
‘Gen Z nhiệt huyết, năng nổ được một, hai tháng rồi bắt đầu mất lửa, xin nghỉ việc vì những lý do như không nghỉ thứ bảy, sếp khó tính…’.
Gen Z là thế hệ đầu tiên lớn lên trong thời đại công nghệ Internet bùng nổ. Họ được đánh giá là năng động, sáng tạo và được kỳ vọng phát triển trong thời đại toàn cầu hóa. Tuy nhiên, trong môi trường doanh nghiệp hiện nay đều đối mặt với một thách thức chung về Gen Z: thường xuyên nhảy việc, phản biện cấp trên và khó thích nghi với môi trường kỷ luật cao.
Gen Z có tài nhưng lại rất “khó giữ”, đó là suy nghĩ chung của nhiều nhà tuyển dụng hiện nay. Một Quản lý nhân sự tại một công ty start-up từng chia sẻ với tôi về những e ngại khi tuyển nhân viên Gen Z: “Khi phỏng vấn trao đổi công việc, các bạn Gen Z rất nhiệt huyết và năng nổ. Nhưng khoảng một đến hai tháng làm việc, các bạn bắt đầu ‘mất lửa’ và dễ xin nghỉ việc.
Lý do xin nghỉ thì muôn hình vạn trạng, như: công ty không giúp các bạn phát triển, không được nghỉ thứ bảy, sếp quá khó tính… Có những lý do khiến chúng tôi chỉ biết cười trừ vì rõ ràng các bạn chưa hiểu hết về tính chất công việc và chưa thực sự có cam kết với công việc mình làm. Một số bạn còn xin nghỉ buổi sáng tại công ty chỉ để tham gia phỏng vấn việc công ty khác. Gen Z hiện nay làm việc theo cảm xúc quá nhiều”.
>>
Vậy Gen Z đang nghĩ gì? Một bạn trẻ từng đi phỏng vấn tại một công ty ở phường Tân Phú, TP HCM nói rằng: “Khi biết em là Gen Z, nhà tuyển dụng tỏ ra dè dặt vì nhân viên trước cũng là Gen Z và từng nghỉ ngang, làm việc thiếu nghiêm túc. Em cảm thấy mình bị đánh giá ngay từ đầu chỉ vì… thuộc thế hệ này.
Thay vì trao đổi sâu về chuyên môn, họ lại xoáy vào những ‘tính xấu’ của Gen Z như thiếu kiên nhẫn, hay phản biện sếp, dễ nghỉ việc. Tìm việc đã khó, giờ lại chồng chất thêm định kiến, em thấy rất áp lực”, cậu bày tỏ.
Không khó khi bắt gặp những tình huống tương tự trong thế hệ Gen Z. Bên cạnh bộ phận nhân sự trẻ thiếu nghiêm túc với công việc, vẫn có rất nhiều bạn thật sự cần việc làm lại bị gây khó dễ vì thói xấu do nhân viên trước để lại. Đây là một vấn đề cần cảnh báo với thế hệ các bạn trẻ khi quá dễ dàng bỏ cuộc khi gặp khó khăn chỉ vì môi trường chưa làm “hài lòng” các bạn.
Nhảy việc để thăng tiến chỉ thật sự phù hợp khi trong quá trình làm việc tích lũy đủ kinh nghiệm, kỹ năng chuyên môn. Việc thiếu kỷ luật trong công việc sẽ khiến Gen Z khó khăn trong việc phát triển và trở thành nỗi “ám ảnh” của doanh nghiệp, dù tiềm năng và năng lực của thế hệ Gen Z là điều không ai phủ nhận.
- Công ty tôi như ‘nhà trẻ mộng mơ’ vì nhân viên làm ít, kêu nhiều
- Nhân viên 9X của tôi ‘ bật tanh tách’ chẳng khác gì Gen Z
- ’20 năm nữa sẽ thấy Gen Z vượt xa 9X, 8X’
- ‘9X trước kia cũng không khác gì Gen Z bây giờ’
- Sếp 9X khổ sở đào tạo nhân viên Gen Z mong manh, mơ mộng
- ‘Gen Z không còn hạ mình đi xin việc như thế hệ trước’