100 năm trôi qua, Báo chí Cách mạng Việt Nam không ngừng phát triển, tiến những bước vững chắc trên hành trình vẻ vang của mình.
Những thành tích nổi bật, đóng góp quan trọng của đội ngũ người làm báo trong 100 năm qua đã làm ngời sáng truyền thống vẻ vang của báo chí và đội ngũ người làm báo cách mạng.
Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025) và 20 năm thành lập báo điện tử Dân trí (15/7/2005-15/7/2025), phóng viên đã có cuộc phỏng vấn Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.


– Nhìn lại chặng đường 100 năm phát triển của Báo chí Cách mạng Việt Nam, chúng ta có thể khẳng định một niềm tự hào là báo chí đã đóng góp rất nhiều vào quá trình đấu tranh, bảo vệ đất nước, giành độc lập cũng như xây dựng và phát triển đất nước sau này.
Từ những buổi đầu, báo chí rất thô sơ với những phương tiện, giấy bút trên tay và đội ngũ người làm báo rất ít, mỏng, chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng những trang báo cách mạng thuở đầu đã góp phần cổ vũ người dân tham gia cuộc chiến giành độc lập dân tộc.
Sau đó, đến những chặng đường phát triển trong công cuộc chống lại thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, báo chí hoạt động ở cả những vùng địch chiếm đóng hay miền Bắc.
Trong thời kỳ chiến tranh, báo chí có những đóng góp vô cùng quan trọng vừa động viên khích lệ người dân, cũng như là quân và dân toàn quốc hướng đến một mục tiêu quan trọng là thống nhất đất nước.
Đất nước đã trải qua rất nhiều khó khăn của chiến tranh, nhân dân phía Bắc bị cấm vận kéo dài nhưng báo chí vẫn diễn ra các hoạt động chủ chốt trong việc giữ vững niềm tin của người dân vào Đảng.
Đặc biệt là khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, báo chí có cơ hội phát triển rất mạnh mẽ, nhiều cơ quan báo chí, cả báo in và phát thanh truyền hình đã nở rộ.

Trong những năm đầu thế kỷ 21, sự phát triển mạnh mẽ của Internet cũng như công nghệ báo chí truyền thông mới đã giúp các cơ quan báo chí có những bước tiến rất quan trọng. Khi kết nối Internet đã không còn những rào cản về mặt thời gian, địa lý và báo chí thời gian này đã thực sự bùng nổ.
Trước đây, xét về mặt công nghệ báo chí Việt Nam có thể đi chậm hơn báo chí thế giới. Lúc đó, người ta từng nói rằng cái gì xảy ra với báo chí trên thế giới thì phải mất ít nhất là 5-7 năm mới xảy ra với báo chí Việt Nam nhưng bây giờ, trên thế giới có gì báo chí Việt Nam cũng có ngay cái đó.
Có thể nói, việc nắm bắt kịp thời những công nghệ báo chí hiện đại của báo chí Việt Nam cũng rất nhanh chóng, đặc biệt là quá trình chuyển đổi số đang diễn ra rất quyết liệt theo chỉ đạo của Chính phủ và cũng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 càng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ hơn.
Sau khoảng thời gian hơi chậm trễ lúc đầu, bây giờ công cuộc chuyển đổi số đã được thúc đẩy mạnh mẽ trên toàn quốc, không chỉ các cơ quan báo chí Trung ương mà còn các báo chí địa phương cũng đang làm khá tốt việc này và đạt được những hiệu quả rất là rõ ràng.


– Hiện nay, không chỉ giới trẻ mà cả những người lớn tuổi cũng đang dần quay sang các nền tảng mạng xã hội để khai thác, tiếp nhận thông tin và đây là một sự phát triển tất yếu trong xu thế phát triển công nghệ hiện đại.
Việc người dân tự tìm hiểu thông tin từ các nguồn trên mạng xã hội không phải báo chí chính thống cũng dẫn đến những rủi ro là người dân sẽ vấp phải nhiều thông tin không phân biệt rõ thật – giả và trong trường hợp nào đó nó sẽ gây ra sự lúng túng, thậm chí là hỗn loạn trong cách tiếp nhận thông tin.
Để báo chí chính thống khẳng định vị thế của mình, lôi kéo bạn đọc quay trở lại thì bạn đọc phải cảm thấy tin tưởng đối với các cơ quan báo chí chính thống và đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng.
Trong một bối cảnh cạnh tranh như hiện nay, chúng tôi thấy rằng báo chí càng phải trở nên chuyên nghiệp hơn, không thể dễ dãi như trước kia, không thể nghĩ rằng tin gì mình đưa lên cũng được mọi người tin theo và đón nhận mà bây giờ cần phải xây dựng nội dung chất lượng cao.
Muốn có được nội dung chất lượng cao chúng ta phải đầu tư một cách bài bản, khoa học như đầu tư cho tòa soạn, đầu tư cho những hệ thống công nghệ từ phần cứng đến phần mềm và đặc biệt là đầu tư vào đào tạo con người.

Phóng viên bên cạnh những kỹ năng cơ bản của báo chí còn phải biết rất nhiều những kỹ năng khác, đặc biệt là hiện nay chúng ta nói rất nhiều đến trí tuệ nhân tạo, nhưng để các nhà báo thật sự hiểu và biết cách sử dụng trí tuệ nhân tạo lại là câu chuyện khác.
Nhiều nhà báo, phóng viên rất hào hứng với Chat GPT và các ứng dụng nhưng họ mới dừng ở việc tạo ra những hình ảnh, những video vui hoặc sử dụng những công cụ này để mang tính chất giải trí là chính, không phải ai cũng biết cách để cho AI phục vụ trong công việc.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần rất nhiều những kỹ năng khác như quản trị tòa soạn dành cho lãnh đạo các cơ quan báo chí, cập nhật cho lãnh đạo các cơ quan báo chí về xu hướng phát triển của thế giới, giới thiệu những mô hình kinh doanh khác nhau.
Chúng ta cũng thấy rằng, khá đông các cơ quan báo chí Việt Nam còn lúng túng trong kinh tế báo chí, phụ thuộc vào quảng cáo, chưa mở rộng các mô hình kinh doanh khác.
Làm thế nào để xây dựng một tòa soạn thực sự chuyển đổi số, được đầu tư thỏa đáng, đặc biệt có sự chuyển đổi về tư duy từ lãnh đạo cho đến phóng viên, nhân viên về chuyển đổi số là một quá trình dài mà chúng tôi cần phải phối hợp và nỗ lực nhiều hơn nữa.



Báo chí có một sứ mệnh rất quan trọng đó là tuyên truyền hiệu quả đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân và là diễn đàn của nhân dân.
Trong bối cảnh mới hiện nay, việc nâng cao trách nhiệm của nhà báo là điều quan trọng hơn bao giờ hết và xu hướng trên thế giới hiện nay, độc giả đã “chán” đọc những thông tin liên quan đến chiến tranh, cướp, giết, hiếp,… mà thay vào đó là những thông tin yên bình.
Các phóng viên, nhà báo phải đưa những thông tin mang tính chất truyền cảm hứng, tạo niềm tin cho mọi người và phê phán những điều chưa đúng.
Quan trọng hơn nữa là phóng viên, nhà báo phải luận giải vì sao nó dẫn đến những vấn đề như vậy và tốt hơn nữa là đưa ra những giải pháp cho xã hội mới có thể thu hút được độc giả.
Trước đây, chúng ta đã có một phần quan trọng của báo chí là tuyên dương những tấm gương người tốt, việc tốt và cách làm này rất đúng đắn nhưng cách thể hiện chưa được hấp dẫn nên nhiều người chê bai và coi thường.
Bây giờ cũng chính là lúc phải thúc đẩy những nội dung về người tốt, việc tốt, nói về những con người, mô hình, doanh nghiệp, tổ chức làm được những điều có ích, có đóng góp cho xã hội để truyền cảm hứng.

Song để làm được việc này chúng ta phải làm với những cách nhìn mới, hình thức thể hiện mới mẻ, hấp dẫn.
Bây giờ làm báo phải kết hợp với công nghệ mới có thể thu hút được người trẻ và phải nghĩ ra những cách thức sáng tạo, nếu chỉ thuần túy viết một bài thật hay với những câu từ uyển chuyển chụp vài cái ảnh, đăng một số video thì không đủ sức để thu hút độc giả; khi đã không thu hút được độc giả, họ sẽ chạy sang nền tảng khác và như thế báo chí sẽ không thể tuyên truyền hiệu quả được đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước.
Do đó, các nhà báo phải giữ vững được bản lĩnh, tính định hướng của bản thân, nâng cao năng lực chuyên môn và điều rất quan trọng là phải có sự sáng tạo, sáng tạo không ngừng, sáng tạo liên tục, áp dụng công nghệ để tạo ra những sản phẩm hấp dẫn, mới lạ để thu hút người dùng.
Sứ mệnh của Báo chí cách mạng Việt Nam đã và sẽ không bao giờ thay đổi và chúng ta phải quán triệt một điều là vẫn y nguyên như ngày đầu, điều đó là sự khác biệt với báo chí của các quốc gia khác.
Song chúng ta phải làm thế nào để báo chí hoạt động được hiệu quả, nếu chỉ thuần túy hô hào khẩu hiệu, nó sẽ không thể đi vào lòng độc giả, khán thính giả nên trách nhiệm của báo chí là làm thế nào để tuyên truyền nhưng lại mang tính thông tin cao hơn.


Chúng ta đang trong một thế giới lượng tin tức không chỉ nhiều mà còn thừa thãi và khi lượng thông tin thừa thãi như vậy thì việc xác định được đâu là thông tin có ích, đâu là thông tin hiệu quả là điều không hề đơn giản.
Năng lực của từng con người để phân định thật – giả ngày càng trở nên khó khăn hơn nhưng nếu biết sử dụng những công nghệ hiện đại sẽ hỗ trợ chúng ta rất nhiều.
AI cũng đang hỗ trợ cho các nhà báo trong việc kiểm định thông tin, kiểm chứng thông tin, xác định thật – giả.
Với một luồng thông tin rất lớn mà sức con người không thể có khả năng phân tích nhưng nếu đưa vào hệ thống công nghệ nó có thể chỉ ra những điểm bất thường hoặc là điểm đáng ngờ mà chúng ta cần lưu ý.
Nói đến trí tuệ nhân tạo, nhiều người mới dừng lại ở việc lo cho sự an nguy nghề nghiệp của mình, lo rằng ứng dụng AI nhà báo sẽ mất việc và sự thật thì trí tuệ nhân tạo càng ngày càng trở nên thông minh hơn, giỏi hơn.
Ví dụ: Trước đây người ta cảnh báo AI có thể thay thế công việc của những người mới vào nghề chỉ mới có kinh nghiệm 1-2 năm.
Nhưng bây giờ trí tuệ nhân tạo có thể làm được cả những việc của những người mà có kinh nghiệm 5-7 năm. AI trước đây chỉ lập trình được cấp độ thấp thì bây giờ có thể đã lập trình được cấp độ cao.

Nói như vậy không có nghĩa rằng chúng ta e sợ trí tuệ nhân tạo mà chúng ta phải biết cách sử dụng AI để hỗ trợ cho hoạt động báo chí của mình.
Nếu biết tận dụng công nghệ thì việc thu thập thông tin, phân tích thông tin sẽ hỗ trợ cho chúng ta rất nhiều, hay những việc tỉ mỉ, lặp đi lặp lại thì máy móc sẽ hỗ trợ con người tốt hơn. Thậm chí, trí tuệ nhân tạo còn nắm bắt được xu thế người dùng đang quan tâm đến vấn đề gì.
Trong rất nhiều vấn đề trong ngày, AI có khả năng nhận diện vấn đề nào sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm trong vài ngày tới và đây là gợi ý cho các nhà báo, cơ quan báo chí về mặt nội dung.
Chúng ta viết một bài mà có 10 bức ảnh, AI có thể gợi ý nếu dùng ảnh này hiệu quả về mặt thị giác sẽ tốt hơn. Hay khi viết bài xong, AI có thể gợi ý chúng ta nếu đăng bài lên mạng xã hội nên đặt tít như thế nào sẽ nhận được nhiều sự quan tâm hơn.
Đặc biệt trí tuệ nhân tạo sẽ giúp chúng ta phân tích người dùng rất là hiệu quả, nên các cơ quan báo chí sẽ hiểu biết được những người dùng của mình là ai, từng phân khúc, từng vùng miền, nhu cầu.
AI bây giờ cũng đang giúp con người cá nhân hóa tin tức,… Đây là những điều mà trí tuệ nhân tạo có thể làm được để giúp đỡ cho con người. Như vậy, các nhà báo có thể tiết kiệm thời gian không phải làm những việc nặng nhọc và tỉ mỉ, dành thời gian nhiều hơn cho công tác sáng tạo.



Báo điện tử Dân trí là một đơn vị thuần túy điện tử, ra đời muộn hơn nhiều tờ báo truyền thống khác nhưng đã nhanh chóng nắm bắt được xu thế phát triển của báo mạng và đạt được nhiều những bước tiến quan trọng.
Việc báo điện tử Dân trí nắm bắt được xu thế, đưa ra nhiều nội dung hấp dẫn, đặc sắc, hiệu quả đã thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả.
Trong thời gian qua, được sự tin yêu và quan tâm của độc giả, số lượng người đọc báo Dân trí tăng trong nhiều năm liên tiếp và luôn duy trì vị thế trong nhóm hàng đầu trong các báo điện tử Việt Nam.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng những thành tích của ngày hôm qua không chắc đã đảm bảo cho thành công của thời gian tới nếu chúng ta không liên tục thay đổi chính mình bởi công nghệ báo chí đang thay đổi liên tục và dẫn đến thói quen của người dùng cũng thay đổi rất nhiều.
Trước kia, độc giả có thể lưu giữ trong đầu những tên miền, những trang báo thân thuộc và mỗi buổi sáng người ta sẽ vào trực tiếp những tờ báo thân quen để đọc, nắm bắt thông tin.
Song hiện nay độ “trung thành” của bạn đọc với các tờ báo đã giảm mạnh mẽ và làm thế nào để từng tờ báo khiến cho người đọc sau khi đọc xong bài này lại đi sang bài tiếp hoặc đi sâu hơn nữa, dành nhiều thời gian hơn nữa cho tờ báo là một thách thức vô cùng lớn.
Trong bối cảnh thông tin tràn ngập nếu không tạo ra sự khác biệt sẽ rất khó tạo ra dấu ấn trong lòng độc giả và đây là thách thức rất lớn đối với các cơ quan báo chí nói chung, báo Dân trí nói riêng.


Điều mà tôi mong muốn ở báo Dân trí là phải tạo ra được bản sắc cho riêng mình, cần phải thấy được độc giả đến với báo vì lý do gì và báo phải tạo ra được bản sắc riêng trong vô vàn những thông tin trên mạng.
Trong số hàng trăm cơ quan báo chí chính thống, lý do nào báo Dân trí thu hút được độc giả, họ là giới trẻ hay là những người trung niên, họ là người ở thành thị hay là ở nông thôn, họ thuộc nhóm thu nhập cao hay thu nhập thấp,… rất nhiều các yếu tố như vậy cần phải được phân tích để đưa ra những nhóm độc giả của riêng báo Dân trí.
Báo Dân trí là một tờ báo lớn nhưng khi lớn lại phải bao trùm tất cả các lĩnh vực chính trị, văn hóa, kinh tế, tài chính, thể thao,… nên sẽ đòi hỏi một nguồn lực lớn.
Để có được lượng thông tin dày dặn, đều đặn và quan trọng là khác biệt, chúng tôi cho rằng ban lãnh đạo báo cũng như từng cá nhân, phóng viên, biên tập viên phải suy nghĩ thật nghiêm túc với việc tạo ra bản sắc riêng và đương nhiên sự đổi mới sáng tạo là rất quan trọng trong việc tạo ra bản sắc riêng.
Chắc chắn, chúng ta không hài lòng với việc hôm nay sản xuất mỗi ngày 100 tin bài, ngày mai tăng lên 150-200, điều đó không quan trọng, điều quan trọng nhất là phải tạo ra những sản phẩm độc đáo, đặc biệt thu hút độc giả.
Khi đã có sự độc đáo, đặc biệt, sáng tạo liên tục chúng tôi tin là vị thế của báo Dân trí không chỉ được duy trì mà còn thúc đẩy phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Xin cảm ơn ông!