KÈ XUỐNG CẤP NGHIÊM TRỌNG
Tuyến kè biển Hải Thành – Quang Phú chạy dọc ven biển Nhật Lệ, đoạn đi qua P.Hải Thành cũ (nay thuộc P.Đồng Hới) vốn được xây dựng nhằm chống sạt lở, bảo vệ khu dân cư và tạo điểm nhấn cho cảnh quan ven biển. Tuy nhiên, hiện nhiều đoạn đã bị hư hỏng nặng, xuất hiện các vết sạt lở có hình dạng hở hàm ếch, cao gần bằng thân người. Sóng biển đánh trực diện vào thân kè khiến kết cấu bị phá vỡ, gây nguy cơ mất an toàn.

Hiện trạng xói lở nghiêm trọng tại tuyến kè biển Hải Thành – Quang Phú
ẢNH: THANH LỘC
Tình trạng sạt lở không chỉ làm suy yếu hạ tầng phòng chống thiên tai mà còn ảnh hưởng nặng nề đời sống dân sinh và hoạt động kinh doanh ven biển. Ông Phan Sỹ Thắng (59 tuổi, ngụ địa phương) cho biết: “Gia đình tôi mở nhà hàng ven biển đã nhiều năm. Trước đây khách rất đông, nhưng từ khi biển xâm thực và kè bị hư hỏng, khách vắng hẳn, doanh thu giảm tới 40%”.
Tuyến kè này từng được kỳ vọng là công trình chiến lược, không chỉ phòng chống xói lở mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – du lịch ven biển Đồng Hới. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn vận hành, công trình đã liên tục hư hỏng, đặc biệt sau các đợt bão lớn cuối năm 2020, 2022 và 2023. Sạt lở hiện vẫn diễn biến ngày càng nghiêm trọng, nhất là khi mùa mưa bão đang tới gần.
CẦN GIẢI PHÁP BẢO VỆ BỀN VỮNG
Trước thực trạng đó, UBND TP.Đồng Hới (cũ) từng phối hợp với Viện Thủy công và phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về động lực học sông biển (Bộ NN-MT) tổ chức hội thảo khoa học đánh giá nguyên nhân xói lở và tìm giải pháp ứng phó.

Các hộ kinh doanh hàng quán ven biển bị ảnh hưởng do sạt lở kè biển
ẢNH: THANH LỘC
Tại hội thảo, các chuyên gia đề xuất trước mắt cần sửa chữa khẩn cấp các đoạn kè hư hỏng nặng, sử dụng kết cấu mái nghiêng kết hợp đá hộc hoặc bê tông đúc sẵn nhằm tăng độ ổn định và hạn chế sóng đánh trực diện. Về lâu dài, giải pháp bền vững là xây dựng hệ thống đê ngầm giảm sóng xa bờ – một cách giúp triệt tiêu năng lượng sóng trước khi chúng vào đến bờ, từ đó bảo vệ kết cấu kè và khôi phục bãi cát tự nhiên.
Ngoài ra, các ý kiến thống nhất cần tận dụng phần kè còn sử dụng được, đồng thời nghiên cứu tổng thể địa hình, khí hậu, thủy văn để đưa ra giải pháp dài hạn, phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu. Việc lựa chọn vật liệu cũng cần xét đến yếu tố bảo trì và khả năng thích ứng lâu dài.
Chủ tịch UBND P.Đồng Hới (Quảng Trị mới) Hoàng Ngọc Đan nhấn mạnh địa phương đã yêu cầu đơn vị tư vấn nhanh chóng hoàn thiện phương án thiết kế tối ưu trên cơ sở góp ý của các chuyên gia, trình UBND tỉnh xem xét. Địa phương cũng đang nghiên cứu phương án tiêu sóng từ xa để sẵn sàng triển khai khi có điều kiện, nhằm giảm triệt để tác động từ biển.
Tuyến kè Hải Thành – Quang Phú không chỉ là hạ tầng phòng chống thiên tai, mà còn là điểm nhấn của du lịch biển Nhật Lệ, thương hiệu du lịch nổi bật của Đồng Hới. Việc đầu tư khắc phục và nâng cấp tuyến kè nhằm bảo vệ an toàn cộng đồng, đồng thời gìn giữ hình ảnh, vẻ đẹp của thành phố biển, giữ chân du khách và bảo vệ sinh kế người dân.