‘Khí thải phương tiện giao thông chiếm 15% ô nhiễm không khí ở Hà Nội’

‘Khí thải phương tiện giao thông chiếm 15% ô nhiễm không khí ở Hà Nội’

bởi

trong

Cục Môi trường cho rằng khí thải phương tiện giao thông không phải nguồn gây ô nhiễm không khí lớn nhất (chiếm 15%) ở Hà Nội, song giảm phát thải là cần thiết.

Trong tọa đàm Chuyển đổi xe xăng sang xe điện: Để không ai bị bỏ lại phía sau do báo Tiền Phong tổ chức sáng 21/7, bà Nguyễn Hoàng Ánh, quyền Trưởng phòng Quản lý chất lượng môi trường, Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) nêu hiện trạng ba tháng cuối năm 2024 có 47 ngày chất lượng không khí ở Hà Nội ở mức rất xấu, cao điểm có ngày chỉ số AQI lên tới 246.

Hà Nội đã chỉ ra 5 nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí, trong đó hoạt động giao thông chiếm 60%. Tuy nhiên, bà Ánh cho biết Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhận định nguồn ô nhiễm từ khí thải phương tiện giao thông ở Hà Nội chiếm khoảng 15%, bụi hoạt động giao thông 23%.

“Nguồn bụi rất lớn chiếm khoảng 29% đến từ hoạt động công nghiệp, xây dựng chiếm 17-18% và hoạt động đốt (rơm rạ, lốp xe) chiếm 15-16%. Đó là những số liệu đã được cân đong, đo đếm từ nhiều nguồn và đưa vào báo cáo tổng hợp của Bộ để trình lên Thủ tướng”, bà Ánh nói.

Bà Ánh cho rằng để xác định nguyên nhân ô nhiễm chuẩn xác thì phải kiểm kê khí thải, nhưng hiện chưa làm được một cách tổng thể. Lý do các nguồn khí thải là nguồn động, thay đổi linh hoạt. Thứ hai kinh phí kiểm kê chưa có và phương pháp kiểm kê chưa chuẩn.





‘Khí thải phương tiện giao thông chiếm 15% ô nhiễm không khí ở Hà Nội’

Bà Nguyễn Hoàng Ánh chia sẻ tại tọa đàm sáng 21/7. Ảnh: T.P.

Cũng theo đại diện Cục Môi trường, nguyên nhân cơ bản gây ô nhiễm không khí là khí thải phương tiện giao thông đi kèm khí hậu và thời tiết. Ô nhiễm cực đại tại Hà Nội thường cao hơn hẳn TP HCM do tích hợp với điều kiện thời tiết. Giai đoạn trước, ô nhiễm thường dao động trong khung giờ 6-8h. Tuy nhiên, giai đoạn gần đây ô nhiễm đa phần 9-12h.

“Theo nhận định của chúng tôi, hoạt động giao thông tích hợp với thời tiết là nguyên nhân chính gây ô nhiễm”, bà Ánh đánh giá.

Liên quan đến nguồn gây ô nhiễm, báo cáo nghiên cứu Không khí sạch cho Hà Nội do Ngân hàng thế giới thực hiện, công bố năm 2023 chỉ ra 1/3 bụi PM 2.5 (thành phần chính gây ô nhiễm không khí) bắt nguồn từ Hà Nội, phần còn lại được vận chuyển từ khu vực bên ngoài đến.

Nguồn giao thông vận tải đã gây ra khoảng 25% ô nhiễm PM 2.5; gần 35% có nguồn gốc từ các hoạt động công nghiệp, bao gồm các nhà máy điện và công nghiệp lớn cũng như làng nghề; 10% từ khu dân cư, chủ yếu đun nấu bằng sinh khối; 20% từ nguồn amoniac trong chăn nuôi gia súc và phân bón; khoảng 7% từ việc đốt phụ phẩm nông nghiệp ngoài trời.





Xe máy len lỏi giữa các ôtô ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Chiểu

Xe máy len lỏi giữa các ôtô ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Chiểu

Tại tọa đàm, dẫn báo cáo nghiên cứu của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và chuyên gia Anh quốc, PGS.TS Hoàng Anh Lê, Trưởng Bộ môn Quản lý Môi trường, Khoa Môi trường, cho biết ô nhiễm không khí do phương tiện giao thông tại Hà Nội có sự phân hóa rõ rệt theo thời gian và loại hình phương tiện. Vào ban ngày, xe máy là nguồn phát thải chủ yếu; ban đêm xe tải hạng nặng lại chiếm ưu thế. Lượng phát thải này biến động theo mùa trong năm.

Theo ông Lê, xe máy, phương tiện phổ biến nhất, tiêu thụ nhiều năng lượng, phát thải trực tiếp qua ống xả mà không qua hệ thống xử lý khí thải, dẫn đến mức độ ô nhiễm cao hơn so với ôtô. “Bên cạnh yếu tố phương tiện, tốc độ di chuyển thấp tại Hà Nội cũng là nguyên nhân làm gia tăng phát thải. Theo tính toán, tốc độ trung bình của phương tiện chỉ khoảng 35 km/h, mức khiến phương tiện tiêu tốn nhiên liệu nhiều hơn và phát thải mạnh hơn”, PGS Lê nói thêm.

Ông Phan Trường Thành, Trưởng Phòng Tài chính đầu tư, Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết hiện nay số xe máy ở Hà Nội ước lượng 6,9 triệu phương tiện, khoảng 95% là xe sử dụng xăng. Khi triển khai lộ trình chuyển đổi xe điện trong vành đai 1 sẽ có 9 phường bị tác động, trong đó có 6 phường nằm trọn trong vành đai 1. Điều tra sơ bộ trong vành đai 1 có số dân ổn định khoảng 600.000, tổng số xe máy tại chỗ khoảng 450.000, chưa kể số xe từ bên ngoài di chuyển vào.

Ông Thành chia sẻ việc cấp bách thành phố đang làm là điều tra, khảo sát để có dữ liệu đầu vào, công việc này đã được giao cho chính quyền cấp xã. Sau khi có số liệu đầu vào, Hà Nội sẽ hoàn thiện thể chế chính sách gắn với đề án vùng phát thải thấp đã được Hà Nội đưa ra trước đó.

“Thành phố cũng đang hoàn thiện cơ sở hạ tầng là giao thông vận tải nói chung và giao thông công cộng. Đây là yếu tố cốt lõi. Hà Nội không khuyến cáo người dân tiếp tục đi xe máy”, ông Thành nói.





TS Hoàng Dương Tùng trình bày tại toạ đàm. Ảnh: T.P

TS Hoàng Dương Tùng trình bày tại tọa đàm. Ảnh: T.P.

TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, cho rằng việc chuyển đổi xe xăng sang xe điện ở Hà Nội gặp nhiều khó khăn song bên cạnh đó cũng có rất nhiều cơ hội. “Người dân rất cần những tuyên bố chi tiết về chính sách chuyển đổi của Hà Nội. Làm sao để người dân hiểu được việc chuyển đổi không quá nhiều khó khăn mà còn đem lại nhiều thuận lợi, tiện ích thông minh vào cuộc sống. Từ đó thể hiện sự quyết tâm”, ông nói.

Nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, ngày 12/7, Thủ tướng ban hành Chỉ thị 20, trong đó yêu cầu Hà Nội triển khai các giải pháp để tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, bảo đảm đến ngày 1/7/2026 không còn xe môtô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong vành đai 1.

Từ ngày 1/1/2028, ngoài cấm xe môtô, xe gắn máy chạy xăng dầu, ôtô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch cũng bị hạn chế trong khu vực vành đai 1 và vành đai 2; đến năm 2030 áp dụng với toàn bộ phương tiện cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong phạm vi vành đai 3.

Gia Chính