xuất hiện tại các tỉnh, thành phía Bắc và kéo dài đến khu vực Nghệ An.

Tên gọi “cạp nia bắc” để chỉ phạm vi phân bố của loài rắn này và phân biệt với cạp nia nam (tên khoa học Bungarus candidus), một loài rắn khác thuộc họ cạp nia, nhưng phân bố từ miền trung đến miền nam Việt Nam.

Rắn cạp nia bắc thường sống ở những khu vực đồng bằng và vùng núi có độ cao khoảng 1.300m. Chúng thường sống trong các khu vực bụi cây rậm rạp, rừng cây gỗ, rừng ngập mặn, đồng lúa…

Loài rắn cạp nia nói chung nổi bật với thân hình có các vạch đen, trắng xen kẽ, phần thân hình tam giác với phần sống lưng nhô cao, đuôi thuôn. Rắn cạp nia bắc và nam có sự khác biệt về kích thước các khoanh trắng, đen trên cơ thể.

Khách ăn phở thót tim phát hiện rắn độc ẩn mình sau chiếc ghế

Rắn cạp nia bắc (trái) và rắn cạp nia nam (Ảnh: iNaturalist).

Cạp nia là loài rắn sống và săn mồi về ban đêm. Vào ban ngày, loài rắn này thường ẩn nấp dưới các tảng đá, hốc cây hoặc hang chuột… Thức ăn của loài rắn này bao gồm động vật gặm nhấm, lươn, ếch, thằn lằn… đôi khi chúng cũng ăn thịt cả các loài rắn khác có kích thước nhỏ hơn.

Dù sở hữu nọc độc nguy hiểm, rắn cạp nia là loài rắn nhút nhát và luôn tìm cách lẩn trốn khi đụng độ với con người.

Tuy nhiên, loài rắn này lại có một đặc tính rất nguy hiểm, là thích chui rúc vào những khoảng hẹp để trốn, do vậy đôi khi chúng thường nấp vào những vị trí khuất trong nhà như góc tường, dưới chân tủ, gầm giường hoặc đôi khi ẩn nấp ngay trên giường ngủ…

Dù loài rắn này không chủ động tấn công con người, nhưng do chúng thường lẩn trốn ở những vị trí khuất và khó nhìn thấy trong nhà, nhiều người vô tình chạm hoặc giẫm trúng có thể bị rắn cạp nia cắn.

Một đặc điểm khác của rắn cạp nia là cú cắn thường ít khi gây đau nhức, thậm chí vết cắn có thể nhẹ đến mức những người đang ngủ say không hay biết mình đã bị rắn cắn. Chính điều này có thể gây ra nguy hiểm cho nạn nhân, bởi lẽ họ không biết được mình đã bị rắn độc cắn nên không được mang đến bệnh viện kịp thời.

Rắn cạp nia được đánh giá là một trong những loài rắn độc nhất trên cạn. Loài rắn này sở hữu nọc độc thần kinh, khi người bị cắn sẽ chỉ gây ra cảm giác hơi ngứa và tê, không gây ra sưng tấy hoặc đau nhức cho nạn nhân, khiến nhiều người chủ quan.

Tuy nhiên, nếu không được cấp cứu kịp thời, nọc độc của rắn cạp nia sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh, gây ra các triệu chứng sa mí mắt, đau tức ngực, đau nhức toàn thân, tay chân yếu, mất giọng nói, khó thở… và cuối cùng dẫn đến tử vong.