Không có kỹ năng từ chối, người trẻ nói ‘dạ’ nhưng lòng thì mệt

Không có kỹ năng từ chối, người trẻ nói ‘dạ’ nhưng lòng thì mệt

bởi

trong

“Đã dạ rồi, mà trong bụng rối bời”

Tuần nào cũng vậy, cứ đến thứ bảy là Đỗ Thúy Phương (28 tuổi), làm việc ở Công ty in Vũ Tường (P.Tân Thới Hiệp, TP.HCM; trước đây là P.Hiệp Thành, Q.12, TP.HCM) lại cảm thấy mệt mỏi vì tin nhắn từ hội nhóm lớp, bạn cũ, đồng nghiệp. Nào là: “Ê, có rảnh không, giúp chút được không?”, hay “Phương ơi, chị có cái này cần em làm giùm nè”… Những lời mời tưởng chừng vô hại ấy khiến Phương hoang mang, vì… không nỡ từ chối. Phương tự nhận bản thân thiếu kỹ năng từ chối.

“Cảm giác rất mệt mỏi. Nhiều khi mình biết rõ là không còn sức nữa, cũng chẳng phải trách nhiệm của mình, nhưng vẫn gật đầu. Gật xong rồi lại tự trách bản thân. Làm không tốt cũng áy náy. Làm tốt thì họ quen, lại nhờ tiếp”, Phương kể. Cô từng nhận thêm việc dịch thuật dù đang “bù đầu bù cổ” vì công việc chính, chỉ vì “không biết cách từ chối khéo”.

Không có kỹ năng từ chối, người trẻ nói ‘dạ’ nhưng lòng thì mệt

Có những người trẻ đau đầu vì… không biết kỹ năng từ chối

ẢNH MINH HỌA: THANH NAM

Chuyện của Phương không hiếm. Trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội, có hẳn những dòng than thở như: “Tôi ghét việc không biết từ chối”, “Lòng tốt bị lợi dụng chỉ vì không nói được từ không”, “Tôi đang trả giá vì… gật đầu quá nhiều lần”. Điều này phản ánh một thực tế, rằng người trẻ đang gánh quá nhiều hệ quả vì thiếu kỹ năng từ chối đúng cách.

Lê Ngọc Hải (26 tuổi, làm việc tại ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam ở đường Thoại Ngọc Hầu (P.Tân Phú, TP.HCM; trước đây thuộc P.Hòa Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM), cho biết anh từng bị quản lý cũ mỉa mai vì nói “không” với một dự án vào cuối tuần. “Quản lý bảo tôi thiếu tinh thần cống hiến, không nhiệt tình. Sau đó tôi áy náy dữ lắm, lần nào cũng gật đầu, dù bỏ luôn kế hoạch riêng”.

Thực tế, nhiều người trẻ cho biết họ không dám từ chối vì sợ bị đánh giá thiếu trách nhiệm, ngại va chạm, sợ mất lòng hoặc bị hiểu sai thành kiêu căng. “Mình sợ người ta không rủ nữa, sợ bị gán mác khó gần. Mình biết sai nhưng vẫn “dạ”, vì xã hội hay trọng dễ chịu’ hơn là thẳng thắn”, Vũ Nguyễn Quỳnh Nhi (25 tuổi, đang làm việc tại một công ty của Nhật Bản ở đường Phạm Ngọc Thạch, P.Nhiêu Lộc, TP.HCM; trước đây thuộc P.12, Q.3, TP.HCM) chia sẻ.

Với sinh viên, chuyện “không dám từ chối” thường bắt đầu từ thời THPT. Khi bạn bè rủ rê, giáo viên giao việc ngoài phần mình phụ trách, không ít học sinh cứ răm rắp nghe theo vì… ngại. Theo thời gian, họ dần hình thành thói quen “chiều lòng người khác” thay vì lắng nghe bản thân.

Nhiều hệ lụy âm thầm

Kỹ năng từ chối không chỉ là chuyện xã giao. Việc không biết nói “không” đúng lúc có thể dẫn đến stress, mất ranh giới cá nhân, làm việc quá sức, thậm chí là bị lợi dụng.

“Lúc đầu là một lời nhờ. Sau thành hai, ba việc. Có khi tôi phải làm thay cho cả người khác mà không dám nói lại. Mỗi lần nghĩ đến chuyện từ chối là đau đầu, tim đập nhanh, có khi mất ngủ”, Nguyễn Duy Tuấn, sinh viên Trường ĐH Công thương TP.HCM, chia sẻ.

Chuyên gia tâm lý Đặng Hòa Thu Nhân, Trung tâm tham vấn và trị liệu, tư vấn tâm lý Khải An (P.Bình Trưng, TP.HCM; trước đây thuộc P.An Thủ, TP.Thủ Đức, TP.HCM), nhận định: “Người trẻ không biết từ chối thường sống trong trạng thái căng thẳng triền miên, dễ bị chi phối bởi người khác. Lâu dài có thể mất khả năng tự ra quyết định, mất kiểm soát thời gian và đánh mất sự chủ động”.

Cũng theo bà Nhân, có một khảo sát năm 2024 trên 1.000 người trẻ ở TP.HCM do bà và các công sự thực hiện, cho thấy có tới 74% người tham gia cho rằng việc không biết từ chối khiến họ rơi vào tình trạng “làm việc vì ép buộc” ít nhất một lần mỗi tháng. Gần 60% thừa nhận đã từng khóc hoặc nổi cáu vì gánh nặng không thuộc trách nhiệm của mình.

Theo thạc sĩ tâm lý Đỗ Huỳnh Dũng (Trung tâm tư vấn tâm lý An Nam, P.Tăng Nhơn Phú, TP.HCM; trước đây thuộc P.Hiệp Phú, TP.Thủ Đức, TP.HCM), từ nhỏ, trẻ em thường được dạy phải lễ phép, vâng lời, không cãi người lớn. Những phản ứng như “con không thích”, “con không làm được” thường bị chê trách. Dần dần, việc “nghe lời” trở thành tiêu chuẩn đạo đức, còn việc “nói không” bị xem là hỗn hoặc ích kỷ.

“Chúng ta lớn lên với niềm tin rằng từ chối là sai. Trong khi, ở môi trường làm việc chuyên nghiệp, người biết từ chối đúng lúc mới là người hiểu giới hạn và có trách nhiệm với chính mình”, ông Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng: “Mặt khác, giáo dục phổ thông lẫn đại học hiện nay gần như không trang bị kỹ năng từ chối một cách bài bản. Trong các môn kỹ năng mềm, các buổi định hướng nghề nghiệp hay sinh hoạt lớp, kỹ năng này chỉ được nhắc đến lướt qua hoặc không hề có”.

Vì lẽ đó, ông Dũng nói thêm: “Kỹ năng từ chối là một phần quan trọng trong trí tuệ cảm xúc (emotional intelligence), khả năng hiểu bản thân, đồng cảm với người khác nhưng vẫn biết giữ ranh giới lành mạnh. Từ chối không phải là ích kỷ, mà là tự tôn trọng mình. Quan trọng là cách nói và thái độ khi nói không. Kỹ năng từ chối bao gồm: nhận biết khi nào nên từ chối, dùng ngôn ngữ phù hợp và lịch sự, giữ được mối quan hệ sau khi từ chối, không cảm thấy tội lỗi hoặc bị áp lực khi đã quyết định”.

Không có kỹ năng từ chối, người trẻ nói 'dạ' nhưng lòng thì mệt - Ảnh 2.

Cần biết cách từ chối điều mình không đủ năng lực đảm đương

ẢNH: VŨ THỦY

Kỹ năng từ chối đúng cách

Anh Huỳnh Hữu Hiệp (31 tuổi, làm việc tại Công ty TNHH Kỹ Thuật Tiêu Điểm, P.Tây Thạnh, TP.HCM), trước đây là P.Tây Thạnh, Q.Tân Bình, TP.HCM), cho biết bản thân từng bỏ việc vì kiệt sức từ việc “gật đầu quá nhiều. “Tôi bắt đầu tập nói “không” bằng cách… viết trước kịch bản từ chối rồi luyện với bạn bè. Tôi tự học cách nói: “Mình rất muốn giúp nhưng hiện tại đang có nhiều việc rồi. Mình hẹn dịp khác nhé”. Mình cũng học cách nói: “Không, cảm ơn” thay vì vòng vo. Thật ra khi mình dứt khoát, người khác cũng dễ hiểu hơn”.

Để rèn luyện kỹ năng từ chối, chuyên gia tâm lý Đặng Hòa Thu Nhân cho rằng: “Bắt đầu từ việc hiểu bản thân. Phải biết mình đang quá tải hay không, mình thật sự muốn điều gì. Chỉ khi hiểu rõ ranh giới cá nhân, bạn mới có cơ sở để từ chối mà không hối hận. Sau đó tập nói “không” với những việc nhỏ. Hãy bắt đầu từ những lời mời không cần thiết, như “uống cà phê tối nay không?”, “xem phim không?”. Tập nói “không” một cách nhẹ nhàng và kiên quyết. Tiếp tục học cách diễn đạt khéo léo như: “Tớ rất muốn nhưng bây giờ chưa thể tham gia”, “Cảm ơn bạn đã nghĩ đến mình, nhưng lần này mình xin phép không nhận”, “Mình đang có việc cần ưu tiên, mong bạn thông cảm”. Phải giao tiếp rõ ràng và dứt khoát. Nói vòng vo như “để mình coi đã”, “cũng được nhưng…” dễ khiến người khác hiểu nhầm là bạn đồng ý. Càng không rõ ràng, bạn càng dễ bị lôi kéo trở lại. Và sau khi từ chối, cảm giác áy náy là bình thường. Nhưng hãy tự nhắc nhở, mình có quyền chọn ưu tiên bản thân, mình không sống để làm vừa lòng tất cả”.

Theo một số chuyên gia, đã đến lúc đưa kỹ năng từ chối đúng cách thành một phần bắt buộc trong chương trình giáo dục cảm xúc và kỹ năng sống.

Bà Nhân nhận định: “Giáo dục hiện đại không thể dừng ở kiến thức chuyên môn. Học sinh cần được học cách làm chủ bản thân, bao gồm cả việc từ chối áp lực, từ chối mối quan hệ độc hại, từ chối điều mình không đủ năng lực đảm đương”.