Trong hành trình đó, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và đặc biệt là chuyển đổi số nổi lên như chiếc chìa khóa trọng yếu, mở ra cánh cửa thịnh vượng, nâng cao sức mạnh quốc gia và hiện thực hóa những mục tiêu phát triển lớn lao trong thế kỷ 21.
Nghị quyết 57 năm 2024 của Bộ Chính trị, với những định hướng chiến lược đột phá, chính là kim chỉ nam soi đường cho khát vọng công nghệ cất cánh, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên số.
PHÁT TRIỂN MẠNH TỪ NỀN TẢNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ
Lịch sử phát triển thế giới đã chứng minh một quy luật bất biến: quốc gia nào nắm bắt và tận dụng hiệu quả khoa học công nghệ thì quốc gia đó có cơ hội bứt phá, vươn lên mạnh mẽ. Những “phép màu kinh tế” không tự nhiên xuất hiện mà chúng được kiến tạo bởi tầm nhìn chiến lược, sự đầu tư bền bỉ và quyết tâm làm chủ công nghệ.
Đầu tiên là Hàn Quốc, từ một quốc gia bị tàn phá sau chiến tranh, nước này đã chuyển mình ngoạn mục trở thành cường quốc công nghệ nhờ chiến lược phát triển khoa học công nghệ bài bản do chính phủ dẫn dắt. Việc thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ (MOST) từ năm 1967, các chính sách khuyến khích tập đoàn lớn (chaebol) đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), tập trung vào giáo dục chất lượng cao và định hướng xuất khẩu đã tạo nên “Kỳ tích sông Hán”. Mức chi cho R&D của Hàn Quốc đã tăng trưởng ngoạn mục, đến năm 2019 đạt gấp đôi mức trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

Sinh viên nghiên cứu robot tại Trung tâm đào tạo Việt – Nhật trong Khu công nghệ cao TP.HCM
ẢNH: SỸ ĐÔNG
Thứ 2 là Singapore. Đối mặt với hạn chế về tài nguyên, Singapore đã chọn khoa học công nghệ làm đòn bẩy phát triển. Thông qua các kế hoạch công nghệ quốc gia và sau này là kế hoạch nghiên cứu, đổi mới và doanh nghiệp (RIE), chính phủ Singapore đã đầu tư mạnh mẽ, có cấu trúc vào R&D, thu hút các tập đoàn đa quốc gia (MNC), xây dựng cơ sở hạ tầng nghiên cứu hiện đại như A*STAR và khu phức hợp one-north, chuyển đổi thành công từ nền kinh tế dựa vào lao động sang dựa vào tri thức, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo.
Bài học thứ 3 là Nhật Bản. “Phép màu kinh tế” thời hậu chiến của Nhật Bản cũng gắn liền với nhập khẩu, tiếp thu và cải tiến vượt bậc công nghệ phương Tây. Vai trò điều phối của Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế (MITI), sự hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ và các tập đoàn công nghiệp (hệ thống keiretsu), cùng chiến lược tập trung vào chất lượng và xuất khẩu đã đưa Nhật Bản trở thành gã khổng lồ kinh tế.
Không chỉ các nước nói trên, kinh nghiệm quốc tế cho thấy những quốc gia duy trì được tăng trưởng cao đều nhờ dựa trên nền tảng khoa học công nghệ vững chắc, Việt Nam chúng ta cũng không phải ngoại lệ. Do đó, để nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng hai con số một cách bền vững trong thời gian tới, chúng ta phải dồn tổng lực cho cuộc cách mạng công nghệ trong nước, biến khát vọng thành hành động cụ thể.
Tuy nhiên, bối cảnh toàn cầu hiện nay với tốc độ thay đổi công nghệ chóng mặt, sự cạnh tranh gay gắt và sự bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi Việt Nam không chỉ đi theo mà còn phải có những bước đi đột phá, linh hoạt và chiến lược, đặc biệt là trong lĩnh vực chuyển đổi số, để có thể rút ngắn khoảng cách, thậm chí là đi tắt đón đầu trong một số lĩnh vực.
ĐỘNG LỰC BỨT PHÁ CHO ĐẤT NƯỚC
Ra đời trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, Nghị quyết 57 năm 2024 của Bộ Chính trị thể hiện tầm nhìn chiến lược và quyết tâm chính trị cao độ của Đảng và Nhà nước, xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá chiến lược hàng đầu, động lực chủ yếu cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Nghị quyết nhấn mạnh các nguyên tắc cốt lõi: phải có quyết tâm chính trị mạnh mẽ và tư duy đột phá; thể chế phải đi trước, tạo lợi thế cạnh tranh; con người và doanh nghiệp là trung tâm; hạ tầng, dữ liệu và công nghệ chiến lược là then chốt; đồng thời phải bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia và an ninh mạng, đặc biệt là chủ quyền số quốc gia. Nghị quyết đặc biệt chú trọng các công nghệ cao, chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo (AI).
Các mục tiêu đặt ra của nghị quyết được đánh giá là táo bạo và thể hiện khát vọng lớn của dân tộc (bảng dưới).

Để hiện thực hóa tầm nhìn này, Nghị quyết 57 đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, bao trùm từ nâng cao nhận thức, hoàn thiện thể chế, đầu tư hạ tầng, phát triển nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng trong hệ thống chính trị và doanh nghiệp, đến tăng cường hợp tác quốc tế.
Trong đó, việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan thuộc hệ thống chính trị và thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong doanh nghiệp là những nhiệm vụ then chốt. Đây là một lộ trình toàn diện, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội.
Không chỉ dừng lại ở chủ trương, chính sách, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang từng bước thẩm thấu vào mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội Việt Nam, tạo ra những thay đổi tích cực và nền tảng cho sự phát triển trong tương lai.
Đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, ứng dụng chuyển đổi số. Việc ứng dụng giống mới, quy trình canh tác tiên tiến (VietGAP), công nghệ sinh học, tự động hóa, AI 30, và nông nghiệp hữu cơ đang giúp nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, giảm chi phí và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các giải pháp tự động hóa và chuyển đổi số trong công nghiệp đang trở thành xu hướng tất yếu trong các nhà máy sản xuất. Việc ứng dụng robot lắp ráp, hệ thống vận chuyển tự động (AGV/AMR), hệ thống quản lý sản xuất thông minh giúp tăng năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm, giảm chi phí nhân công và nâng cao an toàn lao động.
Hoạt động quản trị quốc gia và dịch vụ công, xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số đã có những tiến bộ đáng kể. Chỉ số phát triển chính phủ điện tử (EGDI) năm 2022 xếp thứ 86/193 quốc gia. Hạ tầng số phục vụ chính phủ điện tử đang dần hoàn thiện. Cổng dịch vụ công quốc gia đã xử lý hàng chục triệu hồ sơ, cung cấp hàng ngàn dịch vụ công trực tuyến. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện lên mức độ 4 đạt cao. Nhiều địa phương đang triển khai các dự án đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ số để quản lý giao thông, năng lượng, môi trường, an ninh trật tự, hướng tới nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Chuyển đổi số trong y tế, đang diễn ra mạnh mẽ, xóa nhòa khoảng cách địa lý, giảm tải cho bệnh viện tuyến trung ương và giúp người dân, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao thuận tiện hơn. Nhiều bệnh viện cũng đang ứng dụng AI, bệnh án điện tử, ứng dụng di động và các công nghệ thông minh khác để nâng cao hiệu quả chẩn đoán, điều trị và quản lý. Công nghệ giáo dục (EdTech) đang làm thay đổi phương pháp dạy và học thông qua chuyển đổi số. Các nền tảng học trực tuyến (như Coursera, Khan Academy), hệ thống quản lý học tập, công cụ học tập tương tác, thực tế ảo, thực tế tăng cường mang đến trải nghiệm học tập linh hoạt, cá nhân hóa và hấp dẫn hơn, mở rộng cơ hội tiếp cận tri thức cho mọi người.
Dù đã có những bước tiến đáng kể, việc ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số tại Việt Nam vẫn đối mặt với thách thức về quy mô, chiều sâu, trình độ công nghệ và sự đồng bộ so với các nước tiên tiến. Việc nhân rộng các mô hình thành công, nâng cao trình độ công nghệ, hoàn thiện thể chế số và đảm bảo sự liên thông giữa các hệ thống là yêu cầu cấp thiết để khoa học công nghệ và chuyển đổi số thực sự trở thành động lực phát triển bao trùm.
CHUYỂN ĐỘNG MẠNH MẼ VÀ QUYẾT LIỆT CỦA TP.HCM
Trong bức tranh phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của cả nước, TP.HCM nổi lên như một đơn vị tiên phong, một trung tâm hội tụ và lan tỏa tri thức, công nghệ, tinh thần khởi nghiệp và động lực chuyển đổi số. TP.HCM không chỉ là nơi hưởng lợi mà còn đóng vai trò then chốt trong việc triển khai và hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược quốc gia, đặc biệt là Nghị quyết 57.
Một trong những yếu tố quan trọng đầu tiên mà thành phố đạt được trong triển khai thực hiện Nghị quyết 57 là nâng cao nhận thức, tạo được sự đồng thuận và quyết tâm chính trị trong cả hệ thống. Thành phố xác định việc thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức là yếu tố then chốt. Hàng loạt hoạt động thông tin, tuyên truyền về tầm quan trọng và nội dung cốt lõi của Nghị quyết 57 đã được triển khai sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Nhiều buổi tọa đàm, hội thảo khoa học được tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp nhằm phân tích, làm rõ các nội dung, chính sách và cơ hội từ nghị quyết, như tọa đàm về động lực tăng trưởng, về kinh tế số, hay kế hoạch truyền thông và công bố mạng lưới báo cáo viên tuyên truyền nghị quyết.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cũng được chú trọng, điển hình là việc tổ chức các khóa bồi dưỡng về AI cho hàng trăm cán bộ, công chức, viên chức, đồng thời chuẩn bị nền tảng đào tạo trực tuyến mở. Nhiều sự kiện, hội thảo, cuộc thi về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số được tổ chức sôi nổi, thu hút sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp và giới trẻ, như hội nghị chia sẻ kinh nghiệm, cuộc thi thiết kế vi mạch, nghiên cứu khoa học học sinh, ngày hội STEM, ngày hội khoa học công nghệ sáng tạo trẻ, các hội thảo chuyên đề về chuyển đổi số trong giáo dục, môi trường, nâng cao năng lực công dân số.
Trong giai đoạn này, TP.HCM tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách để tạo môi trường thuận lợi cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phát triển, xem đây là lợi thế cạnh tranh. Thành phố đã phê duyệt gần 1.800 quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính, trong đó hơn 1.700 quy trình đã được tái cấu trúc theo hướng tinh gọn, cắt giảm thời gian (giảm hơn 3.500 giờ làm việc) và các bước thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai dịch vụ công trực tuyến.
Thành phố cũng tích cực làm việc với các đoàn công tác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để báo cáo tình hình và đề xuất giải pháp. Tổ chức tọa đàm tìm giải pháp đảm bảo tỷ lệ ngân sách cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đạt mục tiêu đề ra (R&D đạt 2% GRDP, chi ngân sách ít nhất 3%).
Đồng thời triển khai hiệu quả các nghị quyết của HĐND TP.HCM ban hành theo tinh thần Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Kết quả ban đầu rất đáng khích lệ như thu hút hồ sơ và phê duyệt các tổ chức tham gia hình thành Trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế (lĩnh vực vi mạch, vật liệu mới) với kinh phí dự kiến 200 tỉ đồng; xét duyệt hỗ trợ 152 dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo với tổng kinh phí hơn 10 tỉ đồng; cấp phép thử nghiệm bay không người lái…
Đặc biệt, TP.HCM đã ban hành và triển khai nhiều cơ chế, chính sách đột phá để thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Các doanh nghiệp khoa học công nghệ được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp (miễn 4 năm, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo), miễn giảm tiền thuê đất, ưu đãi tín dụng. Thành phố cũng có các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, hỗ trợ ươm tạo, kết nối đầu tư. Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 – 2025 đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu quan trọng về số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ, dự án được ươm tạo và tiếp cận vốn đầu tư.
Thành phố tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng; trong đó đã trình Thủ tướng đề án kết nối các sàn giao dịch công nghệ vùng Đông Nam bộ. Chuẩn bị đầu tư dự án ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và cán bộ trong giải quyết thủ tục hành chính. Thúc đẩy doanh nghiệp viễn thông đầu tư hạ tầng 5G, hướng tới phủ sóng 100% địa bàn. Đẩy mạnh ngầm hóa cáp viễn thông (trên 813 km đường, các quận trung tâm đạt 80 – 100%). Hạ tầng cáp quang đảm bảo cung cấp internet băng thông rộng tốc độ cao (trên 1 Gbps). Triển khai danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung (45 cơ sở dữ liệu, đã vận hành 22 cơ sở dữ liệu) và dữ liệu mở (91 cơ sở dữ liệu, đã vận hành 58 cơ sở dữ liệu).
Đồng thời mạnh dạn phát triển và trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài. Phê duyệt và triển khai Đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế 8 ngành trọng điểm (công nghệ thông tin, cơ khí – tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, quản trị doanh nghiệp, tài chính – ngân hàng, y tế, du lịch, quản lý đô thị). Triển khai chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt theo Nghị quyết 27/2023 của HĐND TP.HCM, dự kiến thu hút 12 vị trí ban đầu trong các lĩnh vực công nghệ sinh học, vi mạch, chuyển đổi số, đô thị thông minh, nông nghiệp công nghệ cao…
Các kế hoạch phát triển của TP.HCM giai đoạn 2025 – 2030, như chương trình phát triển khoa học công nghệ tại Khu công nghệ cao TP.HCM tập trung vào vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học. Hay như chiến lược “1 – 4 – 1” (1 trung tâm tài chính quốc tế; 4 cao: trung tâm công nghệ cao đa mục tiêu, khu công nghiệp công nghệ cao, giáo dục chất lượng cao, y tế chất lượng cao; 1 chiến lược số) đều thể hiện sự chủ động và quyết tâm cao trong việc thực hiện Nghị quyết 57. Thành phố đang đẩy mạnh ứng dụng AI như một phần quan trọng của chuyển đổi số trong các lĩnh vực trọng yếu như giao thông, y tế, giáo dục và đạt những kết quả bước đầu trong xây dựng đô thị thông minh, với kinh tế số đóng góp gần 22% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2024 và mục tiêu đạt 25% vào năm 2025, tăng lên 40% vào năm 2030.
Sự năng động của TP.HCM với sự kết hợp giữa định hướng chính sách mạnh mẽ và sức sống của cộng đồng doanh nghiệp, các viện trường đang tạo ra một hình mẫu về phát triển dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tuy nhiên, để duy trì đà phát triển và vươn tầm quốc tế, thành phố cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thực sự hấp dẫn để thu hút và giữ chân nhân tài toàn cầu, đồng thời nuôi dưỡng một hệ sinh thái nơi sự sáng tạo, tinh thần kinh doanh và chuyển đổi số có thể thăng hoa một cách tự nhiên và bền vững.
Nhìn lại hành trình 50 năm thống nhất, khát vọng về một đất nước Việt Nam giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt. Trong kỷ nguyên mới, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là động lực kinh tế, mà còn là công cụ hữu hiệu để củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hiện thực hóa sâu sắc hơn ý nghĩa thiêng liêng của chủ đề “Non sông liền dải”.
Nửa thế kỷ sau ngày non sông thu về một mối, Việt Nam đang đứng trước vận hội mới để bứt phá vươn lên. Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, với sự định hướng chiến lược từ Nghị quyết 57, chính là con đường ngắn nhất, là chìa khóa then chốt để hiện thực hóa khát vọng về một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Những bước chuyển mình mạnh mẽ tại các trung tâm kinh tế như TP.HCM, cùng với sự lan tỏa ứng dụng công nghệ và tiến trình chuyển đổi số trên khắp cả nước, đang chứng minh cho tiềm năng và quyết tâm của dân tộc.
Bằng sự đồng lòng, trí tuệ và nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào một tương lai nơi khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thực sự là đôi cánh đưa Việt Nam bay cao, bay xa, viết tiếp những trang sử hào hùng trong kỷ nguyên mới.
