
Ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ mắc Alzheimer và sa sút trí tuệ – Ảnh: REUTERS
Nghiên cứu quy mô lớn do Đại học Cambridge (Anh) thực hiện trên gần 30 triệu người vừa xác nhận ô nhiễm không khí không chỉ gây hại cho phổi mà còn âm thầm tàn phá não bộ, làm tăng đáng kể nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ.
Kết quả tổng hợp từ 51 nghiên cứu trên toàn cầu cho thấy ba chất ô nhiễm phổ biến gồm bụi mịn PM2.5, khí NO₂ (nitrogen dioxide) và bồ hóng đều liên quan mật thiết đến nguy cơ mất trí nhớ.
Đặc biệt nguy hiểm nhất là bụi mịn PM2.5, những hạt rất nhỏ phát sinh chủ yếu từ khí thải giao thông, nhà máy và các hoạt động xây dựng, có thể đi sâu vào phổi, thậm chí lên não gây viêm nhiễm và tổn thương thần kinh.
Cụ thể cứ mỗi khi nồng độ PM2.5 tăng thêm 10 µg/m³, nguy cơ mất trí nhớ tăng 17%. Với khí NO₂, nguy cơ tăng 3% với mỗi 10 µg/m³. Riêng bồ hóng, mỗi khi tăng thêm 1 µg/m³ thì nguy cơ mất trí nhớ tăng tới 13%.
Theo các nhà khoa học, không khí ô nhiễm làm tăng nguy cơ mắc Alzheimer và đặc biệt mạnh hơn ở chứng sa sút trí tuệ do mạch máu não bị suy yếu. Họ cũng chỉ ra rằng các cộng đồng nghèo, thu nhập thấp thường tiếp xúc nhiều hơn với ô nhiễm không khí, nên cần chính sách kiểm soát ô nhiễm chặt chẽ hơn và công bằng hơn.
Tiến sĩ Haneen Khreis, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, nhấn mạnh: “Giảm ô nhiễm không khí không chỉ bảo vệ sức khỏe người dân mà còn mang lại lợi ích lớn về xã hội và kinh tế, giảm gánh nặng cho người bệnh, gia đình và hệ thống y tế”.
Nhóm nghiên cứu cũng kêu gọi các quốc gia nhanh chóng đưa ra các chính sách hiệu quả, nhất là trong quy hoạch đô thị, giao thông và kiểm soát môi trường để bảo vệ sức khỏe não bộ của người dân trước hiểm họa từ ô nhiễm không khí.