Ngày 23/5, ông Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính (Bộ Tư pháp) cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính đang được Quốc hội thảo luận đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định bị tác động trực tiếp bởi quá trình sắp xếp, tổ chức bộ máy nhà nước.
Cụ thể về thẩm quyền xử phạt, quyết định cưỡng chế, áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính.
Dự thảo luật cũng hướng tới những cải cách mang tính chiến lược về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý vi phạm hành chính; bổ sung cơ sở pháp lý cho việc xử phạt trên môi trường điện tử; điều chỉnh quy định liên quan đến thời hiệu xử phạt đối với các vụ việc do cơ quan tố tụng hình sự chuyển đến.

Ông Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính (Ảnh: Nam Hải).
Quá trình xây dựng dự thảo luật, theo ông Huy, có ý kiến đề nghị xem xét điều chỉnh tăng mức tiền phạt, đặc biệt trong bối cảnh mức tiền phạt hiện hành trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước không còn đủ răn đe, chưa tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm.
Tuy nhiên, sau khi rà soát kỹ lưỡng, cơ quan chủ trì soạn thảo – Bộ Tư pháp đã tham mưu, báo cáo Chính phủ xác định rõ quan điểm không điều chỉnh các nội dung có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân, trong đó có vấn đề tăng mức xử phạt vi phạm hành chính.
“Đây là nhóm vấn đề rất nhạy cảm, có tác động trực tiếp đến đời sống của người dân và doanh nghiệp nên cần được cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện”, ông Huy khẳng định.
Với quan điểm đó, dự thảo luật trình Quốc hội lần này không đề xuất điều chỉnh tăng mức tiền phạt tối đa đối với bất kỳ lĩnh vực quản lý nhà nước nào được quy định tại Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành.
Dự luật chỉ rà soát, bổ sung một số lĩnh vực mới chưa được quy định trong luật nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong tình hình mới. Ví dụ, bổ sung các lĩnh vực như bảo vệ dữ liệu cá nhân, công nghiệp công nghệ số, quản lý tổng hợp tài nguyên và môi trường biển, tạo cơ sở pháp lý cho việc xử phạt trong các lĩnh vực này một cách minh bạch, đồng bộ.
“Các đề xuất liên quan đến tăng mức phạt sẽ tiếp tục được nghiên cứu, tổng kết thực tiễn và trình Quốc hội xem xét khi thực hiện sửa đổi toàn diện luật này, với điều kiện bảo đảm đánh giá tác động đầy đủ hơn trong thời gian tới”, Cục trưởng Hồ Quang Huy cho hay.