Để bảo đảm biên chế, đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông, trong công điện ngày 10.5, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát, đôn đốc, kiểm tra việc tuyển dụng giáo viên của các địa phương để đảm bảo tuyển dụng hết số biên chế đã được giao; tiếp tục rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung biên chế giáo viên mầm non, phổ thông còn thiếu so với định mức quy định của ngành giáo dục.

Thủ tướng yêu cầu không để xảy ra tình trạng có biên chế mà không tuyển dụng giáo viên
ẢNH: B. N
Thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm nguyên tắc “có học sinh phải có giáo viên đứng lớp” nhưng phải phù hợp thực tiễn địa phương và hiệu quả trong việc bố trí.
Có các giải pháp đồng bộ, hiệu quả để tuyển đúng, tuyển đủ giáo viên theo số biên chế được cấp có thẩm quyền giao, không để xảy ra tình trạng có biên chế mà không thực hiện tuyển dụng; ký hợp đồng giảng dạy để kịp thời bổ sung số lượng giáo viên còn thiếu theo quy định; xem xét, ưu tiên tuyển dụng, ký hợp đồng theo thẩm quyền đối với những giáo viên đã có thời gian thực hiện hợp đồng giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nếu đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn và phù hợp với quy định.
Thanh Niên đã có nhiều bài viết phản ánh về tình trạng thiếu giáo viên nhưng giao biên chế cho các địa phương lại không được tuyển dụng hết. Nhiều địa phương cho rằng do thiếu nguồn tuyển, đặc biệt là giáo viên dạy những môn học mới.
Tuy nhiên, một số địa phương thì thẳng thắn thừa nhận không tuyển mới giáo viên còn là “để dành” để trừ vào chỉ tiêu tinh giản biên chế hàng năm.
Mới đây, Bộ GD-ĐT cho biết, đã phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo T.Ư bổ sung đủ 65.980 biên chế giáo viên cho các địa phương. Tuy nhiên, tính đến hết kỳ 1 năm học này, cả nước còn khoảng 60.000 biên chế được giao chưa tuyển dụng, trong khi cả nước còn thiếu hơn 120.000 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông công lập.
Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương thực hiện các giải pháp để bảo đảm nguồn tuyển dụng giáo viên như: thông tin rộng rãi về nhu cầu tuyển dụng; có cơ chế, chính sách thu hút giáo viên về công tác tại địa phương. Đặt hàng đào tạo giáo viên với các cơ sở đào tạo theo nhu cầu của địa phương…
Các địa phương cần tiếp tục rà soát, điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu; xác định cụ thể số lượng, cơ cấu giáo viên còn thiếu theo từng năm học, từng cấp học, môn học từ năm học 2026 – 2027 đến năm học 2030 – 2031, báo cáo Bộ GD-ĐT.