Khởi động chương trình thực thi sở hữu trí tuệ cho các thương hiệu sáng tạo Việt

Khởi động chương trình thực thi sở hữu trí tuệ cho các thương hiệu sáng tạo Việt

bởi

trong
Khởi động chương trình thực thi sở hữu trí tuệ cho các thương hiệu sáng tạo Việt

Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi động chương trình thực thi sở hữu trí tuệ cho các thương hiệu sáng tạo Việt – Ảnh: VGP

Ngày 29-4 tại TP.HCM, Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam, Trung tâm Pháp luật và Tác quyền, Viện Triết học phát triển phối hợp tổ chức khởi động chương trình thực thi sở hữu trí tuệ và hành trình 50+ tiến tới 100+ cho các thương hiệu sáng tạo Việt trong kỷ nguyên vươn mình chính thức được khởi động.

Phát biểu tại lễ khởi động, PGS.TS. Đào Duy Quát – nguyên phó ban thường trực Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương – chia sẻ nghị quyết 57 năm 2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và nghị quyết 59 năm 2025 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới là những tư tưởng, giải pháp đột phá, chiến lược, đang được thực tiễn chứng minh tính khoa học, cách mạng, thể hiện khát vọng và tiến trình bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Đây là những quyết sách đột phá, đánh dấu bước ngoặt có tính lịch sử trong quá trình hội nhập của đất nước với việc định vị khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế là động lực quan trọng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Trong đó nghị quyết 57 có quan điểm chỉ đạo sâu sắc về bảo đảm an ninh dữ liệu của tổ chức và cá nhân. Cùng với đó sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ, bảo đảm dữ liệu thành nguồn tài nguyên tư liệu sản xuất quan trọng.

Xác lập quyền sở hữu, kinh doanh dữ liệu, phân phối giá trị tạo ra từ dữ liệu, phát triển kinh tế dữ liệu, thị trường dữ liệu, phát triển văn hóa số, tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Khởi động chương trình thực thi sở hữu trí tuệ cho các thương hiệu sáng tạo Việt - Ảnh 2.

PGS.TS. Đào Duy Quát phát biểu – Ảnh: VGP/Lê Anh

Theo ông Khoát, trong bối cảnh thế giới đang đứng trên thềm những vận hội chiến lược to lớn và sau 40 năm đổi mới, Việt Nam đang có những điều kiện tiền đề chiến lược để bước vào kỷ nguyên vươn mình.

Trong khi sự phát triển vượt bậc của lực lượng sản xuất mới đòi hỏi phải ra đời quan hệ sản xuất mới phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất. Do đó, khi công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn phát triển mạnh mẽ, tất yếu phải hoàn thiện và thực thi hiệu quả Luật Sở hữu trí tuệ, bản quyền và quyền sao chép của chủ thể sáng tạo.

“Luật Sở hữu trí tuệ khẳng định quyền sở hữu của trí tuệ sáng tạo trong phương thức sản xuất số. Sáng tạo dữ liệu số trở thành đơn vị thao tác lao động sản xuất cơ bản. Nội dung thông tin số trở thành đơn vị sản phẩm lao động sản xuất cơ bản. 

Vốn nội dung số có tính xác thực và tính hữu dụng, đã trở thành nguyên liệu cơ sở, dòng máu, là tài nguyên, tài sản cơ bản của nền kinh tế số. Và sở hữu nội dung là sở hữu quyền lực mềm trong nền kinh tế công nghiệp sáng tạo 4.0″, ông Quát nhìn nhận.

Tình trạng vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ tại Việt Nam đang diễn ra nghiêm trọng

Theo thông tin trao đổi tại buổi khởi động chương trình, tại Việt Nam, tình trạng vi phạm bản quyền và quyền sao chép tại Việt Nam đang diễn ra nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế và làm suy giảm uy tín quốc gia trên trường quốc tế. Việt Nam hiện đứng thứ 9 toàn cầu và thứ 3 tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương về tỉ lệ vi phạm bản quyền và quyền sao chép.

Do đó, chương trình thực thi Luật Sở hữu trí tuệ, bản quyền và quyền sao chép được khởi động nhằm hoàn thiện khung pháp lý, ứng dụng công nghệ hiện đại như blockchain và tem NFT, và tích hợp Việt Nam vào hệ thống bản quyền toàn cầu qua WIPO Connect.

Mục tiêu là bảo vệ sáng tạo, biến vốn nội dung thành tài sản số, và thúc đẩy kinh tế sáng tạo đóng góp vào GDP quốc gia (theo kinh nghiệm thực tế từ các quốc gia thực thi thành công thúc đẩy phát triển các ngành sáng tạo, ước tính có thể đạt 5-7%), đồng thời nâng cao uy tín Việt Nam trong các hiệp định thương mại như CPTPP và EVFTA.

Theo các chuyên gia, việc thực thi bảo vệ bản quyền thông qua thực hiện cấp phép quyền sao chép hợp pháp và độc quyền chống sao chép, minh bạch giữ nhiệm vụ then chốt trong việc giảm thiểu vi phạm bản quyền và quyền sao chép.

Từ đó thúc đẩy các chủ thể sáng tạo tiếp tục phát huy trí tuệ sáng tạo, góp phần nâng cao tỉ lệ giá trị tài sản trí tuệ trên tổng giá trị tài sản của hệ thống doanh nghiệp, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Với việc thế giới đã tích hợp Việt Nam vào hệ thống bảo vệ bản quyền toàn cầu thông qua nền tảng “WIPO Connect” trực thuộc Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), Việt Nam đang rất nhanh chóng rút ngắn khoảng cách giữa mình với các quốc gia phát triển.