Không chỉ miễn học phí, đề nghị hạn chế thu các loại phí khác trong trường

Không chỉ miễn học phí, đề nghị hạn chế thu các loại phí khác trong trường

bởi

trong

Chiều 22/5, phát biểu tại tổ, nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục công bằng

Đại biểu Bùi Hoài Sơn (Hà Nội) cho rằng đây là chủ trương lớn, thể hiện sinh động bản chất ưu việt của chế độ ta và là bước tiến dài trên hành trình bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục công bằng, toàn diện cho mọi người dân.

Theo ông Sơn, chính sách lần này có tính bao trùm cao, mở rộng đối tượng được hưởng lợi. Chính sách này không chỉ xóa bỏ rào cản tài chính cho người học mà còn bảo đảm sự công bằng giữa trường công và trường tư, giữa khu vực đô thị và nông thôn, giữa học sinh chính quy và không chính quy.

Về tác động dài hạn, đại biểu cho rằng chính sách này mở ra một “hành lang công bằng” để tiến tới phổ cập giáo dục 12 năm trong tương lai.

Không chỉ miễn học phí, đề nghị hạn chế thu các loại phí khác trong trường

Đại biểu Bùi Hoài Sơn phát biểu ý kiến (Ảnh: CTV).

Theo đại biểu, giáo dục miễn phí không chỉ là chính sách xã hội, mà còn là một cam kết đạo lý, thể hiện tầm nhìn phát triển. Khi học sinh phổ thông không phải đóng học phí, người học sẽ có điều kiện tiếp cận tri thức đồng đều hơn, giảm thiểu tình trạng bỏ học giữa chừng do hoàn cảnh kinh tế, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội, nơi phân tầng thu nhập diễn ra sâu sắc.

Ông Sơn đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần song hành chính sách miễn học phí với cơ chế bảo đảm chất lượng giáo dục. Không chỉ miễn phí, người dân kỳ vọng trường lớp phải tốt hơn, thầy cô yên tâm giảng dạy và nội dung chương trình phù hợp với năng lực học sinh.

Đồng thời, cần rà soát việc phân bổ ngân sách theo vùng, tránh tình trạng cào bằng gây áp lực quá tải lên ngân sách cấp tỉnh, cấp xã phường, theo đại biểu.

Cũng góp ý về dự thảo nghị quyết này, đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) cho rằng việc miễn học phí ở các trường công lập có thể khiến lượng học sinh chuyển từ trường tư sang trường công tăng mạnh, dẫn đến nguy cơ quá tải hệ thống trường công. Bà Lan đề nghị bổ sung quy định hoặc giao Chính phủ xây dựng kế hoạch đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, biên chế giáo viên, để đảm bảo chất lượng đào tạo đồng đều thực sự.

Bên cạnh đó, nữ đại biểu cho rằng thực tế hiện nay tồn tại một số loại hình cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, trường năng khiếu, trường thực hành thực nghiệm, tư thục.

“Vậy, việc thực thi chính sách miễn học phí như thế nào?”, đại biểu đặt vấn đề và cho rằng trong nghị quyết cũng chưa thể hiện rõ quy định đối với những loại hình trên, đại biểu đề nghị ban soạn thảo làm rõ thêm nội dung trên.

Cùng quan tâm nội dung này, đại biểu Trương Xuân Cừ (Hà Nội) kiến nghị các cơ quan liên quan nghiên cứu ngoài việc miễn học phí cho học sinh, cần hạn chế thu các loại phí khác. 

“Làm thế nào để các trường công lập hạn chế tối đa mức đóng các loại phí khác. Ta có trường chuyên lớp chọn rồi, còn trường phổ thông thì việc dạy thêm học thêm chủ yếu áp dụng cho các học sinh yếu, nên sử dụng ngân sách Nhà nước, như thế mới ưu việt, toàn diện.

Các trường ở Hà Nội các loại phí cũng không phải ít, Nhà nước đã cơ bản lo được những vấn đề lớn như miễn học phí, đừng vì những vấn đề khác mà ảnh hưởng đến chính sách ưu việt của mình”, ông Cừ nêu vấn đề.

Không nên lo lắng quá việc nhiều học sinh chuyển trường tư sang trường công!

Phát biểu làm rõ một số vấn đề các đại biểu nêu, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết sẽ xây dựng một đề án chi tiết và có sự thẩm định công phu để triển khai các nghị quyết của Quốc hội.

Không chỉ miễn học phí, đề nghị hạn chế thu các loại phí khác trong trường - 2

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu (Ảnh: CTV).

Trước lo lắng của đại biểu về việc học sinh sẽ chuyển từ trường tư sang trường công khi miễn học phí, ông Sơn cho biết tỷ lệ trường công chiếm con số rất cao nhưng số lượng học sinh vào trường tư ở Hà Nội cũng áp lực không kém trường công.

“Ngành giáo dục thủ đô từ năm 2024 trở lại đây đã làm được việc rất quan trọng là tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến, không có xếp hàng, đổ cửa như trước. Đây cũng là tiến bộ của giáo dục thủ đô”, ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, không nên quá lo lắng về việc học sinh sẽ chuyển từ trường tư sang trường công, bởi các trường tư trên địa bàn Hà Nội cũng đã khẳng định được vị trí, thương hiệu của mình và cũng rất nỗ lực.

“Thực tế tuyển sinh cho những năm qua cho thấy lo lắng này không phải lo lắng lớn lắm”, ông Sơn nói. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, việc bố trí, phân bổ các trường chất lượng tốt trong hệ thống công lập cũng cần phải tăng cường thêm ở các khu vực ngoại thành và các khu vực đông dân cư.

Về hỗ trợ học phí, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết HĐND các tỉnh, thành phố sẽ xác định mức hỗ trợ cụ thể cho các trường ngoài công lập tương đương với trường công lập theo hình thức cấp trực tiếp cho người học. Phương án này phù hợp trong điều kiện chuyển đổi số hiện nay.

Liên quan đến kiến nghị hạn chế thu các loại phí khác trong trường học, ông Sơn cho biết việc dạy thêm học thêm trong nhà trường chỉ áp dụng với ba đối tượng gồm các học sinh yếu, trường hợp bồi dưỡng học sinh giỏi và các học sinh chuẩn bị ôn thi tốt nghiệp.

Ông Sơn khẳng định theo quy định, nhà trường không thu học phí học thêm dạy thêm với ba đối tượng này. Về nguyên tắc, đây là trách nhiệm của nhà trường.

Bên cạnh đó, ông Sơn cho biết Tổng Bí thư đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT lên phương án tổ chức buổi học thứ hai cho học sinh, bộ đang triển khai và áp dụng phương án này từ năm học mới.

Hà Nội đang nghiên cứu miễn phí bữa ăn trưa cho học sinh

Đại biểu Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, cho biết ngoài chính sách miễn học phí, Tổng Bí thư Tô Lâm đã giao thêm cho thành phố tiếp tục nghiên cứu miễn phí bữa ăn cho học sinh.

Theo ông Tuấn, UBND TP Hà Nội đang nghiên cứu để báo cáo Thành ủy, HĐND thành phố về vấn đề này. Đây là chủ trương rất nhân văn, ý nghĩa và với Hà Nội rất trách nhiệm trong thực hiện. Thời gian qua, Hà Nội rất quan tâm đến vấn đề giáo dục, không chỉ trên địa bàn mà còn hỗ trợ các địa phương khác.