Khai mở kỷ nguyên quản trị mới

Khai mở kỷ nguyên quản trị mới

bởi

trong
Khai mở kỷ nguyên quản trị mới

Một thiết kế quyền lực mới chính thức đi vào vận hành – đánh dấu bước chuyển mình quyết liệt và táo bạo của Việt Nam để bước vào kỷ nguyên phát triển hiện đại, hiệu lực và gần dân hơn bao giờ hết.

Việt Nam đã từng thực hiện nhiều đợt cải cách hành chính. Nhưng lần này, không chỉ đơn thuần là sắp xếp lại địa giới hay tinh giản bộ máy một cách hình thức. Đây là một cuộc cải cách mang tầm vóc chiến lược – bắt nguồn từ bản lĩnh chính trị và sự quyết đáp – sửa đổi Hiến pháp, thay đổi mô hình quyền lực cũ đã tồn tại hàng chục năm, để kiến tạo một nền quản trị phục vụ nhân dân thực chất. Bản lĩnh và sự quyết đáp đó dựa trên một niềm tin vững chắc rằng: thể chế không chỉ là luật lệ, mà còn là đòn bẩy để khai mở tiềm năng, khơi dậy khát vọng và nâng cao năng lực phát triển quốc gia.

Việc giảm số lượng tỉnh thành từ 63 xuống 34 không chỉ giúp tinh gọn bộ máy mà còn tạo ra không gian phát triển liên kết, đủ quy mô và nguồn lực để trở thành cực tăng trưởng tầm khu vực. Việc bỏ cấp chính quyền huyện – cấp trung gian vốn gây ra không ít chồng chéo, trì trệ – chính là lời tuyên bố mạnh mẽ rằng: Việt Nam đang nghiêm túc tái thiết lại toàn bộ kiến trúc quyền lực địa phương để giảm tầng nấc, tăng hiệu lực và đến gần với dân hơn. Và việc sáp nhập hơn 10.000 xã, phường thành 3.321 đơn vị không chỉ đơn giản là bài toán về con số. Đó là sự lựa chọn chiến lược để mỗi đơn vị hành chính cơ sở đủ lớn, đủ mạnh, đủ thực quyền – trở thành “pháo đài quản trị” thực sự của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ngay từ cấp cơ sở.

Thành công của cuộc cải cách này sẽ không đến chỉ từ việc ký các văn bản hay cắt giảm số lượng cơ quan. Thành công sẽ đến từ một hệ thống được thiết kế lại có lý – vận hành lại có tình – nơi mà mỗi công chức xã/phường là người đại diện thực thụ của chính quyền, nơi người dân có thể tiếp cận Nhà nước không qua trung gian, nơi mọi quyết định hành chính đều minh bạch, nhanh chóng và có trách nhiệm giải trình rõ ràng.

Tất nhiên, chặng đường phía trước sẽ không ít gian nan. Bộ máy mới sẽ cần thời gian để làm quen. Cán bộ mới sẽ cần đào tạo để đủ năng lực đảm đương nhiệm vụ lớn hơn. Và cả hệ thống sẽ phải học cách vận hành trên một nền tảng mới – nơi hiệu quả được đo bằng sự hài lòng của dân, không phải sự rườm rà của thủ tục.

Cho dù không có cuộc cách mạng nào mà không phải trả giá, không có cải cách nào mà không phải hy sinh thói quen cũ, tư duy cũ; nhưng quan trọng là Việt Nam đã chọn dấn thân vào cuộc đổi mới này bằng tất cả quyết tâm chính trị, tầm nhìn dài hạn và trách nhiệm trước tương lai đất nước.

Ngày 1.7.2025, do đó, không chỉ là ngày thay đổi về mặt kỹ thuật hành chính. Đó là ngày đánh dấu một sự đổi mới về tinh thần: từ quản lý sang phục vụ, từ quyền lực chia cắt sang quyền lực kiến tạo, từ phân tán sang kết hợp, và từ hình thức sang hiệu quả. Đó là ngày mà chúng ta chọn tiến lên – không vì bị thúc ép, mà vì đã đủ tự tin để bước tới.

Một kỷ nguyên quản trị mới đã bắt đầu. Lịch sử sẽ ghi nhớ ngày hôm nay như một thời khắc bừng sáng bởi niềm tin, hun đúc bởi bản lĩnh và thôi thúc bởi khát vọng vươn mình của đất nước này.