Du khách sử dụng dịch vụ được yêu cầu mặc đồ tù nhân, hạn chế giao tiếp và lưu trú trong căn phòng chỉ rộng 5 m2.
Khách sạn Prison Inside Me nằm ở Hongcheon, cách Seoul khoảng 80 km về phía đông bắc. Không có spa, không ẩm thực sang trọng, khách sạn mang đến cho du khách trải nghiệm sống như một phạm nhân thực thụ.

Các “phòng giam” được bố trí tách biệt. Ảnh: B.I
Khách sạn được cựu luật sư Kwon Yong-Seok và vợ thành lập từ năm 2013. Sau nhiều năm làm việc hơn 100 giờ mỗi tuần và thường rơi vào trạng thái kiệt sức, ông Kwon nhận ra bản thân không biết cách nghỉ ngơi. Từ đó, ông quyết định xây dựng một nơi “giam giữ tự nguyện”, giúp người khác cũng có cơ hội được dừng lại và nhìn sâu vào chính mình.
Ông đầu tư khoảng 2 tỷ won (hơn 36 tỷ đồng) để xây dựng một “nhà tù tinh thần”, nơi mọi người có thể sống chậm lại.
“Tôi mong nơi này giúp người khác có cơ hội nhìn lại chính mình, điều mà chúng ta thường quên mất trong cuộc sống hiện đại”, ông nói.
Với mức giá hơn 3 triệu đồng, du khách sẽ được đưa vào một “buồng giam” với chiếc chiếu trải dưới sàn, bàn viết nhỏ, toilet khép kín và bữa ăn được chuyển qua khe cửa. Không có gương, không biết giờ giấc, không giao tiếp, mọi sinh hoạt tại đây được thiết kế để du khách tách mình khỏi thế giới bên ngoài và hướng vào bên trong.
Bên cạnh đó, trong thời gian lưu trú, các “tù nhân” tại Prison Inside Me bị hạn chế tối đa giao tiếp với người xung quanh. Khách đến đây được khuyến khích thiền, viết nhật ký và tập yoga nhẹ. Nhiều người gọi đây là một hình thức “cai nghiện số” hoặc “tu viện hiện đại”.
Nhiều du khách, chủ yếu là người Hàn Quốc, tìm kiếm trải nghiệm “cai nghiện kỹ thuật số” cho biết họ cảm thấy thư thái và thích thú với không gian giam lỏng đặc biệt này. Với họ, khách sạn là nơi để tạm rời xa áp lực công việc, xã hội và tìm lại sự an yên – tương tự một khóa tu trong tu viện.
Một du khách sau khi trải nghiệm cho biết cảm nhận được sự yên tĩnh trong tâm hồn sau nhiều năm, thật sự “không có gì để làm, không ai để nói chuyện”.
Không quảng bá, khách sạn Prison Inside Me vẫn đều đặn đón những người muốn được “bỏ trốn khỏi tự do”, để rồi trở về đời sống thường nhật với tinh thần nhẹ nhõm hơn.
Tuấn Anh (Theo DM)