“Không thể bắt thầy cô cắm bản mãi, 10-15 năm phải được về gần gia đình”

“Không thể bắt thầy cô cắm bản mãi, 10-15 năm phải được về gần gia đình”

bởi

trong

Thể hiện trăn trở về quy định giao quyền quản lý, tuyển dụng và bổ nhiệm, luân chuyển giáo viên trong dự thảo Luật Nhà giáo, đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đồng Nai) khi góp ý vào dự thảo luật tại phiên thảo luận sáng 6/5, đã nêu nhiều bất cập trong thực tế.

Theo ông, sau khi có đề án sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã, giải tán cấp huyện, việc giao quyền quản lý cho cơ sở giáo dục như dự thảo luật là phù hợp.

Nhưng với quy định về thuyên chuyển nhà giáo, vị đại biểu tỉnh Đồng Nai nói ông vẫn trăn trở một vấn đề lớn.

“Không thể bắt thầy cô cắm bản mãi, 10-15 năm phải được về gần gia đình”

Đại biểu Quốc hội Đỗ Huy Khánh (Ảnh: Hồng Phong).

Dự thảo luật quy định điều động nhà giáo cho cơ sở giáo dục công lập và giao cho các cơ sở quản lý, tức là những giáo viên công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn sau 5 năm thì được thuyên chuyển, nhưng phải có sự tiếp nhận, đồng ý của cơ sở giáo dục.

Quy định này, theo ông Khánh, cực kỳ khó và nếu làm như vậy, các thầy, cô ở vùng sâu, vùng xa muôn đời sẽ không bao giờ về được dưới xuôi.

“Các thầy, cô không thể cắm bản mấy chục năm mà không biết đến bao giờ được về. Nếu giao cho hiệu trưởng, chỉ cần một lời phê của hiệu trưởng rằng không tiếp nhận thì các thầy, cô sẽ không về được”, ông Khánh nói đây là điều ông rất trăn trở.

Theo ông, nên giao quyền điều chuyển giáo viên cho cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương thay vì giao cho cơ sở giáo dục.

“Cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương có trách nhiệm điều động, luân chuyển chỗ thiếu, chỗ thừa, làm sao các thầy cô cắm bản 10-15 năm được về gần gia đình, chăm lo cho cuộc sống gia đình và chăm lo cho các con, không thể bắt thầy cô mãi mãi cắm bản như vậy”, ông Khánh nêu quan điểm.

Trong khi đó, đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) đề nghị bổ sung quy định về nghĩa vụ của nhà giáo trong việc “tránh gây áp lực học tập cho người học và không chạy theo thành tích”.

Nữ đại biểu cho rằng đây là một nội dung quan trọng cần được thể chế hóa rõ ràng để định hướng đúng đắn cho hoạt động giáo dục.

Không thể bắt thầy cô cắm bản mãi, 10-15 năm phải được về gần gia đình - 2

Đại biểu Quốc hội Chu Thị Hồng Thái (Ảnh: Hồng Phong).

Đại biểu giải thích thêm, gây áp lực học tập có thể bao gồm việc giao khối lượng bài tập quá tải, ép buộc học sinh học thêm, tạo tâm lý sợ hãi qua hình thức kỷ luật khắt khe, so sánh tiêu cực giữa học sinh với nhau.

Chạy theo thành tích là việc chạy theo các chỉ số, điểm số, tỷ lệ học sinh khá, giỏi tốt nghiệp, thi đua mà bỏ qua thực chất quá trình dạy và học.

Đề xuất của đại biểu Thái nhằm góp phần bảo vệ sự phát triển toàn diện của người học, đảm bảo môi trường giáo dục lành mạnh, nhân văn, chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất thay vì chỉ đánh giá kết quả qua điểm số, góp phần giảm thiểu bệnh thành tích trong giáo dục – vốn là vấn đề tồn tại lâu dài, ảnh hưởng tới cả hệ thống giáo dục quốc dân.

Dự thảo Luật Nhà giáo sau khi tiếp thu, chỉnh lý, còn 9 chương, 46 điều (giảm 4 điều so với dự thảo trình tại kỳ họp thứ 8). Theo chương trình nghị sự, dự thảo luật này sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua vào ngày 11/6.