Chiều tối 15.5, tại Cung đường nghệ thuật Đà Lạt, TP.Đà Lạt cùng UBND P.2 và Stop And Go Art Space khai trương dự án văn hóa nghệ thuật chủ đề “Dalat and Beyond” năm 2025. Đến dự có ông Trần Thanh Hoài, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Lâm Đồng.

Các nghệ sĩ K’Ho Cil đến từ xã Đưng K’Nớ biểu diễn bộ cồng chiêng 6 chiếc
ẢNH: LÂM VIÊN
Theo ban tổ chức, “Dalat and Beyond” năm 2025 thể hiện tinh thần vượt qua giới hạn, mở rộng ranh giới nghệ thuật và văn hóa của Đà Lạt để kết nối với các giá trị toàn cầu. Chương trình không chỉ tôn vinh vẻ đẹp của thành phố ngàn hoa mà còn khám phá những câu chuyện mới, từ di sản văn hóa bản địa đến các xu hướng nghệ thuật đương đại, với ẩm thực là một điểm nhấn quan trọng.
Trong đêm khai mạc, gần 20 nghệ sĩ K’Ho Cil đến từ xã Đưng K’Nớ, H.Lạc Dương (Lâm Đồng) trình diễn âm nhạc cồng chiêng tại Cung đường nghệ thuật Đà Lạt. Các nghệ sĩ trong trang phục truyền thống đặc trưng của đồng bào K’Ho, sử dụng bộ cồng chiêng 6 chiếc, kết hợp với các nhạc cụ như kèn ống bầu (Kơmbuat) và trống (Sơgơr) với phong cách biểu diễn độc đáo, đậm chất bản địa. Buổi biểu diễn giới thiệu các bài chiêng truyền thống như Xa Trăng, Tơrơi… đồng thời trình làng những sáng tác mới của đồng bào K’Ho, thể hiện sự sáng tạo và tinh thần gìn giữ văn hóa bản địa.

Các nghệ sĩ K’Ho Cil biểu diễn trên Cung đường nghệ thuật
ẢNH: LÂM VIÊN
Đây bước chuẩn bị quan trọng cho Festival cồng chiêng Tây nguyên dự kiến tổ chức tại Lâm Đồng vào cuối năm 2025, đồng thời khẳng định cam kết của Đà Lạt trong việc duy trì và phát huy các hoạt động âm nhạc truyền thống theo danh hiệu Thành phố sáng tạo âm nhạc được UNESCO công nhận vào tháng 10.2023.
Dịp này, Cung đường nghệ thuật trưng bày bộ ảnh Hà Nội và những tiếng rao, một bộ sưu tập quý giá do các nghệ sĩ nhiếp ảnh Pháp thực hiện vào những thập niên đầu thế kỷ 20. Bên cạnh đó, triển lãm điêu khắc trưng bày 31 tác phẩm đương đại từ các nghệ sĩ trẻ của Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, sử dụng chất liệu đa dạng như inox, sắt, thép, mang đến sự đột phá trong tư duy sáng tạo.

Những hình ảnh trong bộ ảnh “Hà Nội và những tiếng rao” triển lãm trên Cung đường nghệ thuật Đà Lạt
ẢNH: LÂM VIÊN

Tác phẩm điêu khắc đương đại của các nghệ sĩ trẻ Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội trên Cung đường nghệ thuật Đà Lạt
ẢNH: LÂM VIÊN
Đặc biệt, dịp này, tại Cung đường nghệ thuật Đà Lạt đã khai trương chương trình ẩm thực nghệ thuật Dalat and Chef, được dẫn dắt bởi đầu bếp Võ Quốc, mở đầu cho chuỗi sự kiện ẩm thực định kỳ 2 lần/tháng. Thời gian tới, các đầu bếp nổi tiếng khác trong nước sẽ lần lượt tham gia, mang đến những trải nghiệm ẩm thực độc đáo. Các đầu bếp sử dụng nguyên liệu địa phương như rau củ tươi, atiso, dâu tây và các loại thảo mộc để tạo ra những món ăn vừa mang đậm bản sắc Đà Lạt vừa pha trộn tinh hoa ẩm thực Việt Nam và quốc tế.

Những người yêu nghệ thuật âm nhạc đến với Cung đường nghệ thuật Đà Lạt đêm 15.5
ẢNH :LÂM VIÊN

Các nghệ sĩ đến từ xã Đưng K’Nớ, H.Lạc Dương biểu diễn trên Cung đường nghệ thuật
ẢNH: LÂM VIÊN
Kể từ khi ra mắt (cách đây 3 năm), Cung đường nghệ thuật Đà Lạt đã từng bước ghi dấu ấn như một điểm nhấn văn hóa của phố núi Đà Lạt, thể hiện nỗ lực của chính quyền và cộng đồng trong việc xây dựng một thương hiệu nghệ thuật độc đáo.
Ông Trần Thanh Hoài nhận định: “Cung đường nghệ thuật là không gian văn hóa mở, thu hút du khách và người dân tham gia các hoạt động triển lãm, biểu diễn và giao lưu nghệ thuật; là nơi kết nối nghệ sĩ và cộng đồng, tạo cơ hội để công chúng tiếp cận và cảm thụ nghệ thuật một cách gần gũi”.
“Dalat and Beyond” năm 2025 sẽ tiếp nối bằng các hoạt động hội họa, thời trang, nhiếp ảnh và hội thảo xuyên suốt từ tháng 5.2025 – 5.2026.