Bóng rổ, môn đòi hỏi tư duy chiến thuật, khả năng ra quyết định từ người chơi, đang trở thành môi trường rèn kỹ năng lãnh đạo cho học sinh.
Trong giờ ra chơi, một nam sinh lớp 11 Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (TP HCM) hô lớn: “Lùi về! Kèm trái đi”. Không tiếp tục vùi đầu vào sách vở, cậu tham gia một trận bóng rổ nội bộ và đang điều phối chiến thuật phòng ngự. Tố chất thủ lĩnh thể hiện qua từng động tác chỉ tay, hiệu lệnh dứt khoát.
Đội bóng rổ trường Mạc Đĩnh Chi đang tích cực tập luyện chiến thuật, chuẩn bị tham dự Giải Giao hữu Bóng rổ Trẻ VnExpress – Cup Ziaja cuối tháng 5, khi họ sẽ so tài cùng các đội THPT từ Hà Nội.

Giải bóng rổ học đường do VnExpress tổ chức năm 2024. Ảnh: Lâm Thỏa
Với nhiều trường THPT, bóng rổ học đường không còn đơn thuần là hoạt động thể chất, mà dần trở thành lớp học ngoại khóa giúp học sinh rèn phản xạ, giải quyết vấn đề và kỹ năng phối hợp nhóm.
Nguyễn Doãn Thành Đạt, học sinh lớp 12 Trường THCS – THPT Trí Đức (TP HCM), cho biết bóng rổ giúp em kiểm soát cảm xúc trong lúc thi cử hay học tập, nhờ đó đạt danh hiệu học sinh giỏi. “Trước đây, em hay mất bình tĩnh khi thi đấu, dễ đưa ra quyết định sai. Sau nhiều lần cọ xát, em biết giữ bình tĩnh và suy nghĩ kỹ trước khi hành động. Kỹ năng này giúp em không chỉ chơi tốt hơn mà còn giao tiếp hiệu quả hơn ngoài đời”, Đạt nói.
Sở hữu chiều cao 1,87 m, Đạt thi đấu ở vị trí trung phong với nhiệm vụ chắn bóng, tranh bóng bật bảng và ghi điểm ở khu vực dưới rổ. Em bắt đầu chơi bóng từ lớp 3 và thi đấu cấp thành phố từ lớp 7. Hiện Đạt sẽ cùng đội Trí Đức tranh tài ở bảng nam Giải Giao hữu Bóng rổ Trẻ VnExpress – Cup Ziaja.
Nói về sự khác biệt giữa lúc thi đấu và đời thường, Đạt chia sẻ: “Trên sân, em hét lớn, gọi chiến thuật, thậm chí góp ý cả trọng tài. Nhưng ngoài đời, em khá rụt rè. Nhờ bóng rổ, em khám phá được phiên bản mạnh mẽ và quyết đoán của chính mình”.
Tại Mỹ, Nhật Bản hay Canada, bóng rổ từ lâu đã được lồng ghép vào chương trình giáo dục kỹ năng mềm. Một nghiên cứu của Đại học Illinois (Mỹ) cho thấy học sinh từng tham gia đội bóng rổ có khả năng ra quyết định hiệu quả hơn khi đối mặt môi trường nhiều biến động, so với nhóm không chơi thể thao.

Đội bóng rổ trường THCS – THPT Trí Đức tham gia một giải đấu. Ảnh: CLB Bóng Rổ trường THCS – THPT Trí Đức
Không giống các môn thể thao thiên về sức mạnh, bóng rổ đòi hỏi khả năng đọc trận đấu nhanh, phản xạ linh hoạt và tính toán chiến thuật theo thời gian thực. Một nghiên cứu trên tạp chí Journal of Sport & Exercise Psychology chỉ ra rằng vận động viên bóng rổ trẻ có sự cải thiện rõ rệt trong khả năng kiểm soát cảm xúc và ra quyết định dưới áp lực – hai kỹ năng thiết yếu trong học tập và công việc.
Ngoài yếu tố thể chất, bóng rổ giúp học sinh đưa ra quyết định dựa trên mục tiêu chung, biết lắng nghe đồng đội và tự tin dẫn dắt nhóm. Theo báo cáo của National Federation of State High School Associations (NFHS), hơn 75% học sinh từng làm đội trưởng các đội thể thao trung học có khả năng đảm nhiệm vai trò lãnh đạo trong học thuật hoặc công việc xã hội sau này.
Thầy Trần Hoàng Tâm, huấn luyện viên đội bóng Trí Đức, nhận thấy học sinh tiến bộ rõ nhất về tư duy và giao tiếp. “Bóng rổ là môn phản ứng nhanh. Các em phải liên tục quan sát, xử lý và ra quyết định trong thời gian ngắn. Tư duy tốt mà không biết giao tiếp cũng vô ích. Truyền tín hiệu sai thời điểm có thể làm rối đội hình hoặc đánh mất cơ hội”, thầy Tâm nói.
Thầy nhớ lại một học sinh khóa 2017-2018, ban đầu rất ít nói, thường tách biệt và dễ cáu giận. “Em từng xô xát khi tức giận. Sau khi vào đội bóng, được huấn luyện về giao tiếp và làm việc nhóm, em dần thay đổi. Giờ em có bạn bè, chơi tốt hơn và biết kiểm soát cảm xúc”, thầy kể.
Tại Việt Nam, bóng rổ học đường được đẩy mạnh vài năm qua với nhiều giải đấu khuyến khích học sinh tham gia. Giải Giao hữu Bóng rổ Trẻ VnExpress – Cup Ziaja quy tụ 8 đội từ Hà Nội và 8 đội chủ nhà TP HCM, thi đấu song song với hoạt động giao lưu cộng đồng, tạo sân chơi lành mạnh và gắn kết học sinh yêu bóng rổ.
Đồng hành cùng giải là hoạt động School Tour, diễn ra ngày 19 và 20/5 tại cơ sở 3 và cơ sở 1 Trường THPT Trí Đức. Học sinh được giao lưu với các KOL trong lĩnh vực sắc đẹp, vận động viên nổi tiếng và bác sĩ, từ đó tiếp cận kiến thức về chăm sóc sức khỏe và phát triển thể chất tuổi teen.
Hoài Phương