GÁNH NẶNG TIỀN MẶT BẰNG
Theo phản ánh của các hộ kinh doanh tại bãi biển Thuận An, tiền thuê mặt bằng khu vực này tăng đều hằng năm đang trở thành gánh nặng cho họ. Hiện tại bãi tắm Thuận An có 8 hộ kinh doanh đấu giá thuê lô được UBND H.Phú Vang (cũ) quyết định cho thuê mặt bằng. Hiện P.Thuận An đã sáp nhập vào Q.Thuận Hóa nhưng hợp đồng mặt bằng ký với UBND H.Phú Vang cũ vẫn còn thời hạn nên tiếp tục được duy trì. Theo hợp đồng, tiền mặt bằng thuê lô tăng đều 8% và đến nay một số lô đã tăng đến hơn 720 triệu đồng/năm (nhưng chỉ kinh doanh vào mùa cao điểm từ tháng 3 – 8).
Ông Nguyễn Xuân Long (chủ nhà hàng Sao Biển) chia sẻ: “Theo hợp đồng thuê mặt bằng với địa phương, đến nay cộng cả tiền thuế mỗi năm hộ tôi đóng gần 850 triệu đồng. Trong đó, tiền mặt bằng đã hơn 720 triệu đồng, tiền thuế hơn 117 triệu đồng. Số tiền này quá cao so với thu nhập từ việc kinh doanh hiện tại. Chúng tôi làm không đủ bù chi”.

Nhiều nhà hàng ở bãi biển Thuận An đìu hiu giữa mùa du lịch
ẢNH: LÊ HOÀI NHÂN
Ông Nguyễn Khoa Linh (chủ nhà hàng Long Linh) cũng không khỏi xót xa khi phải chi 430 triệu đồng tiền mặt bằng và 70 triệu đồng tiền thuế mỗi năm. “Hai năm nay, khu vực biển Thuận An liên tục gặp thiên tai khiến các nhà hàng phải sửa sang rất nhiều. Chi phí bỏ ra quá lớn, trong khi khách thì ngày càng vắng. Chúng tôi thực sự mong muốn được giảm tiền thuê mặt bằng để có thể cầm cự”, ông than thở.
VẮNG KHÁCH GIỮA MÙA CAO ĐIỂM
Ghi nhận của PV Thanh Niên vào những ngày cuối tháng 4, thời điểm Huế đang bắt đầu vào mùa cao điểm du lịch hè, nhiều nhà hàng kinh doanh dọc bãi biển Thuận An vẫn rơi vào cảnh đìu hiu, lượng khách thưa thớt. Tình trạng kinh doanh ế ẩm này kéo dài hơn 2 năm nay do nhiều nguyên nhân, trong đó đặc biệt là do sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các hộ kinh doanh tự phát khiến lượng khách sụt giảm thê thảm.
Cụ thể, gần đây có nhiều hàng quán tự phát mọc lên ở khu vực và các xã lân cận, không đăng ký kinh doanh, không đóng thuế nên có thể bán với giá rẻ hơn. Điều này khiến khách hàng dần chuyển sang các quán giá rẻ, rời bỏ nhà hàng đã đầu tư bài bản ở bãi biển Thuận An. “Trong khi chúng tôi đóng hàng trăm triệu đồng/năm và mỗi năm đều tăng thêm 8% thì hàng chục quán tự phát vẫn vô tư kinh doanh mà không phải đóng tiền mặt bằng, nên giá của họ rẻ, khách đông”, ông Nguyễn Khoa Linh bức xúc.

Nhiều nhà hàng ở bãi biển Thuận An đìu hiu giữa mùa du lịch
ẢNH: LÊ HOÀI NHÂN
Du khách e ngại việc di chuyển sau khi ăn uống (nhất là rượu bia) cũng khiến các nhà hàng trở nên vắng vẻ, đặc biệt vào buổi tối. Ông Lê Dòng (chủ nhà hàng Hải Dòng) cho rằng việc quy hoạch lại bãi biển Thuận An cũng góp phần khiến khách vắng. Trước đây, khu vực này có nhiều dù che, ghế xếp, tạo điều kiện cho du khách vui chơi, nghỉ ngơi cả vào ban ngày. Tuy nhiên, sau khi dẹp bỏ các tiện ích này, khách chỉ đến vào buổi tối khi trời mát mẻ…
Ông Đào Quang Hưng, Chủ tịch UBND P.Thuận An, xác nhận thực tế vắng khách và cho biết đã có hộ bỏ kinh doanh vì thua lỗ, thậm chí có 3 hộ đang nợ tiền thuê mặt bằng từ năm 2024. Theo ông Hưng, thời gian tới địa phương sẽ tổ chức cuộc họp để lắng nghe ý kiến của các chủ hộ kinh doanh, đồng thời thông tin rõ về các quy định thu tiền mặt bằng, giải quyết công nợ và các vấn đề liên quan.
Trước tình trạng trên, các hộ kinh doanh ở bãi biển Thuận An đã có đơn khiến nghị gửi các cấp chính quyền của TP.Huế, mong có những giải pháp thiết thực và kịp thời để hỗ trợ họ vượt qua giai đoạn khó khăn này. Đây là nguyện vọng thực tế và chính đáng mà các hộ kinh doanh đang gặp phải, hy vọng các cấp chính quyền sớm có những biện pháp giải quyết hiệu quả để giúp họ vượt qua khó khăn và đưa bãi biển Thuận An trở lại thời kỳ sôi động.