Khi thể thao bị biến chất ở những trại hè

Khi thể thao bị biến chất ở những trại hè

bởi

trong
Khi thể thao bị biến chất ở những trại hè

Các trại hè vốn luôn có nhiều hoạt động thể chất – Ảnh: ST

Mục đích cao đẹp ban đầu

Năm 1887, mô hình trại hè Camp Timanous (Connecticut, 1887, Mỹ) lần đầu tiên ra đời, do chuyên gia giáo dục Luther Halsey Gulick sáng lập. Trại hè này kết hợp nhiều môn thể thao  như bóng chày, bơi lội, canoe, các môn vận động ngoài trời và văn hóa tập thể. 

Ngay từ những năm đầu, ông Gulick đã nhấn mạnh tôn chỉ “body – mind – spirit” (cơ thể, trí não, tinh thần) qua những hoạt động trại hè này.

Mô hình này nhanh chóng gây được tiếng vang. Người sáng lập Olympic hiện đại, ông Pierre de Coubertin, cực lực tán thành việc thông qua mô hình trại hè để đẩy mạnh phong trào thể thao.

“Đây là nơi thúc đẩy tinh thần công bằng, kỹ năng xã hội và sức khỏe tổng thể. Nhiều đứa trẻ sẽ ngại ngần khi chơi thể thao, thông qua trại hè, các em có thể sẽ có một cách tiếp cận khác, khơi dậy một niềm yêu thích khác”. 

Trại hè thể thao lúc bấy giờ thực sự là nơi nuôi dưỡng đam mê vận động, khám phá và nâng cao khả năng tự lập.

Trong thập niên 1990-2000, mô hình trại hè này bùng nổ sang các nước châu Á. Trong quan niệm của nhiều phụ huynh Á Đông, trại hè là nơi để con họ trưởng thành, rèn luyện nhiều kỹ năng sống quan trọng.

Đang ngày càng biến chất

Nhưng cũng chính tại Á Đông, bầu không khí về trại hè bắt đầu bị bóp méo. Đây là vấn đề đã được tiến sĩ Amanda Visek, chuyên gia tâm lý trẻ em của Đại học George Washington chỉ ra. 

“Sự vui vẻ là một trong những lý do chính thúc đẩy những đứa trẻ chơi thể thao. Và rồi đó cũng là lý do khiến những đứa trẻ chán nản, áp lực và sợ hãi”, tiến sĩ Visek nói.

Để chứng minh, tiến sĩ Visek chỉ ra những hoạt động bị biến chất ở các trại hè. Đó là mô hình huấn luyện quân sự hóa, ép trẻ em vận động theo kỷ luật cứng nhắc không phù hợp; là những màn thi đấu đối kháng nặng tính thắng – thua, và hình thức lập bảng điểm, ganh đua giữa các nhóm…

“Hãy để những đứa trẻ tự chọn thể thao, đừng ép buộc chúng. Nếu ép buộc chúng, thay vì gửi con vào một trại hè, bạn có thể dắt chúng ra một trung tâm thể thao, nơi đó phù hợp hơn”, tiến sĩ Visek nói. 

Có một loạt những ví dụ cho thấy các trại hè đang ngày càng xuất hiện nhiều vấn đề liên quan đến thể thao. Ở Mỹ, một vụ kiện chấn thương não tại trại đấu vật ở Tennessee, nạn nhân được bồi thường đến 600.000 USD.

Trong khi đó, một HLV ở Anh bị đòi bồi thường 300.000 bảng Anh vì ép các em nhỏ tham gia trò “British Bulldog” – một trò chơi mạo hiểm đã bị loại bỏ tại nhiều trường vì tính rủi ro cao.

Ở Trung Quốc, mô hình trại hè quân sự càng nở rộ, và càng có nhiều vụ trẻ em bị chấn thương, bị ngược đãi. 

Một khảo sát của Sixthtone cho biết có đến 50.000 cơ sở trại hè được đăng ký tại Trung Quốc. Và chỉ tính từ năm 2018 đến nay, đã có 180 vụ việc kiện cáo dẫn đến kết án bên tổ chức.

trại hè - Ảnh 2.

Nhiều hoạt động trại hè bị chỉ trích là đẩy các em nhỏ vào những hoạt động quá nguy hiểm – Ảnh: ST

Trang báo này cũng vạch trần một loạt những vấn nạn của các trại hè, xoay quanh những hoạt động thể thao như sau:

Thiếu đánh giá rủi ro: Trò chơi vận động mạnh, vượt chướng ngại, đối kháng… nếu không được xây dựng theo mức độ tuổi và thực lực, rất dễ gây va chạm nghiêm trọng hoặc chấn thương nặng.

Vấn đề y tế ngoại cảnh: Một số trại hè ở vùng hoang dã không kiểm soát tốt điều kiện môi trường. Trẻ em có thể mắc bệnh do côn trùng cắn, sốt…, nhưng y tế không kịp thời can thiệp, dễ kéo theo hậu quả nặng nề.

Áp lực chi phí tăng cao:  Để đảm bảo an toàn, với đầy đủ các yếu tố giám sát y tế, bảo hiểm, đánh giá rủi ro, đào tạo HLV, các trại hè phải đầu tư rất lớn. Điều này buộc họ phải tăng giá và thu hút phụ huynh bằng thành tích, dẫn đến luồng mô hình vận động trở nên thiên về tính hiệu quả và thương mại hơn là giáo dục.

Sau cùng, lời khuyên được đưa ra là hãy trả các trại hè trở về với mục đích nguyên thủy, như cách thức mà nhà giáo dục, cũng là nhà sáng lập hoạt động này – ông Gulick đề ra.

“Nền giáo dục tốt nhất không nằm trong lớp học, mà ở những cánh đồng, hồ nước và rừng cây, nơi các cô bé, cậu bé tình nguyện khám phá những hoạt động giúp các em sinh tồn, hòa mình vào thiên nhiên. Và tôn chỉ, là chúng phải tự nguyện”.